Đối thủ của U19 Việt Nam: 'Cuộc chiến vùng Đông bắc Á'

08/10/2014 16:28 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Theo lịch thi đấu, U19 Việt Nam sẽ lần lượt đụng độ với U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản ở 2 trận đấu đầu tiên tại Nay Pyi Taw và sẽ chạm trán U19 Trung Quốc trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng tại Yangon.

U19 Hàn Quốc -  “Gót chân A-sin” của nhà ĐKVĐ

Trong số 3 đối thủ của U19 Việt Nam ở bảng C, U19 Hàn Quốc được xem là ẩn số, bởi thông tin mà U19 Việt Nam có được về đội bóng này hoàn toàn trái ngược nhau. Về lý thuyết, U19 Hàn Quốc xứng đáng là đội bóng số 1 ở sân chơi dành cho lứa tuổi U19, khi họ đã có tới 12 lần vô địch (nhiều nhất châu Á) và đang là ĐKVĐ của giải.

Tuy nhiên, ở vòng loại giải U19 châu Á 2014 diễn ra tại Jakarta (Indonesia) vào năm ngoái, U19 Indonesia đã tạo nên một cú sốc lớn khi đánh bại U19 Hàn Quốc với tỷ số 3-2 trong một trận đấu mà tiền đạo chủ nhà Evan Divas đã lập được hat-trick, còn U19 Hàn Quốc liên tục bị dẫn bàn từ đầu cho tới khi hết trận.



U19 Nhật Bản là đối thủ U19 Việt Nam không thắng trong cả 3 lần đối đầu gần đây

Một phần lý do dẫn tới thất bại gây sốc của U19 Hàn Quốc được giải thích là vì các cầu thủ trẻ xứ sở kim chi đã bị ngợp khi phải thi đấu dưới sự cổ vũ của 50.000 khán giả Indonesia trên sân Gelora Bung Karno nên họ đã bị suy sụp tinh thần và không thể chơi bóng với trình độ vốn có.

Đến với VCK năm nay, U19 Hàn Quốc mang theo một loạt cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của họ đang chơi bóng ở nước ngoài như tiền vệ Paik Seung Ho (Barcelona Juvenil A, Tây Ban Nha), người được mệnh danh là “Lionel Messi của Hàn Quốc”, hay tiền vệ Kim Seung Ju (Orange County Blues FC, Mỹ), tiền đạo Kim Shin (Olympic Lyon B, Pháp) và tiền đạo Kim Young Gyu (UD Almeria B, Tây Ban Nha).

Trong số các tuyển thủ U19 Hàn Quốc, ngoại trừ 4 cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài như trên thì chỉ có thủ môn Lee Tae Hee (Incheon United), thủ môn Kang Hyun Moo (Pohang Steelers), tiền đạo Shim Je Hyuk (FC Seoul) và tiền đạo Hwang Hee Chan (Pohang Steelers) là thuộc biên chế của các CLB đang chơi bóng ở K-League 2014, còn số cầu thủ khác đều là thành viên đội bóng của các trường đại học ở Hàn Quốc, và cá biệt có người còn đang là học sinh trung học như hậu vệ Hwang Ki Wook.

Thế nhưng, khác với Việt Nam, bóng đá học đường của Hàn Quốc đã được phát triển tới mức độ chuyên nghiệp hóa và rất nhiều cầu thủ trẻ của Hàn Quốc đã chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp ở K-League hoặc thậm chí là ra nước ngoài thi đấu sau khi học xong đại học.

Chúng ta đã phần nào được kiểm chứng điều này khi Ban tổ chức các giải bóng đá giao hữu quốc tế ở Việt Nam thường xuyên mời đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc sang dự giải, và trong những lần chạm trán với đội tuyển Việt Nam hoặc đội tuyển U23 Việt Nam, các cầu thủ sinh viên Hàn Quốc đều thi đấu với trình độ trên chân so với chúng ta.

Thành tích của U19 Hàn Quốc ở các VCK U19 châu Á

HCV (12): 1959, 1960, 1963, 1978, 1980, 1982, 1990, 1996, 1998, 2002, 2004, 2012  

HCB (5): 1962, 1971, 1972, 1992, 2006

HCĐ (5): 1968, 1970, 1973, 1974, 1976

Hạng 4 (4): 1961, 1964, 2008, 2010.

U19 Nhật Bản - Chờ đợi điều thần kỳ ở lần thứ 4?

Như là định mệnh, trong cái năm mà bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản thực hiện hàng loạt biên bản hợp tác ký kết để thắt chặt quan hệ trở nên thân thiết tới mức chưa từng có thì U19 Việt Nam cũng có tới 3 lần chạm trán U19 Nhật Bản trong các giải giao hữu ở Việt Nam.

Tháng 1 năm nay, khi gặp U19 Nhật Bản “xịn” ở Cúp tứ hùng Nutifood diễn ra tại TP.HCM, U19 Việt Nam đã để thua 0-7. Gặp lại nhau sau 8 tháng ở Hà Nội trong khuôn khổ giải U19 Đông Nam Á 2014 mở rộng, U19 Việt Nam bảo lưu đội hình mạnh nhất trong khi U19 Nhật Bản chỉ mang sang Hà Nội 5 trụ cột, U19 Việt Nam vẫn thua sau 2 lần chạm trán ở vòng bảng và trận chung kết.

Ở lần gặp gỡ thứ 4 sắp tới, khi HLV Masakazu Suzuki gọi lại những cầu thủ xuất sắc nhất, trong đó đáng chú ý là Minamino Takumi, tiền đạo từng ghi 2 bàn vào lưới U19 Việt Nam ở Cúp tứ hùng Nutifood 2014, và Ado Onaiwu, chân sút gốc Nigeria đang khoác áo CLB JEF Chiba ở J-League 2, thì cơ hội giành chiến thắng cho U19 Việt Nam càng trở nên khó khăn hơn nữa.

Kỳ lạ là mặc dù được xem là nền bóng đá số 1 châu lục từ nhiều năm nay, nhưng dường như Nhật Bản rất không có duyên với các VCK U19 châu Á. Bằng chứng là VCK U19 châu Á đã trải qua 37 lần tổ chức và Nhật Bản cũng có tới 2 lần làm chủ nhà (năm 1965 và năm 1971), nhưng đội bóng xứ sở mặt trời mọc chưa một lần đoạt chức vô địch, và thành tích tốt nhất của họ chỉ là 6 lần nhận danh hiệu á quân mà thôi.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi U19 Nhật Bản chuẩn bị rất kỹ cho VCK U19 châu Á năm nay, khi HLV Suzuki đã gọi tới xấp xỉ 50 cầu thủ để tuyển lựa thành phần nhân sự tốt nhất mang tới Myanmar tranh tài. Tuy nhiên, trong bóng đá không nói trước được điều gì, và trái bóng đôi khi vẫn có những quy luật riêng của nó, nên U19 Việt Nam có thể hy vọng sẽ khai thác được cái dớp kém duyên với VCK U19 châu Á của U19 Nhật Bản để nuôi hy vọng tạo nên bất ngờ ở lần gặp gỡ thứ 4 trong năm 2014.

Thành tích của U19 Nhật Bản ở các VCK U19 châu Á

HCB (6): 1973, 1994, 1998, 2000, 2002, 2006

HCĐ (5): 1959, 1971, 1980, 1992, 2004

Hạng 4 (1): 1996.

U19 Trung Quốc - Ưu thế về thể lực, thể hình

Nếu xét theo danh sách các đội bóng từng đoạt chức vô địch U19 châu Á thì Trung Quốc chỉ đứng thứ 9, xếp sau Hàn Quốc (12 lần), Myanmar (7 lần), Israel (6 lần), Iraq (5 lần), Iran (4 lần), CHDCND Triều Tiên (3 lần), Saudi Arabia (2 lần), Thái Lan (2 lần), và họ chỉ đứng trên Indonesia, Syria, UAE, Ấn Độ (1 lần). Đây cũng là điều bình thường bởi Trung Quốc không được xem là đội bóng lớn ở châu Á, và U19 Việt Nam từng thủ hòa 2-2 với U19 Trung Quốc ở VCK U19 châu Á năm 2002 diễn ra ở Qatar.

Tuy vậy, với ưu thế về thể lực thể hình, U19 Trung Quốc được nhận định sẽ không dễ dàng chấp nhận làm bại tướng trước U19 Việt Nam, cho dù các cầu thủ của HLV Graechen đã có thừa kinh nghiệm đối phó với những đối thủ cao to nhưng hơi thiếu sự tinh tế, khéo léo khi chơi bóng.

Ở vòng loại giải U19 châu Á 2014 diễn ra tại Trung Quốc vào năm ngoái, dù chỉ đứng nhì bảng I, nhưng U19 Trung Quốc cũng không để thua trận nào và họ chỉ xếp sau U19 Nhật Bản vì kém hơn về hiệu số bàn thắng bại.

Để chuẩn bị cho vòng chung kết, U19 Trung Quốc đã gọi về hàng loạt cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài như hậu vệ Gao Zhuyi (Kataller Toyama, Nhật Bản), cặp tiền vệ Wei Shihao (Boavista FC, Bồ Đào Nha), Tang Shi (Botafogo, Brazil) hay tiền đạo Xiang Baixu (AS Saint-Etiene, Pháp).

Ngoài 4 cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, U19 Trung Quốc còn có sự góp mặt của nhiều tuyển thủ hiện là thành viên của các CLB chuyên nghiệp Trung Quốc ở giải China Super League 2014 như thủ môn Liu Yu (Changchun Yatai), thủ môn Zhao Tianci (Beijing Guoan), hậu vệ Liu Haidong (Guangzhou Evergrande), tiền vệ Wang Jinxian (Dalien Aerbin)…

Với thành phần nhân sự hùng hậu như vậy, không có gì ngạc nhiên khi U19 Trung Quốc liên tục gặt hái kết quả thuận lợi ở loạt trận giao hữu trước thềm vòng chung kết giải U19 châu Á năm nay. Cụ thể, U19 Trung Quốc thắng U19 Mexico 1-0, hòa U19 Iran và U19 Canada, và chỉ chịu thua U19 Bắc Ireland 0-2 sau khi đã chơi rất ấn tượng.

Thành tích của U19 Trung Quốc ở các VCK U19 châu Á

Vô địch (1): 1985

HCB (3): 1982, 1996, 2004

HCĐ (1): 2000

 Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm