Đời sống thời bao cấp (Bài 16): Ri-đô & tương cà mắm muối

17/08/2014 08:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tham ăn và ham chuyện tình dục - hai cái đói vô cùng của thời Bao cấp, khiến ngày nay hình như người ta hối hả bù đắp, một sự phản chiều tâm lý…

Đời sống của người dân suốt thời chiến tranh và bao cấp là vô cùng khó khăn, đó là điều không ai không nhận thấy, nhưng có nhiều điều ngoài sức tưởng tượng và cái chính là nó ảnh hưởng đến tâm tư con người cho đến tận bây giờ, ngay cả những người thời đó còn là trẻ con hay chưa sinh. Điển hình nhất là hai tính cách tham ăn và ham chuyện tình dục - hai cái đói vô cùng của thời bao cấp, khiến ngày nay hình như người ta hối hả bù đắp, một sự phản chiều tâm lý, hơn 40 năm bị dồn nén, nếu tính từ năm 1945 - 1985. Chúng ta thấy người Việt Nam ngày nay ham ăn uống vô cùng, nhiều quần áo vô cùng, ham sắc dục vô cùng - người phương Tây gọi đó là Boomerang hậu chiến (*).


Một đám cưới thời bao cấp. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989 tại Hà Nội. Nguồn: reds.vn

Khi những ngôi nhà riêng bị chia cho nhiều gia đình, mỗi gia đình theo tiêu chuẩn 4 m2/người trở nên quá chật chội. Rồi đến khi tiêu chuẩn đó cũng không giữ được đúng, mỗi gia đình tự nở ra thành hai, ba, bốn gia đình, khi đàn con lớn lên và lấy vợ, lấy chồng, nhưng tất cả vẫn sinh hoạt trong một diện tích cũ.

Buổi tối nhìn vào một căn nhà (thực chất chỉ là một căn phòng) người ta có cảm giác như một doanh trại quân đội dã chiến, nó được ngăn nhỏ ra bằng các tấm ri-đô (màn quây), mỗi một khoang ri-đô là một đôi vợ chồng, đôi khi con cái cũng chui vào đó cả. Sáng ra tất cả ri-đô được kéo gọn và căn phòng trở nên công cộng như cũ. Vài cái giường không đủ cho tất cả, còn lại nằm đất, đám thanh niên chưa vợ, tụ tập kéo nhau ra đường ngủ, vỉa hè, hoặc các con ngõ, hoặc chui lên các gác thượng, lúc đó chưa bị lấn chiếm.

Đời sống tính dục phải rất tế nhị, hoặc hầu như không có, nhiều người nói rằng: Đó là thời không có tình dục. Không ai trông thấy bạn đời của mình ra làm sao, ngoài khuôn mặt. Bạn tôi mãi đến khi được phân căn hộ tập thể riêng mới thốt lên rằng: Bây giờ (sau 15 năm cưới) tôi mới biết chân vợ mình cực đẹp. Sau đó anh chết sớm vì ung thư, chúng tôi thường đùa rằng vì ông ấy ngắm chân đẹp nhiều quá nên chết sớm.


Không gian một căn nhà tập thể thời bao cấp, được tái hiện trong triển lãm Cuộc sống Hà Nội ở thời bao cấp (1975 - 1986) tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Chủ nghĩa ri-đô không chỉ để ngủ buổi tối, nó là sự phân chia gia đình lớn thời phong kiến cũ, mọi người sống chung một mái nhà, ăn chung một mâm đến chỗ phân chia thành những gia đình nhỏ, mỗi nhà một bếp, nồi niêu và bữa ăn riêng. Ở Hà Nội lúc đó, việc phân chia các gia đình trở nên quá phức tạp. Cái bếp chung của xóm ngõ không đủ cho vài chục gia đình, thậm chí có những căn nhà với nhiều hộ khác nhau, lên đến 70 gia đình nhỏ. Kết cục là từ hàng chục đến 70 cái bếp dầu, lò than cùng hun khói một lúc vào giờ nấu ăn.

Trong một đại gia đình cũ, bày năm bảy mâm khác nhau, chế độ ăn cũng khác nhau đôi chút, do khả năng kinh tế. Bếp của ông bà thường nổi lửa sớm hơn và ông bà cũng ăn sớm hơn các cháu cho đỡ phiền, đồng quà tấm bánh thêm ra cho các cháu cũng là sự hy sinh. Đến khi ông bà có ốm đau đi bệnh viện thì cảnh tượng thường thấy là anh em đùn nhau trách nhiệm, hoặc hữu nghị nhất là cùng đóng góp, chia thời gian trông nom. Những thói quen này còn giữ đến bây giờ, mà trước thời bao cấp không hề có.

Nan giải nhất trong mỗi căn nhà có nhiều hộ là khu vệ sinh chung và nước sinh hoạt. Thời bao cấp mỗi lần phải đi vệ sinh giống như bị đi tra tấn, mùi hôi thối còn bám vào người và quần áo rất lâu, khiến có người chế riêng một bộ (áo mưa) để đi vệ sinh. Các khu hộ tập thể, khu vệ sinh thường bị mất cửa và cũng rất bẩn, những hộ mới đến thường bị đùn ra bờ rào gần đường đi, nơi gần thùng rác và khu vệ sinh. Đùng một cái thời mở cửa người ta đục tường ra làm hàng quán, những nơi trước kia đùn những người thấp cổ bé họng ra ở nay lại trở nên đắt giá. Dần dà các nhà vệ sinh cũng được chia nhỏ và hiện đại hóa trong gia đình riêng.


Ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989 tại Hà Nội. Nguồn: reds.vn

Từ năm 1967, nước sinh hoạt trong thành phố luôn thiếu, do nguồn cung cấp điện không thường xuyên. Mất điện và mất nước đi đôi với nhau. Ngay cả khi có nước thì nước cũng không chảy được vào trong từng gia đình. Ở các thành phố giếng thường không được tốt lắm, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm lâu đời, nên nước sinh hoạt là vấn đề rất căng thẳng. Thời đó, chúng tôi thường giặt giũ từ 1 đến 3 giờ sáng, và cũng bơm nước vào bể chung vào quãng thời gian đó, nhưng phải ngồi suốt đêm canh máy bơm, nếu không mất ngay. Các đường ống do bị đào bới lung tung nên chỉ dẫn nước đến vỉa hè trước cửa, còn từ đó vào trong nhà rất hoen gỉ.

Những cuộc “chiến tranh“ nước xảy ra thường xuyên trong các khu tập thể, nhất là những nhà ở tầng cao thì càng khó khăn có được nước sinh hoạt. Trong nhà luôn có chum, vại, xô chậu tích đầy nước. Người ta tranh thủ đến cơ quan tắm giặt, đi vệ sinh, thay vì làm việc đó ở nhà. Câu chuyện tiếu lâm Ngôi nhà không toilet ra đời trong thời gian này.

Đại khái người ta xây tòa nhà chung cư năm tầng, nhưng không có nơi vệ sinh. Khi hỏi người xây dựng tại sao, anh ta trả lời: Tầng một là nhà trẻ các cháu ị bô, nên không cần nhà vệ sinh. Tầng hai cho cán bộ cao cấp, ị ra có người hót nên cũng không cần. Tầng ba cho cán bộ thường, đi vệ sinh ở cơ quan nên cũng không cần. Tầng bốn cho văn nghệ sĩ, họ hay ị vào mồm nhau, nên cũng không cần. Tầng năm cho sinh viên, không có gì ăn, nên chẳng cần ị. Đó chính là thời bao cấp.

(*) Boomerang là dụng cụ đi săn của thổ dân châu Úc, giống như cái mác có hình cong. Khi ném vào thú săn nếu không trúng nó tự quay lại phía người ném. Nghĩa bóng của từ này là phản hồi, khi làm một việc gì đó, thể nào cũng có hậu quả ngược trở lại.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm