Đời sống thời bao cấp (bài 5): Xếp hàng cả ngày

31/05/2014 15:15 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Chợ trời thật giả đâu chân lý/ Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa (Tố Hữu).

Trước năm 1965, mặc dù hàng hóa phân phối theo tem phiếu, nhưng lúc đó dân thưa, tiền ít, nên việc xếp hàng cũng không có vấn đề gì lớn. Sau hòa bình từ 1954 - 1965, mọi người dân đều cố gắng giữ nếp sống văn minh thanh lịch, ai nấy đều coi chủ nghĩa xã hội như là thiên đường, cho nên không có chuyện chen hàng, xô đẩy, đánh chửi nhau như sau này. Việc xếp hàng cũng chủ yếu trong các thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Ở nông thôn, gần như quay lại thời tự cung tự cấp, nên việc xếp hàng là hãn hữu. Ông Bá Dương trong cuốn Người Trung Hoa xấu xí, có phân biệt sự xếp hàng giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc chẳng hạn, và các quốc gia tư bản, như Mỹ chẳng hạn. Thì ông thấy hai bên đều xếp hàng cho mọi việc như nhau và việc gì cũng phải xếp hàng, nhưng ông cho rằng, một bên xếp hàng do thiếu hàng hóa, một bên xếp hàng vì đời sống văn minh. Nói cho cùng thì chỉ văn minh người ta mới xếp hàng và tất nhiên để mua được hàng hóa đôi khi người ta phải giẫm đạp lên văn minh vậy.


Hà Nội năm 1989. Ảnh David Alan Harvey. Nguồn: reds.vn

Ở Hà Nội, xếp hàng mua gạo là vấn đề lớn, đến mức có người chầu chực cả tuần mà không mua nổi gạo, từ đó sinh ra những người đong gạo thuê, hầu hết là những bà già còn khỏe mạnh, rỗi việc, nhận sổ gạo của rất nhiều gia đình, hàng tháng tìm cách mua gạo cho người ta, rồi nhận ít tiền công, có thể là chính một vài cân gạo. Việc mua hàng khó khăn đến nỗi người ta buộc mọi thứ xí chỗ vào nơi xếp hàng - viên gạch chặn lên tờ giấy, cái dép bỏ, cái rổ rách… đủ mọi thứ linh tinh khác, chúng cho biết đã có chủ nhân đứng ở đây, nhưng bận chút nên chạy về nhà, Người xếp hàng sau cứ đá dần viên gạch lên trên, cho đến khi có người ra nhận chỗ. Xếp hàng mua bia là cảnh tượng ngoạn mục. Tích-kê mua bia là những miếng nhôm nhỏ xâu qua một dây thép căng từ cửa ngoài đến quầy rót bia. Mỗi người qua đó, chủ yếu là đàn ông, sẽ được nhận một tích- kê nhôm đó, nhưng cầm tay rê theo dây thép cho đến cô bán hàng. Mỗi tích-kê được mua hai cốc, càng về sau người ta bán kèm bắt buộc thêm nhiều thứ, ví dụ muốn mua bia phải mua đĩa lạc, đĩa xào gì đó… cái này là thu nhập thêm của nhân viên cửa hàng. Thời kỳ Bao cấp các anh lái xe, thủ kho, tài vụ rất đắt vợ và các cô bán hàng, thủ quỹ, thương nghiệp cũng rất đắt chồng, bởi vì làm những nghề đó họ dễ dàng kiếm được hàng hóa hơn, cho nên có câu Thủ kho to hơn thủ trưởng.


Xếp hàng mua lương thực. Ảnh chụp tại triển lãm Cuộc sống Hà Nội 1975 - 1986 tại Bảo tàng Dân tộc học năm 2007. Người chụp: Nguyễn Anh Tuấn

Xếp hàng lấy nước là cả một vấn đề, không có nước thì gay go, hơn cả cơm gạo, hàng hóa. Những máy nước công cộng ngoài phố liên tục hàng dãy xô chậu kéo dài vài trăm thước từ bốn giờ sáng đến một giờ đêm. Thời đó chúng tôi hay đi gánh nước thuê, nên chỉ có thể gánh từ hai giờ đêm đến bốn giờ thôi. Vô cùng vất vả, mùa Đông lạnh ngắt mà người ướt đẫm mồ hôi.


Một cảnh xếp hàng ở Hà Nội thời Bao cấp. Nguồn: reds.vn

Xếp hàng thời Bao cấp là những cuộc chiến căng thẳng cho đến khi nào về tay không hoặc mua được hàng hóa. Trong dãy người xếp hàng, có đến hàng trăm người, phần nhiều là phụ nữ trung niên và trẻ con, số ít là thanh niên và các ông bà già. Ai nấy mặt đỏ tía tai, người ướt sũng mồ hôi như tắm, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, còn vài anh trật tự thì thổi còi la hét inh ỏi. Ngày nào cũng có vài trận nảy lửa, có người mua được hàng thì đánh rơi hết cả tem phiếu, nhiều kẻ lợi dụng móc túi, sự xô đẩy lúc nào cũng cọ xát người vào với nhau, nên khối anh trai lơ lợi dụng sờ mó phụ nữ.


Phiếu đường, năm 1979, dùng để mua 1/2 kg đường. Nguồn: manhhai.flick.com

Sổ đăng ký mua lương thực cho một hộ gia đình. Nguồn: manhhai.flick.com

(còn tiếp)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm