Đời sống thời bao cấp (Bài 10): Kỷ cương xã hội

12/07/2014 12:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là một vấn đề nổi bật thời chiến tranh và bao cấp, thậm chí nếu không có nó, công cuộc kháng chiến và thống nhất đất nước đã không bao giờ có thành quả. Nhưng dường như không có tài liệu nào nhắc đến, hay coi đó như là mặt quan trọng của đời sống. Bất cứ xã hội nào trong chiến tranh, người ta cũng phải gồng mình lên và chấp nhận những đạo luật hà khắc. Khi viết bài này, chúng tôi không rõ nên xếp nó vào mục văn hóa hay là gì.

Sau hòa bình, năm 1954, nhất là sau sự kiện Nhân văn giai phẩm, những lời đàm tiếu về Nhà nước và đường lối chính sách được coi là tuyệt đối cấm, bên cạnh đó là hàng loạt các quy định xã hội, mà thực sự người ta không rõ có nằm trong luật pháp hay không, ví dụ ăn cắp thế nào thì bị đi tù, ngoại tình thì phạm luật gì, ăn mặc lố lăng thì ra sao, hát nhạc nào vẽ tranh nào bị coi là không được… Tuy nhiên thì sự cấm kỵ cũng hình thành, và đương nhiên phải chấp nhận, coi đó là sức mạnh của bên thắng cuộc.


Đường phố Hà Nội những năm 1970. Ảnh: Gunter Mosle. Nguồn: reds.vn

Nếp sống thanh lịch, văn hóa được nêu cao ngay năm 1954, trong gia đình, con không được cãi cha mẹ, hàng xóm không được đánh nhau, nếu vi phạm cha mẹ cứ việc đánh đòn con rất nặng, thậm chí bôi vôi, cạo trọc đầu, đưa ra khu phố giáo dục, đánh nhau cả hai bên sẽ bị phạt, thậm chí bị giam vài ngày, hoặc đi lao động công ích. Bè bạn đến nhà chơi được gia chủ tiễn ra đầu làng, đầu phố, nam nữ thanh niên thăm nhau, trước tiên bố mẹ tiếp, nói chuyện phải bật đèn, mở cửa, đi chơi phải xin phép và không quá 10 giờ tối. Ăn cắp và hủ hóa được coi là hai tội rất nặng. Trẻ con tháo trộm một cái nắp chuông xe đạp, cũng có thể đi trại cải tạo vài năm. Hủ hóa tức là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, sẽ bị đuổi việc đưa đi miền núi, hải đảo, hoặc đưa ra Công đoàn kiểm điểm, đình chỉ công tác, hoặc chuyển cả hai đi nơi khác. Học sinh cấp ba (14 - 17, 18 tuổi) yêu đương không được vào Đoàn, tức là không được vào đại học. Trong đại học, yêu nhau phải báo cáo nhà trường, trong cơ quan cũng vậy, trong bộ đội gần như cấm yêu, nhất là những nhân vật quan trọng (như phi công chẳng hạn), hoặc bị kiểm soát rất chặt. Từ thầm yêu trộm nhớ rất chính xác thời kỳ này. Nam nữ vào khách sạn (lúc đó rất ít khách sạn, không có nhà nghỉ) đều phải trình đăng ký kết hôn mới được ở chung phòng. Vào những năm 1965 thanh niên có trào lưu mặc quần ống tuýp, ống côn (rất chật và bó chân) và để tóc dài, sau đó từ năm 1970 - 1980 có trào lưu quần ống loe.


Thanh niên TP.Hồ Chí Minh đi chơi buổi tối. Ảnh: Philip Jones Griffiths, chụp những năm 1980. Nguồn: reds.vn

Hai trào lưu này đã gây bức xúc cho đời sống xã hội, người ta nhìn đó là những thanh niên đua đòi, đứng ngoài cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế là một cuộc lập lại trật tự văn minh bắt đầu, mọi thanh niên nam để tóc quá dài và kiểu cách bị túm lại ở ngoài đường và húi cho một đường dài trọc lóc trên đầu, còn quần côn, hay quần loe sẽ bị rạch ống, hoặc cắt đi một vạt. Sự kiện này xảy ra nhiều vào những năm 1966 - 1972, sau đó bị cho là quá khích và ảnh hưởng tư cách cá nhân nên lặng lẽ quên lãng. Riêng tệ hát nhạc vàng, một loại nhạc được coi là phản động, đồi trụy, ru ngủ thanh niên bị cấm triệt để. Vụ xử Toán “Xồm”, một ca sĩ nghiệp dư chuyên hát nhạc tiền chiến và nhạc vàng nổi đình đám lúc bấy giờ. Tất cả những ai hát nhạc vàng đều bị kỷ luật bằng cách hát bài Giải phóng miền Nam 100 lần.

Các con nghiện trong một trại giáo dưỡng ở miền Nam. Ảnh: David Alan Harvey, chụp năm 1989. Nguồn: reds.vn

Sự gồng mình này trong chiến tranh cũng có tác dụng lớn tạo ra một xã hội lành mạnh ổn định. Mỗi trường học, cơ quan chỉ có một hai bảo vệ, một lao công mà lúc nào cũng sạch sẽ, nghiêm túc, học sinh đi học được an toàn, mọi cơ quan đều không bị trộm cắp, dù việc xây tường, rào cổng rất sơ sài. Trong các làng xã chỉ có một hai công an xã và một đội du kích sinh hoạt không thường xuyên, nhưng đời sống rất nghiêm chỉnh, ít tai nạn, không trộm cắp, đánh nhau và xa hơn nữa là hoạt động gián điệp không có đất sống. Trong cuốn Vụ tập kích Sơn Tây, người Mỹ thừa nhận, cho đến những năm 1965 - 1970 ở miền Bắc (dường như) không có một tình báo nào từ ngoài lọt được vào miền Bắc (*).

GHI CHÚ: Trong chiến tranh chống Mỹ, một số phi công tù binh Mỹ được giam giữ tại trại giam Sơn Tây. Sau thời gian dài chuẩn bị, tình báo Mỹ tổ chức tấn công trại giam vào ngày 20/11/1970 nhằm giải cứu tù binh, bằng máy bay lên thẳng. Nhưng toàn bộ số phi công Mỹ đã được chuyển đi nơi khác từ tháng trước.

Sách Vụ tập kích Sơn Tây, tác giả Benjamin F. (Harper - Row Publishers). Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 1987, Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ dịch.



(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm