Câu chuyện du lịch: Brussels, xứ sở Chocolate trong lòng Vương quốc Bỉ

22/12/2015 21:20 GMT+7 | Điểm đến

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Len lỏi qua những ngõ hẹp cổ kính nằm quanh Quảng trường lớn để đến tượng chú bé tè Manneken Pis (biểu tượng của Vương quốc Bỉ), tôi đắm chìm trong hương vị chocolate ngọt ngào từ các quầy hàng san sát dọc lối đi.

Brussels – thủ đô nước Bỉ đang vào mùa xuân. Mặc cái rét khoảng 16 độ và mưa gió, du khách vẫn nườm mượp kéo đến Quảng trường lớn của thành phố, nơi từng là khu chợ mở sầm uất cạnh dòng sông Senne. Xuyên suốt cả dãy phố, các ngôi nhà cổ kính kiến trúc hỗn hợp giữa Gothic, Baroque và Louis XIV in dấu ấn của người Pháp và người Hà Lan. Quảng trường này được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1988 và là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu. Mưa vẫn bay, gió vẫn thổi, tôi vẫn say mê chụp ảnh những kiến trúc tuyệt đẹp nơi đây.


Những viên Chocolate ngon tuyệt được bán trong những quầy hàng ở Brussels

Dễ nhầm tượng với người

Rời Quảng trường lớn, tôi len lỏi qua những ngõ hẹp cổ kính đi đến bức tượng chú bé tè Manneken Pis (bức tượng bằng đồng cao 61 cm trên góc của Rue de l’Etuve và Rue des Grands Carmes, cách tòa thị chính Brussels khoảng 500 m, do điêu khắc Hieronimus Duquesnoy thực hiện vào năm 1619). Các nguyên thủ quốc gia đến thăm Vương quốc Bỉ thường tặng Manneken Pis bộ áo quần và chiếc nón truyền thống may vừa vặn với kích thước của chú bé. Nhìn bộ áo trên người chú bé, du khách có thể biết được nguyên thủ quốc gia của nước nào đó ghé thăm. Rất tiếc, hôm tôi đến chú bé Manneken Pis vẫn trần trụi đứng giữa mưa.


Tượng "Chú bé tè" chỉ cao 61cm nổi tiếng ở Brussels, một trong những biểu trưng của nước Bỉ

Chia tay Manneken Pis, tôi đến tượng Vincent Van Gogh – họa sĩ thiên tài người Hà Lan. Tượng đặt ven đường đi với khuôn mặt khắc khổ thể hiện những khó khăn nhất trong cuộc đời khi ông đến Brussels (1880-1885). Đôi khi tôi lại bị nhầm lẫn giữa “tượng đá” và “tượng người” bởi những người ăn xin hóa trang y như đúc Vincent Van Gogh từ màu sắc chiếc áo cho đến màu sơn trên khuôn mặt đứng đâu đó ở những góc phố.

Chocolate tươi sản xuất thủ công

Hương thơm ngọt ngào của chocolate từ những quầy hàng san sát nhau trên đường đi níu kéo đôi chân của tôi. Mỗi quầy đều có nhiều loại chocolate miếng nhỏ để du khách dùng thử.

Chocolate rất tốt cho sức khỏe, được xem là “thiên sứ” của tình yêu và hữu ích trong việc săn sóc sắc đẹp. Người ta thường biết ba quốc gia nổi tiếng về chocolate là Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ nhưng ít ai biết rằng Thụy Sĩ mua công thức chế biến từ người Bỉ và người Pháp. Chocolate tại Bỉ đã có lịch sử không dưới 1.000 năm.


Một quầy hàng bán Chocolate chế biến bằng tay ở Brussels

“Hương vị chocolate tùy thuộc vào Coverture Chocolate và nhiệt độ để xử lý dung dịch này. Coverture Chocolate gồm dung dịch chocolate và sữa chocolate. Dung dịch chocolate được làm từ bột ca cao đánh trong chất bám dính leithin có màu nâu đậm, sữa chocolate được làm từ bột ca cao đánh trong bơ và sữa, màu vàng đậm. Thông số hàm lượng các nguyên liệu để làm Coverture Chocolate là bí quyết của mỗi nhà sản xuất”. Thấy tôi thích thú nhìn vào đôi tay như múa khi làm chocolate giao ngay cho khách hàng, anh Aldelbert – thợ chế biến người Bỉ – giải thích.


Kiến trúc điêu khắc tuyệt đẹp trên tòa thị chính Brussels

Anh Aldelbert đưa cho tôi xem Coverture Chocolate. “Coverture Chocolate được ủ nóng. Nhiệt độ sẽ quyết định độ rắn, độ giòn và màu của chocolate. Thông số nhiệt độ cũng là bí quyết… Người Bỉ chính gốc chỉ thích ăn chocolate dưới dạng Coverture Chocolate chứ không ăn thành phẩm. Coverture Chocolate được sử dụng như là thức ăn sáng hay ăn dặm trước khi ngủ kèm với những chiếc bánh ngọt không đường.

Ở Thụy Sĩ hay Pháp, chocolate sản xuất bằng máy. Chỉ ở Bỉ mới có chocolate tươi, sản xuất bằng tay. Chỉ bằng đôi tay, người thợ mới cảm nhận hàm lượng và nhiệt độ nào là vừa cho từng loại chocolate khác nhau. Cũng đừng lo sợ chocolate tan chảy. Chúng tôi đã biết ở nhiệt độ nào, thời gian bao lâu là nó sẽ cứng”.


Tượng danh họa Van Gogh ở Brussels

Câu chuyện quả lý thú, anh Aldelbert giải thích: Có ít nhất khoảng 15 loại chocolate hương vị khác nhau. Gần đây, người ta ưa chuộng loại chocolate đen (hàm lượng ca cao 79%). Nó tốt cho những người lớn tuổi hay bệnh tim mạch, được các đầu bếp lựa chọn bởi tăng độ thơm cho thức ăn. Nhắc đến chocolate Bỉ, người ta hay nhắc đến các thương hiệu như Neuhaus, Guylian và Leonidas, những công ty này kinh doanh chocolate mua từ những công ty chuyên sản xuất chocolate chính hiệu tại Bỉ là Callebaut, Belcolade”…

Anh Aldelbert gợi ý: “Những ngày mưa thế này, nhấm nháp một ít Coverture Chocolate với bánh ngọt, rồi thấm giọng bằng cà phê không đường, bạn sẽ tận hưởng hương vị chocolate của người Bỉ”.

Bài và Ảnh: LinhNC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm