Romeo và Juliet: Có xa lạ với khán giả Việt Nam?

11/05/2009 09:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 20h tối hôm qua (10/5), tại Nhà hát Kịch TP.HCM (30 Trần Hưng Đạo, Q.1), Romeo và Juliet đã diễn suất cuối cùng, trước khi có 3 suất diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 2 ngày 13 và 14/5. Trong 8 suất diễn tại TP.HCM, nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy có 2 đối tượng khán giả khác nhau, một bên xa lạ, một bên thân thuộc.

Kịch thơ… không học khó xem?

Các tác phẩm kịch của đại thi hào William Shakespeare (1564 - 1616) thường viết bằng thơ, một thứ ngôn ngữ bay bổng và súc tích, đến mức, người Anh lúc đương thời (thế kỷ 16 - 17) nghe cũng rất khó hiểu, nếu không được làm quen. Theo lịch sử dịch thuật và nghiên cứu văn học, thì các tác phẩm của Shakespeare liên tục được dịch và chú giải từ tiếng Anh cổ sang tiếng Anh hiện tại, để người Anh đương thời có thể cảm nhận được. Cho nên, khi đi xem Romeo và Juliet - dù bằng tiếng Anh, thì những người có thông tin sẽ hỏi liền: đó là tiếng Anh của bản dịch năm nào? Do ai dịch? Nếu muốn diễn lại chính những kịch bản cổ, thì người xem trong cộng đồng tiếng Anh, bắt buộc phải đọc các phụ đề chú giải, vì ngôn ngữ ngày nay rất khác xưa.

Điều này đã diễn ra với vở Romeo và Juliet của đạo diễn Paul Stebbings, khi đa phần các khán giả phổ thông mua vé đi xem, do không được làm quen với văn bản thơ của tác phẩm, nên cảm thấy ngôn ngữ quá cổ xưa, khó hiểu.

Chị Thu Phương, giáo viên tiếng Anh ở quận 3, nói rằng mình xem phim hoặc ti vi bằng tiếng Anh thì không cần tiếng Việt, nhưng khi xem vở kịch này, dù rất quen thuộc, đã đọc 2 lần trước đây, thì cũng phải kết hợp việc nghe với đọc phụ đề. Cho nên, sự xa lạ của vở kịch này, không phải ở điệu bộ diễn xuất tự nhiên đến khác biệt, hay ở chất quý tộc phương Tây mà vở kịch tạo ra, mà chính là ở ngôn ngữ thơ. Bởi thực tế cho thấy rằng, đa phần khán giả Việt Nam không có thói quen nghe hát thơ hay xem kịch thơ, nên khi ngồi xem bi kịch với những câu thơ du dương, nhiều người đã thấy khó chịu.

Thực chất thì vở Romeo và Juliet này đã chọn một văn bản thơ khá cập nhật, ngôn ngữ tân kỳ, gần gũi. Trong 2 suất diễn buổi trưa, dành cho học sinh các trường quốc tế tại Sài Gòn, do đang được học tác phẩm này, nên họ xem khá tự tin, thoải mái. Phan Long, học sinh lớp 10, Trường Quốc tế Australia - Sài Gòn cho biết mình có thể nghe trực tiếp và hiểu được tác phẩm. Long nói thêm: “Đây là kịch thơ, nên ngôn ngữ không thể giống như phim, nghe cứ tuồn tuột, dễ hiểu; thơ thì nghe phải có hình dung và tưởng tượng mới thấy hay. Khi bắt đầu học thơ, tụi em cũng chán lắm, nhưng khi được làm quen dần dần, thì thấy có những cái thú vị riêng”.

Chia đôi khán giả?

“Trước khi nhận vé đi xem vở kịch này, tụi em đã được thầy cô phụ trách bộ môn giảng giải và gợi ý khá cặn kẽ về độ khó của tác phẩm. Em cũng đã từng xem Romeo và Juliet qua đĩa tư liệu của trường, do một đoàn kịch Việt Nam diễn, nhưng em thích người Tây diễn hơn, vì sự tự nhiên. Nếu tác phẩm này không được giới thiệu trước trong lớp học, chắc chắn xem không dễ dàng thấy hay” - Đỗ Hoàng Việt, lớp 10, Trường Quốc tế Australia - Sài Gòn nói.

Nhà sản xuất Grantly Read Marshall cho biết, dù không đạt mức lý tưởng như một vài thành phố khác, nhưng ông hài lòng về khán giả tại TP.HCM, việc bán vé như vậy là chấp nhận được. Còn đạo diễn Lê Quý Dương thì rất hài lòng vì “kịch Tây ở Việt Nam đã bắt đầu có khán giả thực sự; tương lai chắc sẽ tốt hơn”. Bởi với những người xem đã quen với thứ ngôn ngữ kịch sinh hoạt, chỉ mang thông tin và đối thoại bình thường, gặp Romeo và Juliet trong ngôn ngữ thơ, không tẩy chay đã là may mắn. Những người tự nguyện mua vé đi xem, vì ngưỡng mộ tác phẩm, đã được hài lòng về mặt thị giác và diễn xuất, đoàn kịch rất giỏi tay nghề, nhưng về lời thoại thì còn bối rối vì khó gần. Những khán giả là học sinh, được nhà trường bố trí đi xem như một tiết mục ngoại khóa, thì đã tỏ rõ sự ưu trội của mình về mặt ngôn ngữ tác phẩm, vì đã được học.

Nhìn từ hàng ghế khán giả, Lê Quý Dương nói rằng, dường như có sự chia đôi, một bên tỏ ra thân thuộc, một bên còn khá e dè. Cho nên, từ chuyện một đoàn kịch đến lưu diễn, vốn là hoạt động rất bình thường, chúng ta cũng cần chuẩn bị về mặt tâm lý để đón nhận những hình thái nghệ thuật khác với thói quen của mình. Bởi nếu không, những hoạt động nghệ thuật như thế này sẽ khó được diễn ra thường xuyên hơn, và khán giả, chắc chắn sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm