Việt Nam sẽ có “Ngày kỷ niệm Chữ viết Quốc gia”?

22/11/2011 10:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ đề xuất của nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình, Bộ VH,TT&DL đã quyết định giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để chọn một ngày trong năm làm dịp kỷ niệm và tôn vinh chữ Quốc ngữ - loại hình văn tự đã có hàng trăm năm lịch sử và đang được chúng ta chính thức sử dụng.

Cụ thể, văn bản số 3845 (ra ngày 9/11/2011) cho biết: Bộ VH, TT&DL sẽ giao các cơ quan chuyên môn hợp tác nghiên cứu kĩ vấn đề này, đồng thời tiến hành tìm hiểu và đánh giá đúng vai trò của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) với những đóng góp quan trọng của ông trong việc hình thành và phát triển nền văn học chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ 20. Trước đó, từ tháng 9/2011, ông Bình đã có thư đề nghị gửi tới nhiều cơ quan văn hóa, lịch sử trên cả nước về vấn đề này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình.

1. Trao đổi với TT&VH, nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình cho biết: “Ý tưởng trên đến với tôi từ khi còn đi học tại Bungaria nhiều năm trước. Kỉ niệm ngày ra đời chữ viết của mình, quốc gia này có một ngày lễ riêng vào 24/5 với tên gọi “Ngày hội văn hóa và chữ viết Slavơ”. Trong lịch sử Bungaria, đó là loại chữ do hai anh em Kiril và Metody sáng chế ra trong công cuộc chống lại ách đô hộ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi dần dần, thứ chữ viết này được sử dụng thêm tại một số quốc gia của Liên Xô và Nam Tư cũ.

Tôi ấp ủ suy nghĩ này khá lâu và cũng có một thời gian tìm hiểu vê lịch sử chữ viết trên thế giới, cũng như về sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Nhìn chung, mỗi hệ ngôn ngữ và kí tự của nhân loại đều có hệ lịch sử riêng và chi phối trực tiếp tới những nền văn hóa đang sử dụng nó. Chúng ta luôn coi việc yêu tiếng Việt cũng là yêu dân tộc mình, nhưng có lẽ việc tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn với chữ quốc ngữ vẫn còn có phần mơ hồ, đơn giản...”.

Chính vì lẽ đó, nhà nghiên cứu này cho rằng cần có một ngày - xin tạm gọi là “Ngày chữ Quốc ngữ VN”. Hơn nữa, hiện nay, chúng ta có khá nhiều ngày tôn vinh từng cộng đồng trong xã hội như nhà giáo, thầy thuốc, chiến sĩ hay thậm chí là cả khái niệm rộng là “di sản văn hóa VN” nữa. “Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh: tôn vinh chữ quốc ngữ không phải là tôn vinh một khái niệm chung chung. Xin dẫn lại lời cụ Phan Chu Trinh rằng khi mà chữ viết của chúng ta chưa tách rời ra khỏi chữ Hán, thì chúng ta vẫn mãi ở trong thân phận bị lệ thuộc về văn hóa” - ông Bình nói thêm.

2. Được biết, trong lịch sử, việc sử dụng chữ Quốc ngữ với bộ chữ cái La tinh đã đặt nền móng cơ bản để VN tiếp nhận những giá trị tri thức hiện đại từ phương Tây và kéo dài cho đến tận bây giờ.



Ông Phạm Duy Tốn- Phạm Quỳnh- Nguyễn Văn Vĩnh, những học giả đóng góp vào việc phát triển chữ quốc ngữ tại VN đầu thế kỷ XX.

Trả lời về băn khoăn của phóng viên rằng, chữ Quốc ngữ là sản phẩm của các nhà truyền giáo phương Tây, trong khi đó, dù là “ghép lại” từ chữ Hán, nhưng chữ Nôm trước đây vẫn là  một sản  phẩm “made in Vietnam” và thậm chí còn chưa có ngày tôn vinh, nhà nghiên cứu nhận định: “Chúng ta cũng nên cởi mở và bao dung hơn trong cách nghĩ. Có một thực tế: loại chữ tượng hình như chữ Nôm rất phức tạp, khó đọc, khó viết. Việc kho tàng văn học của chúng ta chỉ có một số truyện truyền miệng được chép lại bằng chữ Hán, chữ Nôm cũng bắt nguồn từ điều này. Ngược lại, không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện chữ Quốc ngữ đã mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới trong việc phát triển văn học, báo chí và hàng loạt lĩnh vực khác của Việt Nam”.

Trong ý tưởng của nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình, việc chọn ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ cần tới sự góp ý của các chuyên gia về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ. Còn về phần hoạt động, có thể mở các cuộc trưng bày về lịch sử chữ Quốc ngữ, nói chuyện về chữ Quốc ngữ và những người Việt tham gia tích cực vào sự phát triển của nó như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn...

Theo giới nghiên cứu, chữ Quốc ngữ (loại chữ mà VN hiện đang sử dụng) đã manh nha xuất hiện vào thế kỷ XVI khi các giáo sĩ Tây Phương tới VN truyền đạo và dùng kí tự La tinh để ghi lại tiếng Việt. Dựa trên những kí tự này, giáo sĩ Alexandre de Rhodes người Bồ Đào Nha (1591- 1660 ) đã hoàn thành cuốn từ điển Việt – Bồ - La. Cuối thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ phát triển rất mạnh tại VN và dần trở thành chữ viết chính thức của chúng ta cho tới nay.


Kim Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm