21/06/2014 09:57 GMT+7 | Bảng G
1. Năm nào cũng vậy, 21/6 tràn ngập hoa và những lời chúc tụng, ăn nhậu liên miên nên cả nhóm đồng nghiệp tếu táo gọi là: dịp giỗ chạp. Nhưng, một năm cũng chỉ một hoặc vài ngày như vậy, còn là đầu tắt mặt tối. Không có nghề nào vất bằng, mệt mỏi áp lực bằng và bạc bẽo bằng. Với phóng viên nữ còn là hao tổn nhan sắc, là đối diện với những “tai nạn nghề nghiệp tế nhị”, là gia đình bỏ bê, chồng con phật ý.
Khi làm phóng viên thì lao đi trong mưa, trong nắng cho một cái tin mà rồi chả biết có được đăng, có bao nhiêu người đọc, dù hẳn là có ích. Bài phỏng vấn, điện thoại hàng trăm cú không nghe, hoặc từ chối, hoặc hẹn rồi lỡ, hoặc hỏi A trả lời Z... Làm quản lý, biên tập thì chỗ này gọi, chỗ kia chê, doanh nghiệp vừa tay bắt mặt mừng đấy, thoáng là giáp mặt như không quen...
Giữ mục viết bài thì bị mắng là tham, nhưng không viết thì “mất nghề”. Người ta nhớ bài viết, mấy ai nhớ tên tác giả, cũng như bài hát thường bao người hát xong số người nhớ tên nhạc sĩ, lời thơ là quá ít…
2. Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên nhận việc được giao làm phóng viên kinh tế mảng khoa học công nghệ viễn thông và tin học. Tôi òa khóc, chạy một mạch lên phòng Tổng Giám đốc lúc đó là chú Đỗ Phượng, nhất định: “Cháu chỉ biết làm thơ, viết văn, có biết gì về kinh tế, tin học đâu”. Sau khi kệ cho tôi lu loa một hồi, chú thõng một câu: “Cái gì không biết thì học sẽ biết. Cái gì cần hỏi, lên đây tao chỉ, sai, chưa được, tao chữa”.
Nhắc lại chú Đỗ Phượng, người “sếp lớn” đầu tiên, cũng là người thầy đầu tiên của nghề báo, không lúc nào không cảm thấy hàm ơn. Một Tổng Giám đốc hãng thông tấn quốc gia, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, quân đông nhân viên lắm, mà vẫn ngồi sửa từng cái tin cho lũ ranh con, có những bản tin 200 chữ mà đỏ lòe, có lẽ gốc không còn nổi 10 chữ.
Trước đây mấy ngày, tôi đi gặp nhà báo Trần Mai Hạnh - cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời cuốn sách của ông: "Biên bản chiến tranh 1,2,3,4/75". Chưa viết được gì về cuốn sách, nhưng "lãi" vô cùng bởi đã nhận thức thấu đáo được điều đã được dạy, đã từng làm nhưng chưa bao giờ thật sự hiểu hết ý nghĩa: công tác thu thập, lưu trữ tư liệu, hình ảnh kể cả cái liên quan trực tiếp, gián tiếp hay thậm chí chả liên quan...
Trong câu chuyện của mình, nhà báo Trần Mai Hạnh kể: Trước khi lên đường vào chiến dịch Hồ Chí Minh với tư cách là đặc phái viên của TTXVN, ông Đỗ Phượng xiết chặt tay tôi dặn dò: "Mai Hạnh cố gắng dọc đường viết thật nhiều tin, bài gửi về. Nhưng cố gắng viết được bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, mà tôi tin rằng sẽ không còn xa nữa... Các đồng chí lãnh đạo cũng nhấn mạnh ba chữ: Tin-bài-ảnh/ảnh-bài-tin. Nghĩa là dù bao nhiêu đoàn, bao nhiêu phóng viên đi, mà không viết được bài, không chụp được ảnh về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc thì cũng bằng không”.
Và bài học, đi/ ghi/ chụp/ lưu trữ đã giúp chàng phóng viên 32 tuổi Trần Mai Hạnh có ý thức tìm kiếm, sưu tập tư liệu và gìn giữ nó để không chỉ là viết bản tin phát ngay trưa 30/4 “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng". Không chỉ vậy, giờ ông sở hữu hàng ngàn trang tài liệu vô giá không chỉ cho cuốn sách -đời người của mình, mà còn cho lịch sử, cho dân tộc, đất nước.
3. Kiến thức, tư liệu là gia tài lớn nhất của người làm báo. Tôi viết bao năm về thể thao dù không chuyên môn, cũng chỉ loại bên lề cho mỗi kỳ EURO hoặc World Cup, nhưng kiến thức, từ liệu tư cuộc sống, từ văn hoá nghệ thuật, cả từ kinh tế, công nghệ đã cùng hòa vòng lăn trái bóng, rồi để tặng lại bạn đọc, một cách nhìn, một chút tri thức cỏn con, một góc cảm nhận của yêu thương, của đam mê...
Trận thư hùng tới đây giữa Bồ Đào Nha và Mỹ, một Mỹ phong cách Đức, một huấn luyện viên Đức đã từng dẫn dắt “Die Mannschaft” thắng Bồ Đào Nha năm 2006. Chiến thắng để đi tiếp, là mục tiêu của cả hai và họ sẽ phải hết sức để đạt được. Nhưng Ronaldo đơn độc như cánh én nhỏ không chở nổi mùa xuân, còn tuyển Mỹ thì vừa định hình lối đá. Đâu đó trắc ẩn trong tôi có chút mủi lòng thương CR7, nhưng tình yêu thì chỉ có một, và nó đã chót trao cho Klinsi.
Biết sao, bóng đá cũng như nghề báo nó đòi hỏi trả giá bằng “nỗi đau tuyệt vời”. Như truyền thuyết về con chim lao mình vào bụi gai nhọn, để cất lên tiếng hót tuyệt mỹ. Con đường đến thành công, luôn là thế, không thể khác!
Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất