04/07/2014 10:31 GMT+7 | Tứ kết
1. Nhắc lại một chút về Mexico 1986, người Pháp đã mang vào trận bán kết đó một nỗi hận thù vô biên dồn nén suốt bốn năm, kể từ cú song phi của thủ môn Đức Harald Schumacher với hậu vệ Pháp Patrick Battiston. Cú đá đó khiến Battiston được đưa ra sân ở tình trạng như chết rồi, và ám ảnh cả cuộc đời còn lại của Schumacher, biến ông thành một thủ môn tồi tệ thô bạo nhất trong lịch sử bóng đá Đức cũng như thế giới.
Và sự căm ghét của người Pháp với người Đức thì mãi mãi tồn tại, đó không chỉ bởi cú ra chân của Schumacher, mà chính là họ đã thua Đức chính ở Espana 1982, tức tưởi trên chấm luân lưu. Tiếp đó là một trận thua “chả có gì để nói” tại Mexico 1986.
28 năm, họ mới lại gặp nhau, vị thế chẳng có gì thay đổi, cả hai đều có một huấn luyện viên được đánh giá cao, đều sở hữu dàn hảo thủ đồng đều, với những tay săn bàn “giết người.” Một trận đấu có thể nói là cân tài, cân sức trên mọi phương diện.
2. Tôi thường tự hào rằng, cung bạn bè của mình là tuyệt hảo. Người Việt Nam vốn ít fan của Bayern Munich cũng như Mannschaft. Giờ đây với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội, tôi mới kết nối được với một số các “đồng fan,” còn như trước đây, thì thường xuyên là: Một mình chống lại cả đội quân. Nhưng tôi vốn đanh đá, to mồm và khá hoạt ngôn và hơn nữa, lại là… đàn bà, nên cuối cùng thì vẫn hay chiến thắng trong mọi cuộc khẩu chiến với các fan khác dù họ vô cùng đông đảo và không ít là “hung hãn.”
Cứ mùa World Cup, EURO là lại thế nào cũng có lúc, anh em bạn bè thân đứng sang hai bờ chiến tuyến. Như tôi đã biết bao lần thua pizza với Trương Anh Ngọc, đã bao lần uống rượu của fan Man United - gần như đồng nghĩa với fan Anh, rồi fan Hà Lan nữa chứ, đâu ra mà lắm thế, lại toàn bạn thân? Và Pháp, thì có quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều gắn bó, kể cả tiếng Pháp, nhạc Pháp, văn học Pháp, những người từng rất thân thiết có liên quan đến nước Pháp, văn hóa Pháp… Tiếc thay, họ luôn ở đầu bên kia chiến tuyến và luôn là những cuộc cãi cọ triền miên chẳng bao giờ có lý lẽ.
Vẫn nhớ những lần nhà báo An Biên còn công tác tại báo Thể thao & Văn hóa, tóc cũng không ít như bây giờ, cứ mỗi lần ghé qua tòa soạn, tôi lại đai miệng: Ziiii Đannnnn, khiến hắn tức điên, dù trong suốt quãng thời gian biết nhau, đến giờ Pháp và Đức chưa hề gặp nhau ở một vòng World Cup. Cãi nhau như mổ trâu, mổ bò rồi sau trận đấu, thằng thắng cười nhe nhởn, thằng thua cũng cười nhe nhởn, rủ nhau đi uống bia… dẫu đứa sẽ thấy bia thơm ngọt, mà đứa sẽ toàn là vị chát đắng.
3. Trong trận tranh tài tối nay, tôi chợt nhớ đến phong trào Sturm und Drang, tạm dịch là Bão táp và phấn khích do Wolfgang Goethe và Friedrich Schiller khởi xướng và được xem là hai vị lãnh tụ. Sturm und Drang là một sự cách tân quyết liệt cả văn chương và xã hội thời kỳ những năm 1770-1790, đưa con người là mục tiêu chính để khai thác nét đẹp, dựa trên cảm hứng của văn học dân gian, của thiên nhiên và đưa văn chương thoát khỏi những niêm luật vô cùng cũ kỹ của văn học cổ điển Pháp, chống lại chủ nghĩa duy lý của trào lưu Ánh sáng đang chi phối thời bấy giờ.
Với bóng đá, người hâm mộ hoàn toàn có thể thấy sự biểu hiện của Sturm und Drang trong lối đá kỹ thuật, tinh thần mạnh mẽ, đồng đội và đầy kỷ luật. Nó đang được Joachim Loew áp dụng với Die Mannschaft ở từng ngày, từng trận đấu. Không ai, đọc ra được, trận đấu tiếp theo, Die Mannschaft sẽ dùng chiến thuật gì, đất nước đã sản sinh ra phong cách libero nổi tiếng cho bóng đá, giờ lại cách tân mạnh mẽ sang một lối đá hoàn toàn dị biệt, biến ảo, có thể nói như một thứ triết học mới, không có ranh giới giữa duy vật thể và duy tâm.
Tuyển Pháp giờ đây y như các nhân vật của Nhà thờ Đức bà Paris, họ có một Phoebus độc đoán ích kỷ (Giroud), một Claude Frollo yêu điên cuồng mà không thừa nhận (Benzema), người thơ duy nhất Gringoire (Ribery) vắng mặt, chỉ còn sự tận tụy đến mẫu mực của Quasimodo (Valbuena) để đem lại hạnh phúc cho Esmeralda ngây thơ, trong sáng với tình yêu say đắm của nàng. Song Valbuena đã gần như bị vắt kiệt bởi trận cầu với Nigeria khi mà bao cơ hội anh nỗ lực kiến tạo, những cú đi bóng lắt léo, những đường chuyền như đặt đã bị Giroud, Benzema… thỏa sức phung phí. Nên, rốt cuộc thì Esmeralda chỉ được cứu một lần, rồi lại phải chết, chính bởi những người quá yêu thương nàng.
Còn ở Wilhelm Tell-vở kịch cuối cùng của Schiller (1804) nhân vật chính không thất bại, chàng đã đưa đến cho những người dân một cuộc sống tươi đẹp. Và bởi vậy, sau 28 năm cuộc quyết đấu giữa Les Blues và Die Mannschaft như một định mệnh an bài, mà ở đó, người đã chiến thắng sẽ tiếp tục chiến thắng!
Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất