02/09/2012 13:43 GMT+7 | Bóng đá Đức
(TT&VH Cuối tuần)- Borussia Dortmund đã giành hai chức vô địch Bundesliga gần nhất, nhưng cũng như mọi mùa bóng khác, mùa giải vô địch Đức năm nay bắt đầu với câu hỏi quen thuộc: Liệu họ có thực sự lật đổ được sự thống trị của Bayern Munich?
Khoảng giữa những năm 1990 được xem như thời kỳ thịnh vượng nhất của Dortmund với hai chức vô địch Bundesliga 1995, 1996 và danh hiệu Champions League 1997. Tuy nhiên, những sai lầm trong cách điều hành tài chính những năm sau đó khiến Dortmund sa sút ở cả giải trong và ngoài nước. Dù có lúc được cứu sống nhờ trở thành đội bóng đầu tiên được đưa lên thị trường chứng khoán, song vẫn cách quản lý thiếu hợp lý năm xưa, đặc biệt bạo chi trên thị trường chuyển nhượng khi lần lượt chiêu mộ những cầu thủ đắt giá như Tomas Rosicky (14,5 triệu euro), Jan Koller (10,5 triệu euro), Marcio Amoroso (25 triệu euro) trong năm 2001, khiến Dormund lâm vào cảnh nợ nần chỉ một năm sau khi có được chiếc Đĩa Bạc ở mùa giải 2001-2002.
Tính đến năm 2005, đội bóng có biệt danh Die Schwarzgelben (vàng-đen) tưởng như phá sản đến nơi do số nợ đã cán mốc 125 triệu euro. Nếu không có những chiếc phao cứu sinh, khoản vay 80 triệu euro vào phút chót từ Ngân hàng Morgan Stanley, số tiền thu được từ việc phải bán đi sân vận động Westfalen, cũng như cắt giảm 20-30% lương cầu thủ, Dortmund hẳn đã bị gạch tên khỏi bản đồ Bundesliga!
Sự tin tưởng ở các cầu thủ trẻ đã mang về quả ngọt cho Borussia Dortmund- Ảnh Getty
Vị cứu tinh Jurgen Klopp
Hiểu rõ tiền bạc có thể mang đến thành công rất nhanh và lụi tàn cũng chóng vánh, ban lãnh đạo Dortmund bắt tay đổi mới đội bóng, khởi nguồn từ băng ghế huấn luyện. Thay vì chọn những nhà chiến lược gia lão làng, Jurgen Klopp, khi đó mới 41 tuổi (2008), bất ngờ được giao nhiệm vụ xây dựng lại đống tro tàn từ người tiền nhiệm Thomas Doll. Đây được ví như cạnh bạc mạo hiểm bởi Klopp thuộc lớp nhà cầm quân trẻ và thành tích ấn tượng nhất mới chỉ dừng lại ở mức giúp Mainz lần đầu tiên góp mặt ở Bundesliga. Song, sự xuất hiện của vị thuyền trưởng này lại trở thành chiếc chìa khóa then chốt mở ra một triều đại mới tươi sáng ở Dortmund.
Xuất thân từ một cầu thủ chơi vị trí tiền đạo lẫn hậu vệ, Klopp hiểu rằng yếu tố đầu tiên để có một đội bóng mạnh bắt đầu từ hàng thủ vững chắc. Ngay mùa giải đầu tiên, ông tăng cường tuyến phòng ngự mạnh mẽ với những bản hợp đồng trẻ như Neven Subotic, học trò cũ ở Mainz, và Mats Hummels, tài năng trẻ từng bị Bayern Munich chê vì không đủ trình độ. Sự bổ sung này đem đến thành công tức thì khi Dortmund kết thúc mùa giải 2008-2009 với vị trí thứ sáu, chỉ thua năm trong tổng số 34 trận và là đội có hàng thủ tốt thứ hai tại giải với chỉ 37 bàn thua.
Triết lý bóng đá của Jurgen Klopp rất dễ hiểu: Thành công phải được xây dựng từ những giá trị bền vững và cầu thủ trẻ. Klopp, hiện 45 tuổi, do đó chú trọng vào công tác đào tạo, cũng như chiêu mộ những cầu thủ trẻ có giá chuyển nhuợng thấp. Ông đặt niềm tin vào các sản phẩm “cây nhà lá vườn” như Sven Bender, Mario Gotze, đồng thời mua những cầu thủ trẻ giá rẻ như Lucas Barrios (4,2 triệu euro), Robert Lewandowski (4,5 triệu euro), Shinji Kagawa (350.000 euro). Sau hai năm mài dũa, đội hình có độ tuổi trung bình thuộc hạng trẻ nhất Bundesliga (24 tuổi) cho thấy hiệu quả tối đa với đỉnh điểm là hai chức vô địch Đức.
Trong tư duy của Klopp, không cầu thủ nào là không thể thay thế. Khi tiền vệ hạt nhân Nuri Sahin rời đội bóng năm 2011, các cổ động viên từng có chút lo lắng vì tuyển thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò rất quan trọng nơi hàng tiền vệ. Dù vậy, Dortmund vẫn bảo vệ thành công chức vô địch Bundesliga mùa 2011-2012 khi cặp tiền vệ Bender và Sebastian Kehl thi đấu quá hay và làm khán giả không còn nhớ đến Sahin.
Dortmund mới là bộ mặt Đức
Bayern Munich phụ thuộc rất nhiều vào Frank Ribery, Arjen Robben hay Mario Gomez, nên thành tích cũng bị ảnh hưởng mỗi khi vắng những cái tên nêu trên. Đó còn chưa kể tập thể của Bayern quy tụ nhiều cầu thủ cá tính, với những cái tôi quá lớn thường xuyên gây ra trục trặc trong quan hệ nội bộ đội bóng. Còn tại Dortmund, chưa khi nào báo chí được dịp bới móc những chuyện đấu đá trong nội bộ đội bóng. Đó là một tập thể đoàn kết và tất cả mọi người đều bình đẳng. Tất cả nhờ có Klopp.
Không chỉ mang về danh hiệu cho đội bóng, kết quả từ công tác đào tạo trẻ còn giúp cải thiện đáng kể tình hình tài chính của Dortmund. Nhiều chuyên gia coi Dortmund là một phiên bản của Arsenal ở Bundesliga, với nhiều thành công hơn trên sân bóng. Tiền đạo Barrios hồi năm 2009 được mua về với giá 4,2 triệu euro, được bán với giá gấp đôi cho Guangzhou Evergrande (8,5 triệu euro). Nhưng như thế chưa thấm vào đâu so với vụ chuyển nhượng hời nhất lịch sử Dortmund, mua Kagawa với giá 350.000 euro từ Cerezo Osaka cách đây hai năm và bán lại cho Manchester United với giá 15 triệu euro mới vừa rồi.
Jurgen Klopp, vị cứu tính ở Westfalen- Ảnh Getty
Những gì Klopp làm được ở Dortmund không phải phép lạ. Đó cũng một phần là sự lan tỏa của cuộc cách mạng với cả nền bóng đá Đức đã và đang diễn ra ở mọi cấp độ, các giải nghiệp dư, chuyên nghiệp, giải trẻ và đội tuyển quốc gia: trẻ trung, tươi mới, cởi mở và chấp nhận dung nạp mọi dòng máu, màu da.
Tại Đức, các học viện bóng đá được xây dựng ngay cạnh khu tập luyện dành cho các cầu thủ chuyên nghiệp. Điều này giúp những cầu thủ nhí sớm được dịp tiếp xúc với môi trường bóng đá chuyên nghiệp, nhờ thế có được những cảm giác về bóng đá, tinh thần và sự phấn đấu tốt hơn.
Ngoài ra, một trong những cách thức để tăng số lượng cầu thủ trẻ nằm ở chính sách mở rộng luật công dân với lớp người nhập cư. Ví dụ điển hình là những tuyển thủ quốc gia trụ cột Mesut Ozil, Sami Khedira, đêu có gốc gác Thổ Nhĩ. Bên cạnh đó, điều luật “6+5” của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), tức một câu lạc bộ chỉ được sở hữu năm cầu thủ nước ngoài khi thi đấu, cũng tạo ra bàn đáp cho lứa cầu thủ trẻ bản địa phát triển.
Trước đây, người ta vẫn thường nhắc tới bộ mặt bóng đá Đức với hình ảnh tiêu biểu của một “cỗ xe tăng”, gan lì, hiệu quả, nhưng ít thay đổi và thiếu cảm hứng. Song nền bóng đá ấy giờ đã khoác trên mình diện mạo hoàn toàn mới kể từ sau World Cup 2002. Ở tuyển Đức lúc bây giờ, đó là tập hợp của những nhân tố trẻ tài năng tràn đầy nhiệt huyết, song không thiếu tính tập thể, kỷ luật, chăm chỉ làm việc và sự quyết đoán. Trở lại câu chuyện của Dortmund, có thể nói những gì Klopp đang xây dựng ở Westfalen cũng chính là cách mà DFB đang vận hành cả nền bóng đá Đức: tiêu ít tiền, quản lý tài chính tốt, khán giả luôn đến chật sân, đào tạo và nuôi dưỡng các tài năng trẻ tốt, rồi quả ngọt sẽ tới.
Huỳnh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất