ATP World Tour Finals: Báu vật ở London

10/11/2012 09:31 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Cuối tuần)- Kể từ khi về với London, giải đấu quy tụ tám tay vợt xuất sắc nhất trong năm lại ngày càng mang dáng vẻ của một Grand Slam thứ năm.

Những con số thống kê ở London từ năm 2009 tới nay làm các nhà tổ chức giải đấu và những chuyên gia kinh tế phải kinh ngạc. Chỉ diễn ra trong vòng một tuần với hơn chục buổi đấu (chỉ tới hai vòng cuối mới bán vé riêng từng trận) nhưng ATP World Tour Finals thu hút được trung bình 250.000 lượt người tới xem mỗi năm.

Trong số chín giải Masters 1000, có năm giải gắn tài trợ với ngân hàng, một gắn với bảo hiểm, và ba gắn với hãng đồng hồ lừng danh Rolex. Tennis quả là biết chọn "bạn".

Hãy làm vài phép so sánh đơn giản: Wimbledon kéo dài hai tuần và chỉ nghỉ đúng ngày Chủ nhật với gần hai chục sân đấu cũng chỉ kéo được lượng khán giả gấp đôi nếu như tính ở mức kỷ lục: năm 2009 đón khoảng 511.000 khán giả. Số khán giả trung bình ở ATP World Tour Finals cũng bằng hơn một phần ba lượng khán giả khoảng 700.000 theo dõi trực tiếp giải đấu khổng lồ US Open với sân đấu Arthur Ashe gần 25.000 chỗ ngồi và khoảng hai chục sân đấu nữa, bao gồm hai sân chính không kém Arthur Ashe là bao. US Open cũng quy tụ 256 tay vợt tham dự giải đơn. chưa kể giải trẻ và đôi.

Cũng có thể cho rằng ở London lúc này là tám tay vợt và tám đôi nam xuất sắc nhất của thế giới tennis năm 2012 và mỗi trận đấu đều là những cuộc đối đầu đỉnh cao. Nhưng khi ATP World Tour Finals với tên cũ là Masters Cup diễn ra ở Thượng Hải, nó chẳng khác là bao so với giải Masters 1000 được tổ chức bù ở đó để nuôi phong trào tennis ở đất nước hơn 1 tỉ dân và nay vẫn đang còn phải trau dồi văn hóa thưởng thức tennis.

Cũng không hẳn là vì tiền thưởng ở London giờ đã tăng 30% so với năm đầu tiên Thượng Hải tổ chức giải tám tay vợt xuất sắc, mà đơn giản là tennis được đưa trở lại với cội nguồn của nó, nơi các nhà tài trợ đồng hành cùng người hâm mộ. 



Tứ trụ của làng banh nỉ thế giới, từ trái sang: Novak Djokovic, Rafael Nadal, Andy Murray và Roger Federer trong một mẩu quảng cáo cho ATP World Tour Finals ở London- Ảnh Getty

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu dường như chẳng có tác động mảy may tới việc các nhà tài trợ đổ tiền vào giải đấu. Cứ cho là nước Anh nằm ngoài Liên minh châu Âu, đồng bảng Anh vẫn mạnh nhất thế giới còn đồng euro bị coi là mầm mống của khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Hi Lạp hay Tây Ban Nha, nhưng các thương hiệu Rolex, Lacoste, Moet & Chandon, FedEx, South African Airways, Nissan, Ricoh và Enel được cho là tin ở kỹ năng tổ chức và làm thượng hiệu của người Anh.

Đó cũng là lý do tại sao ATP trong năm 2008 đã quyết định chọn London chứ không phải Paris hay gần nửa tá thành phố khác ở khắp châu Âu cùng nộp đơn xin đăng cai, rồi trao cho họ hợp đồng kéo dài năm năm, tới tận năm 2013.

Cuộc chiến tiền thuế mà Rafael Nadal từng phát động chống lại London hồi giữa năm nay giờ đây có vẻ đã tạm chìm xuống dòng sông Thames. Các tay vợt vẫn đổ về đây mà không một lời ca thán về luật thuế ở Lodon đầy hà khắc, không chỉ "chém" số thu nhập nhận được từ giải đấu, mà nó "phạt" lẹm cả số tiền các tay vợt nhận từ các hợp đồng quảng cáo khác. 

Các cầu thủ tham dự trận chung kết Champions League môn bóng đá từng tổ chức ở London năm 2010 giữa Barcelona và Manchester United, rồi các vận động viên Olympic mới đây đều được hưởng quy chế miễn thuế thu nhập, nhưng cho tới hôm nay, người ta vẫn chưa có thông tin là các tay vợt đang trổ tài ở London cũng được hưởng sự ưu đãi ấy.

Năm sau London sẽ hết hợp đồng với ATP, nhưng liệu người ta có đành lòng và dám đánh cược với những thành công về mặt thương mại để mang ATP World Tour Finals tới một địa điểm khác? Chỉ riêng việc khán giả truyền hình phải xem Paris Masters qua cái lưới che bóng kéo kín hai đầu sân, rồi Rome chưa có một sân mái che tầm cỡ, hay Madrid kém long lanh hoa lệ có lẽ cũng đã là câu trả lời rồi.


Khi ngân hàng "thâu tóm" tennis

Maria Sharapova ở BNP Parisbas Masters Open

Tên đầy đủ của giải tám cây vợt xuất sắc thế giới ở London là Barclay World Tour Finals. Nó gắn với tên của ngân hàng đa quốc gia hàng đầu thế giới có trụ sở chính ở London. Chúng ta cũng vẫn hay gọi là Paris Masters, giải đấu vừa khép lại ở thủ đô nước Pháp, nhưng tên đúng của nó phải là BNP Paribas Open, vì nó là hợp đồng thương mại giữa ngân hàng Pháp có trụ sở ở nhiều nước châu Âu và đã xâm nhập thị trường tài chính Mỹ. Nhưng nếu chỉ vì cái tên BNP Paribas xuất hiện trên sân đấu, có thể chúng ta sẽ tìm đến một giải đấu tennis nào đó khác, thậm chí là một giải Masters ở Mỹ như Indian Wells ở California, hay The Internazionali BNL d’Italia (vẫn gọi là Rome Masters) cũng mang tên ngân hàng và nó là một phiên hiệu khác của BNP Paribas ở Ý. Và chính Roland Garros lừng danh cũng đầy màu xanh của ngân hàng này trên các biển quảng cáo. Cộng với tài trợ cho Davis Cup và Fed Cup, để nâng số tiền tài trợ cho tennis lên chừng 30 triệu USD/năm, ngân hàng BNP coi môn thể thao từng là quý tộc này là chìa khóa để họ đi vào trí nhớ của mọi người và của các đối tác. Chưa hết, khắp nơi trên thế giới người ta đều thấy các giải tennis hàng đầu mỗi nước hầu như đều có ngân hàng sánh vai cùng. Bank of West Classic là một giải đấu tennis ở Mỹ. Citi Open là giải đấu mới được đổi tên ở Washington D.C. Bastad ở Thụy Điển là giải đấu của ngân hàng Enskilda. Cincinnati là giải đấu của tổ chức tài chính lừng danh Western & Southern Financial Group. Rogers Cup là giải đấu mà National Bank của Canada gắn bó lâu nay. US Open là giải đấu kết thân với định chế tài chính JP Morgan Chase. Xét ở góc độ kết bạn với ngân hàng tổ chức tài chính, tennis xem ra không thua môn thể thao nào, kể cả golf. Lý giải đằng sau sự song hành này là văn hóa thưởng thức của tennis, ở sức hút có chọn lọc nhưng vẫn có số đông, là khả năng khai thác giá trị của những biểu tượng... Vậy thì tại sao tennis và ngân hàng ở Việt Nam lại không thể cùng phát triển để môn thể thao này không chỉ là sự giải trí cho khỏe người? Vì một trong hai, hay là cả hai?


Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm