Djokovic càng ở trên đỉnh, càng bị ganh ghét

25/07/2023 14:05 GMT+7 | Thể thao

Thất bại trước Carlos Alcaraz ở chung kết Wimbledon năm nay khiến những kẻ ganh ghét Novak Djokovic cảm thấy hả hê. Xuyên suốt sự nghiệp, tay vợt nguời Serbia luôn phải chiến đấu không chỉ cho những danh hiệu, mà cả việc vượt qua áp lực của kẻ bị ghét.

Chuyện về những ganh ghét nhắm vào Djokovic bắt đầu từ năm 2016, khi Nole giành 2 trong 4 danh hiệu Grand Slam.

Cảm giác cô đơn trên đỉnh của Djokovic

HLV Edoardo Artaldi trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi đã nói về việc tay vợt người Serbia đối phó ra sao với những la ó khi anh gặp Rafael Nadal hay Roger Federer.

Ông chia sẻ: "Người hâm mộ đang mong ước Djokovic giành thêm nhiều danh hiệu Grand Slam nữa. Anh ta vẫn còn thời gian ở phía trước". Chưa cần biết liệu con số 23 danh hiệu Grand Slam có phải là cuối cùng của Djokovic trong sự nghiệp hay không, tay vợt 36 tuổi vẫn xứng đáng được coi là một dạng GOAT (Vĩ đại nhất mọi thời) của làng quần vợt thế giới. Những đối thủ cùng thời với anh như Federer thì đã gác vợt còn Nadal cũng đang đếm ngược đến ngày giã từ làng banh nỉ.

Điều kém may cho Nole ở chung kết Wimbledon là anh phải đối đầu với một Carlos Alcaraz thi đấu theo phong cách tốc độ và tràn đầy sức lực. Màn đối đầu giữa hai tay vợt ở sân Centre Court gợi tất cả nhớ đến những ngày Djokovic còn đụng độ Federer. Không ít lần tay vợt người Serbia phải đối mặt với những tiếng la ó khi anh kéo dài thời gian giữa điểm số các séc đấu. Một số khán giả tìm cách làm phân tâm Nole, đồng thời huýt sáo đầy khiếm nhã khi Djokovic tức tối đập vợt. Có một sự thật không bàn cãi về Djokovic: Càng ở trên đỉnh cao, tay vợt người Serbia càng bị nhiều người ghen ghét.

Việc nhiều khán giả ủng hộ Alcaraz khiến truyền thống ủng hộ những tay vợt chiếu dưới lên ngôi của Wimbledon tiếp tục được duy trì. Vậy có điều ngược lại không? Vẫn có. Cách đây hai năm khi Roger Federer đối đầu tay vợt ít tên tuổi người Ba Lan Hubert Hurkacz, ngập tràn sân đấu Centre Court là những điều tệ hại hướng về tay vợt trẻ tuổi khi Federer ở thế bị dẫn điểm. CĐV vui mừng mỗi khi anh đánh rơi điểm số và fan Federer còn mong muốn tay vợt người Thụy Sĩ gắn bó thêm một mùa Wimbledon dù sau đó không lâu tay vợt này quyết định gác vợt.

Vậy lý do nào kiến Djokovic luôn bị "tiêu chuẩn kép" trong mọi hoàn cảnh? Anh hoàn toàn có thể cảm thấy chạnh lòng khi nghe những tiếng hô "Alcaraz, Alcaraz" vang lên trong séc đấu cuối cùng. Liệu tay vợt 36 tuổi này có xứng đáng rơi vào hoàn cảnh thế này sau những chiến tích mình giành được?

Djokovic: Càng ở trên đỉnh, càng bị ganh ghét - Ảnh 1.

Djokovic vừa được nhiều người yêu, vừa bị lắm kẻ ghét

 Yêu quê hương, bị ghét vì khác người

Anh không ngỗ ngược như Nick Kyrgios, chẳng hề cho thấy bất cứ dấu hiệu rời bỏ cuộc chơi nào, đồng thời biết cách thể hiện óc hài hước. Vậy điều gì khiến anh bị coi là kẻ đáng ghét nhất trong nhóm Big Three?

Khi Nole gia nhập nhóm các tay vợt giành nhiều danh hiệu Grand Slam, quần vợt thế giới vẫn đang bị chi phối bởi hai phe ủng hộ Rafael Nadal hoặc Roger Federer. Việc Djokovic có một hành trình và trải nghiệm cuộc đời hơi khác thường khiến anh không được lòng giới truyền thông. Anh và Andy Murray từng có quãng thời gian không ưa nhau khi cả hai còn là những tay vợt trẻ, yếu tố chi phối những thành kiến liên quan đến tay vợt người Serbia này.

Ana Mitric, một ký giả yêu mến Djokovic, chia sẻ về việc Djokovic bị gắn mác ngay từ khi còn là một tay vợt trẻ: "Nole không phù hợp với kiểu mẫu tay vợt không tì vết, nên mọi người thường gọi anh với những ngôn từ không mấy phù hợp với dụng ý coi anh là một người thứ ba đáng ghét xen vào cuộc đua song mã giữa Federer và Nadal". Anh thường bị gắn những biệt danh không mấy hay ho, đồng thời việc chia sẻ về niềm đam mê quần vợt của Nole trong lúc phải chiến đấu với cuộc sống nghèo khổ và không tránh được chiến tranh ở quê nhà không nhận được quá nhiều đồng cảm.

Kể cả khi Nole vươn lên đến vị thế đỉnh cao, tay vợt 36 tuổi này không nhận được sự hỗ trợ từ các nhãn hàng ở quê nhà như những gì Federer nhận được từ các thương hiệu Thụy Sĩ như Credit Suisse, Lindt, Jura hay tương tự là trường hợp của Nadal ở Tây Ban Nha. Nole lại không có được diễm phúc như thế. Theo tiết lộ từ HLV Artaldi, tay vợt người Serbia đã may mắn vớ được hợp đồng tài trợ từ thương hiệu thời trang Uniqlo. Đó là một may mắn cho Nole bởi việc anh ủng hộ các nạn nhân trong một trận động đất ở Nhật Bản đã gây sự chú ý cho các lãnh đạo thương hiệu đến từ Nhật Bản này, trước khi họ đồng ý trao cho tay vợt người Serbia bản hợp đồng tài trợ đầu tiên trong sự nghiệp.

Boris Becker, người đã từng huấn luyện Djokovic, chia sẻ về hai mặt trong cuộc sống của Djokovic: "Trong con người Nole có hai tính cách đối lập. Trong những trận đấu quần vợt, anh ta là một cỗ máy khiến các đối thủ ngứa mắt và muốn đánh bại bằng mọi giá. Bên ngoài sân đấu, Nole là con người có tấm lòng nhân hậu, yêu gia đình, yêu đất nước và sẵn sàng làm từ thiện".

Cuốn tự truyện của Djokovic do ký giả Chris Bowers chắp bút đã phác họa một bức tranh chi tiết về Serbia cũng như hai mặt trong tính cách của tay vợt 36 tuổi này. Theo lời Bowers, Djokovic là một con người hoàn toàn khác ở quê hương mình, sẵn sàng hòa mình trong những ca khúc và phong tục văn hóa của Serbia". Còn Mitric chia sẻ những gì cô biết từ nhà văn Brian Phillips trong quá trình tìm hiểu về con người Nole: "Djokovic như muốn cho tất cả thế giới quần vợt cũng như cộng đồng ký giả theo dõi môn thể thao này một sự phức tạp trong con người mình, thứ mọi người không hề thích ở một tay vợt".

Nole có thể tiếp tục nâng cao thêm những danh hiệu cho sự nghiệp của mình, nhưng cái giá anh phải đánh đổi là sự hiểu lầm và những ganh ghét ngày càng tăng lên.

Djokovic rút lui khỏi Toronto Masters vì sức khỏe yếu

Mới đây, Djokovic đã tuyên bố sẽ rút lui khỏi giải Toronto Masters. Lý do được tay vợt người Serbia tiết lộ là anh cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức sau Wimbledon. Nole đã 4 lần lên ngôi ở Toronto Masters lần lượt vào các năm 2007, 2011, 2012 và 2017. Lần gần nhất tay vợt 36 tuổi này tranh tài tại giải đấu tổ chức ở Canada là 2018.

Dù đã rút lui khỏi kỳ Toronto Masters, Djokovic vẫn không quên gửi lời cảm ơn đến Karl Hale, giám đốc giải đấu vì sự thấu hiểu cho quyết định này của mình và khẳng định sẽ quay lại với giải đấu thuộc hệ thống ATP 1000 này trong tương lai: "Tôi cảm thấy quãng thời gian thi đấu ở Canada thật vui vẻ nhưng sau khi nói chuyện với đội ngũ huấn luyện, tôi nghĩ việc rút lui khỏi giải đấu năm nay là quyết định đúng đắn nhất. Tôi cảm ơn ông Hale đã hiểu quyết định này và hy vọng có thể sớm quay lại thi đấu trước sự cổ vũ tuyệt vời của những khán giả ở đây".

Việc Djokovic rút lui trở thành tin vui cho tay vợt Christopher Eubanks, người đã góp mặt ở vòng tứ kết Wimbledon năm nay. Tay vợt người Mỹ vì thế sẽ được hưởng suất thi đấu ở vòng đấu chính của Toronto Masters năm nay. Giải đấu này dự kiến khởi tranh từ ngày 7/8 tới.

 

Đức Hùng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm