'Đít vịt' - kiểu tóc làm tan chảy trái tim phụ nữ

03/01/2016 06:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nó là chất gây nghiện của Elvis Presley, là công cụ hữu hiệu của Marlon Brando và biến Mickey Rourke thành biểu tượng tình dục: Pomade (sáp thơm bôi tóc) giúp các minh tinh màn bạc và vô số nghệ sĩ có màn ra mắt hoành tráng, từ ngót một thế kỷ nay.

Một cửa hàng tạp hóa tồi tàn

… đâu đó ở Mississippi năm 1937. Người bán hàng uể oải lấy ra một hộp sắt nhỏ với chữ FOP đỏ. Khách hàng trợn mắt: “Không, tôi không ưa loại pomade này. Cho tôi một hộp Dapper Dan!”.  

Chắc ít người biết hoặc nhớ cảnh trên trong phim O Brother, Where Art Thou? do ngôi sao điển trai George Clooney của Hollywood thủ vai tù nhân Everett McGill vượt ngục. Khán giả hay độc giả hôm nay, nếu có, chỉ dùng gôm xịt tóc, thay cho thứ sáp pha từ dầu, sáp ong và hương liệu. Nhưng ở thập niên 1930 thì pomade là trang bị gần như mặc định của người đàn ông lịch thiệp.


Khá chậm chân nhưng vẫn độc đáo: Brian Setzer, ca sĩ và cây guitar của ban nhạc Mỹ The Stray Cats

Xét cho cùng thì pomade ngày đó cũng không phải là phát minh mới mẻ gì. Ngay từ thế kỷ 18 giới quý tộc châu Âu đã ưa sử dụng thứ mỹ phẩm ấy.

Cái tên pomade bắt nguồn từ tiếng Italy pomata (táo) vì hồi đó người ta trộn táo xay vào cho thơm. Một ngày đẹp trời, mốt ấy vượt qua cái ao to sang lục địa Bắc Mỹ, nhưng đàn ông Hoa Kỳ thoạt tiên không mặn mà lắm. Đó là thời màn bạc Mỹ đang bị gây sóng gió bởi một mẫu đàn ông dùng pomade: Rudolph Valentino, một diễn viên gốc Italy, nổi danh với những phim như Blood And Sand (1921) hay The Sheik (1922). Với ánh mắt gợi tình và mái tóc bóng loáng, Valentino làm tan nát con tim của phụ nữ Mỹ và trở thành biểu tượng tình dục đầu tiên của lịch sử điện ảnh. Chồng hay người yêu của họ, dĩ nhiên, không chia sẻ thiện cảm đó.


“Siêu nhân” cũng cần trợ lực từ pomade

Hình ảnh bóng bẩy

… của Valentino bị nhiều người coi như đòn phản công trực diện nhằm vào hình tượng đàn ông Mỹ truyền thống, vốn gần gũi với vẻ thô ráp bụi bặm của gã cowboy trên lưng ngựa.

Thanh niên Mỹ học đòi Valentino thường nhận được những ánh mắt dè bỉu hay thậm chí ác cảm. Tháng 6/1926 nhật báo Chicago Tribune có hẳn một bài dài buộc tội ngôi sao phim câm đã “biến đàn ông Mỹ thành đàn bà”.

Valentino phẫn nộ, công khai thách tác giả ẩn danh của bài báo dám chứng minh nam tính bằng một trận đấm nhau với ông trên sân thượng khách sạn Ambassador ở New York. Cây bút đó trốn biệt, nhưng nham hiểm đẩy một đồng nghiệp ra làm “hình nhân thế mạng”. Đó là biên tập viên chuyên tường thuật về quyền Anh của tờ New York Evening Journal. Valentino nhờ vô địch quyền Anh hạng nặng Jack Dempsey huấn luyện và chiến thắng vẻ vang! Tạm hạ màn cho vở bi hài kịch mang tên pomade mà vai chính là các bậc mày râu hùng dũng với tâm thế trẻ ranh. 


Rhett Buttler (Cuốn theo chiều gió) sẽ không thể làm tan chảy vô số trái tim phái đẹp nếu thiếu mái tóc đặc trưng

Chắc không chỉ vì trận đấm box, nhưng thực tế là những năm sau đó pomade ngày càng được ưa thích ở Mỹ. Năm 1925 một thợ cắt tóc ở Chicago là C.D.Murray tung ra sáp Murray’s Superior Pomade, rồi hàng loạt sản phẩm khác chen chân kiếm một góc của miếng bánh mới ra lò, với những thương hiệu váng tai như Dixie Peach Hair Pomade, Brilliantine hay Kreml Pomade (Brilliantine được người Pháp bán cả sang thị trường Việt Nam!) Các nhà sản xuất tha hồ nói phét, nào là pomade không chỉ tạo mẫu tóc, mà còn chống gàu, ngăn tia tử ngoại hoặc dưỡng da đầu…  

Thời hoàng kim của rock ’n’ roll

… những năm 1950 đánh dấu sự chuyển biến trong giới đàn ông dùng pomade. Không chỉ người rủng rỉnh tiền hay các cụ già chơi trống bỏi, mà giới trẻ ương bướng phát hiện ra cách biểu thị ý chí mới.

Tác động đó xuất phát chủ yếu từ hai đại gia, mà trong đó người nổi tiếng hơn không phải ai khác ngoài “Vua rock ’n’ roll” Elvis Presley. Khán giả phát cuồng với những bài hit như Jailhouse Rock, khi Elvis không chỉ ngoáy mông một cách dâm đãng, mà còn lắc mái tóc đẫm pomade được vuốt chòi ra phía trước. Người kia là Joe Cirello, một thợ làm tóc người Philadelphia, chính là người tạo mẫu tóc cho Elvis và từ đó sinh ra thần tượng thị giác cho vô số fan cuồng của dòng nhạc rock ’n’ roll toàn thế giới.


James Dean chỉ cần 3 vai chính và chút pomade để thành minh tinh màn bạc

Nhân thể cũng phải kể thêm là kiểu để tóc “đít vịt” ít nhiều gây ác cảm của giới mày râu Việt Nam ngày xưa, một hệ lụy từ văn hóa Tây Âu thông qua đường Pháp, cũng nhập khẩu cả ngôn từ: kiểu tóc Elvis ngay từ đầu đã mang tên đó (Duck’s Ass).

Từ đó, pomade có chỗ đứng vững chắc trong showbiz và góp phần tạo thêm chút hào quang cho các minh tinh lớn nhỏ. James Dean hồi 1955 trong phim Rebel Without A Cause phóng ô-tô như gió, sát bờ vực thì phanh khựng - với mái tóc chỉn chu nhờ vuốt Brilliantine.

Năm 1971 thậm chí có cả một vở nhạc kịch lớn mang tên Grease (tên lóng ở Mỹ, ám chỉ gel bôi tóc). Năm 1978 nhạc kịch ấy được chuyển thể điện ảnh, và phần nhiều nhờ mái tóc vuốt keo bóng lộn mà John Travolta trong vai đầu gấu Danny Zuko trở thành tài tử đắt giá của Hollywood.

Thập niên 1980 ghi nhận thoái trào của pomade, bị thế chân bởi các loại gôm xịt và gel. Tuy nhiên một số ít ngôi sao Hollywood vẫn trung thành với phương tiện rẻ tiền mà hữu hiệu ấy. Như Mickey Rourke 1986 leo lên ngôi đàn ông gợi tình nhất trong 9 1/2 Weeks cùng Kim Basinger. Hay Michael Douglas và Charlie Sheen trong Wall Street. Hoặc Andy Garcia trong All The President’s Men mà nếu khán giả không dụi mắt thì sẽ nhầm ngay với Valentino ngày xưa.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm