Hơi thở của chạm khắc đình làng

12/07/2010 09:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không đề cập đến vấn đề mới, vấn đề đương đại; không có cách tân đặc biệt trong ngôn ngữ hội họa; ông chỉ chuyên tâm lưu giữ nét đẹp tinh thần của làng quê, con người Việt xưa.


Khúc tỳ bà (sơn mài, 90x120cm)

1. Họa sĩ Bùi Ngọc Tư từ lâu đã được biết đến là một họa sĩ tài hoa thành công với chất liệu giấy dó. Tranh giấy dó của ông đã được trưng bày, lưu giữ tại nhiều bảo tàng, sưu tập trong và ngoài nước.

Lần này ông đem tranh từ TP.HCM - nơi ông sống - ra Hà Nội triển lãm tại 16 Ngô Quyền. Hàng chục tấm sơn mài lớn nhỏ - những đứa con tinh thần của ông - nghe nói chất đầy toa tàu hỏa trong hành trình trở về. Người xem một lần nữa gặp lại trong tranh của ông những hội làng rộn rã, cô gái quê yếm sồi váy đụp, những đứa trẻ hát khúc đồng dao, con cua, con cá... và cả những hình ảnh thân thiết gắn liền với Thủ đô: Phố cổ, tháp Rùa, chùa Một Cột thấp thoáng bên những thiếu nữ áo dài...  

Sự cách điệu hóa khiến tranh ông thoạt nhìn tưởng ngô nghê, hồn nhiên nhưng là sự phá cách vừa có chủ đích, vừa mang chất ngẫu hứng, thể hiện sự khúc chiết, táo bạo. Ông ưa lối dùng nét bao hình các nhân vật như trong đồ họa, vừa tạo ánh sáng, vừa tạo lớp và nhịp điệu... Sự sắp xếp hình và nét, sự lặp lại của những mảng màu, mô-típ tạo nên lực nối kết cần thiết trong mỗi tác phẩm. Ông quan tâm đến tính hiện thực trong tạo hình các vật thể. Sự kết hợp các vật thể từ nhiều điểm nhìn khác nhau, bỏ qua diễn giải và mô tả không gian ba chiều nhằm xoáy vào những cảm nhận sâu sắc hơn về thực tại. Đặc trưng này xuyên suốt trong các sáng tác của ông, khiến cho tranh ông phảng phất hơi thở của chạm khắc đình làng.  

Họa sĩ Bùi Ngọc Tư quê gốc ở Nam Định. Triển lãm Hương sắc thôn quê gồm toàn bộ sáng tác sơn mài của ông được bày tại Nhà triển lãm Hội MTVN, 16 Ngô Quyền, Hà Nội, từ ngày 10- 20/7/2010, trong đó có những bức sơn mài ghép tấm có chiều dài đến 4,5m.

2.
Có thể thấy ông là người luôn nhung nhớ về quá khứ, về miền quê xưa, nhưng không phải nỗi nhớ nhung kèm theo buồn, tiếc nuối thường thấy của người hoài cổ. Nỗi nhớ nhung của ông làm thăng hoa và ngưng tụ lại trong tranh một bầu không gian ăm ắp sự sống, tràn trề niềm vui, náo nức hội hè.


Trong cơn lốc của “toàn cầu hóa”, “cơ chế thị trường”, giữa nhiều luồng thông tin và những lai tạp cả trong nhận thức, những xô bồ cả trong nghệ thuật, họa sĩ Bùi Ngọc Tư vẫn điềm nhiên ở góc riêng của mình. Chuyên tâm lưu giữ nét đẹp tinh thần của làng quê, con người Việt xưa - đó cũng là một trong rất nhiều cách khác nhau của người nghệ sĩ để tìm cho mình một tiếng nói riêng. Đó cũng là cách khiến tranh của ông vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng nhiều người luôn yêu và trân trọng nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam.

An Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm