21/10/2020 19:57 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Theo học điêu khắc bài bản từ năm 1960, giữ lửa nghề liên tục, nhưng phải đến năm 2020, ở tuổi gần 80, Phùng Chý Thu mới làm triển lãm cá nhân lần đầu tiên, có lẽ cũng là lần cuối cùng. Triển lãm I… êu (Yêu) đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, bày 23 tác phẩm phù điêu và điêu khắc, kéo dài đến hết 28/10/2020.
Điêu khắc vốn nặng nhọc và nặng nề, giữ được sức làm việc khi tuổi đã khá lớn, đâu phải chuyện dễ dàng, chính vì vậy mà càng đáng phục sức làm việc của Phùng Chý Thu. Nhưng triển lãm này đâu chỉ có số lượng, bởi những bức phù điêu chín về bố cục, chín về câu chuyện và sức biểu cảm càng ấn tượng hơn.
10 năm chưa muộn
Phùng Chý Thu sinh năm 1942 tại Phú Nhuận (Sài Gòn), vốn họ Chu, nhưng do cha hoạt động cách mạng, bị Pháp truy bắt, nên đổi thành họ Phùng. Từ 1951, mới 9 tuổi, bà đã vô U Minh, năm 1954 tập kết ra Bắc, học tại trường của học sinh miền Nam số 8 ở Hải Phòng.
Từ nhỏ bà đã yêu thích việc vẽ, nên thường vẽ búp bê, chép các bức tranh đẹp, tham gia làm báo tường... Trong một chuyến công tác, điêu khắc gia Trần Văn Lắm ghé Hải Phòng, thấy mấy tờ báo tường đẹp quá, hỏi ai làm, hiệu trưởng cho gọi Phùng Chý Thu lên. Gặp xong, ông nói Phùng Chý Thu nên sớm thu xếp lên Hà Nội học mỹ thuật. Năm 1960, ông Lắm nhờ họa sĩ Trần Hoàng Sơn về Hải Phòng đưa Phùng Chý Thu lên Hà Nội giao cho điêu khắc gia Diệp Minh Châu luyện thi trong 3 tháng.
Bà kể ngay trong thời gian luyện thi đã được cùng điêu khắc gia Nguyễn Hải phụ thầy Châu đúc tượng Đuốc tháng Tám, làm liên tục trong 3 ngày 3 đêm, mệt lả, nhưng rất mê say.
“Điêu khắc lập tức cuốn hút tôi từ buổi đúc tượng đó. Ngay buổi học đầu tiên, thầy Châu nói em cứ vẽ thử vài nét, thầy xem hợp với hội họa hay điêu khắc, kết quả thầy bảo tôi nên theo điêu khắc. Thầy Lắm cũng nói tương tự, rằng Kim Bạch theo hội họa rồi, em theo điêu khắc đi” - Phùng Chý Thu kể lại.
Trong trường, bà được học hình họa với Lê Thiệp và Huỳnh Văn Thuận, học trang trí với Nguyễn Trọng Hợp, học biểu đạt kiến trúc với Vương Đình, học lịch sử nghệ thuật với Nguyễn Phi Hoanh, học điêu khắc với Lê Công Thành… Nói chung, nhờ được học thầy giỏi và có tâm huyết, nên mau vững nghề, tiến bộ rất nhanh.
Bà kể: “Sức trẻ, lý tưởng làm nghề và sự vô tư sống đã giúp tôi đến với điêu khắc khá tự nhiên, khó mấy cũng vượt qua được, nên chẳng có thời gian để nghĩ ngợi xem nghề này có phù hợp với mình hay không”.
Học xong trung cấp mỹ thuật năm 1963, được nhận về Viện Huân chương của Phủ Thủ tướng làm việc, chuyên vẽ bằng khen, viết giấy khen. Đến năm 1965 bà xin chuyển về In Tiến bộ làm sửa bản in màu, với tay nghề bậc 3. Năm 1968 chuyển về làm xướng ngôn viên cho Đài Phát thanh giải phóng (CP90). Sau năm 1975, trở về miền Nam, làm văn thư ở Sở Xây dựng TP.HCM. Đến năm 1978 thì thi vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM, tốt nghiệp năm 1983, về làm tại Xưởng gốm Hòa Bình, thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM. Đến năm 1985, bà về làm tại một công ty chuyên về xuất nhập khẩu rau quả, thuộc Sở Công thương TP.HCM. Sau đó thì ra làm thiết kế thời trang và may mặc, nuôi 3 con gái học thành tài, mãi đến năm 2010 mới trở lại điêu khắc - phù điêu toàn thời gian.
Suốt những năm tháng “thuyên chuyển công tác” đó, Phùng Chý Thu chưa bao giờ được làm công việc điêu khắc một cách trọn vẹn, nhưng cũng chưa bao giờ bỏ nghề, luộc nghề. Đụng đâu làm đó, đôi khi mang gỗ đến chỗ làm để đục những lúc rảnh rang, hết việc. Tham gia các triển lãm chung, các hoạt động hội, nghiền ngẫm các phác thảo. Cho nên, có thể nói I… êu là kết quả của 10 năm làm việc toàn thời gian, sau mấy chục năm tạm gián đoạn.
Trở lại với điêu khắc khi tuổi đã ngoài 60, tưởng sẽ muộn màng, xơ cứng, nhưng không, tác phẩm của Phùng Chý Thu vẫn mượt mà, lãng mạn và say đắm.
Yêu mới sáng tác được
Có 3 dòng chảy làm nên các tác phẩm của Phùng Chý Thu. Đầu tiên là lấy cảm hứng từ văn hóa - văn nghệ dân gian, từ các tác phẩm văn học - nghệ thuật đã đi vào rộng rãi đời sống. Kế đến là lấy cảm hứng từ sử thi - cách mạng, với tạo hình rắn chắc, khoẻ khoắn, lạc quan. Nhưng điều đáng quý là, dù trưởng thành từ cái nôi tuyền truyền cách mạng, nhưng các tác phẩm của bà tại triển lãm này ít bị nặng nề, mà lãng mạn, thanh thoát. Cuối cùng, cảm hứng về yêu là quan trọng và xuyên suốt, tất nhiên không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa, mà còn yêu đời, yêu cái đẹp, yêu sự sống và yêu sự lạc quan. Gần như nếu không yêu thì điêu khắc gia này sẽ không sáng tác được.
Phùng Chý Thu kể, bà ấp ủ bức tượng Bến đợi mấy chục năm mà không sáng tác được, dù phác thảo làm rất nhiều lần. Cho đến một ngày gặp lại người yêu đầu đời sau 42 năm xa cách, yêu từ thuở chưa dám ngồi chung ghế đá, chưa dám cầm tay tỏ tình, thế là Bến đợi thành hình nhanh chóng.
Bà chia sẻ: “Tất cả tác phẩm của tôi đều hình thành như vậy, không yêu không sáng tác được. Tôi ôm ấp tình yêu với hát xẩm, với nhã nhạc cung đình, với văn học thật lâu, đến khi nào thấy dâng trào thì sáng tác, không miễn cưỡng. Tôi rời Viện Huân chương cũng vì vậy, do tự thấy mình không hợp với chuyện đặt hàng, dù tôi đã vẽ thành công Bằng Có công với nước và Bằng Huân chương độc lập (vẫn còn được sử dụng đến nay). Sau 1975 cũng vậy, biết bao dự án, tượng đài, phù điêu mời gọi, tôi đều tìm cách từ chối. Như phù điêu chị Võ Thị Sáu ở bảo tàng ngoài Côn Đảo, tôi cũng tự nguyện làm và hiến tặng, không nhận đặt hàng, không nhận tiền. Tôi yêu tuổi trẻ của chị, biết ơn sự hy sinh của chị thì làm phù điêu, nhưng nếu nhận đặt hàng, tôi sẽ làm không được”.
Có lẽ vì sự phóng khoáng, sự hồn nhiên đặc trưng của một cô gái Nam bộ thời trước, nên Phùng Chý Thu đã sống một đời dù khó khăn, nhưng không hề nao núng. “Trong chuyện đời riêng cũng vậy, tôi yêu nồng nhiệt, nhưng hết yêu là biết nói lời tạm biệt, không van xin, níu kéo. Nhiều người nói tôi hy sinh điêu khắc để nuôi 3 đứa con, nhưng tôi thì không nghĩ vậy, vì tôi điêu khắc nên cả cuộc đời mình, mà con cháu là những tác phẩm vô giá. Tổ nghề còn thương, cho tôi sức khỏe để làm mọi điều như mong muốn, kịp ra đây chào tạm biệt mọi người bằng triển lãm cá nhân đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng này” - điêu khắc Phùng Chý Thu nhẹ nhàng.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất