Điều ít biết về 'Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế': Những 'kiệt tác' trong lòng 'kiệt tác'

03/07/2016 13:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh), hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO vinh danh là "Di sản Tư liệu Thế giới" hồi tháng 5. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết giá trị của những tác phẩm nghệ thuật trang trí cung đình này.

Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thuộc loại hình nghệ thuật trang trí, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất kiệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng…

Độc đáo từ phong cách trang trí "nhất thi nhất họa"

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế độc đáo bởi phong cách trang trí "nhất thi nhất họa" hoặc "nhất tự nhất họa", mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, cả trong nội thất và ngoại thất, để ở vị trí nào người ta cũng có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức được.

Thơ thì phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn, câu đối…và không cố định số chữ. Thư pháp và cách thể hiện vô cùng phong phú, đủ cả 4 loại hình chân, thảo, triện, lệ…và được xếp ngang, đặt dọc, thậm chí có hai bài thơ trên điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau.


Bài thơ “non nước trong mưa” trên điện Long An được bố trí theo hình bát quái

Điển hình đó là bài Vũ trung sơn thuỷ, tức (non nước trong mưa). Tạm dịch: Tròn vây gió nổi triều lan ngập/ Rộng thoáng mưa vờn nước biếc xanh/ Non kia đen trời mây cuốn gấp/ Sông dâng gieo ngọc tiếng vang quanh/ Tuôn theo suối thấm rêu dâm dấp/ Bóng dợn cồn vươn cỏ mướt xinh/ Buồn giải rỗi câu thuyền lướt khắp/ Động về chia dãy én bay nhanh.

Bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau, song vẫn chuẩn mực về nội dung và niêm luật.  

Thơ văn trên các công trình kiến trúc cung đình Huế tuy là thơ ngự chế của các vị hoàng đế, nhưng nội dung, chủ đề khá phong phú.

Ở khu vực từ Ngọ Môn, đến điện Thái Hòa, khu vực trung tâm và quan trọng nhất là khu vực hoàng cung, nơi tổ chức các nghi lễ triệu hồi, thơ văn đều theo mạch chủ để ca ngợi đất nước văn hiến, hùng cường, ca ngợi nôn sông gấm vóc, ca ngợi triều Nguyễn với công lao to lớn thống nhất giang sơn, mở rộng bờ cõi, ca ngợi triệu đại thịnh trị.

Tiêu biểu nhất là bài thơ ở gian chính trung, ô chính giữa trên điện Thái Hòa được xem như bản tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn: "Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu". Tạm dịch: "Nước ngàn năm văn hiến/Mở rộng quy mô xưa/ Từ Hồng Bàng mở cõi/ Phương Nam một Đường Ngu".

Đây đều là các trước tác được tuyển chọn trong vô số các tác phẩm đặc sắc của vua quan và hoàng tộc triều Nguyễn.

Tranh trên mỗi ô được trang trí kèm thơ cũng đa dạng không kém, chủ đề phổ biến là bát bảo (tám vật quý), tứ thời hay tứ quý (4 mùa). Ngoài ra còn có tranh phong cảnh, cổ đồ… Tùy vào chất liệu ( trên gỗ, đồng, đá, bê tông, vôi vữa…) những nghệ nhân xưa đã khéo léo lựa chọn màu sắc phù hợp cùng cách thể hiện (sơn, thếp, chạm, khảm, tráng men, đắp gắn…) để những áng thơ văn và các bức tranh đi kèm trở nên nổi bật, cái thì lung linh, chỗ lại mờ ảo hoặc trang nhã phù hợp với bối cảnh cụ thể và kiến trúc công trinh.

Quá trình tạo tác "di sản" trong "di sản"

Ngoài phong cách trang trí "nhất thi nhất họa" thì thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế còn có điểm đặc biệt nữa là "di sản" nằm trong "di sản".

Dưới triều Nguyễn, khi một công trình kiến trúc nào đó được lên kế hoạch xây dựng, tùy theo quy mô, tầm quan trọng, kiểu thức và công năng của công trình, các đại thần uyên bác bậc nhất của triều đình sẽ được lệnh tuyển chọn văn thơ trong phạm vi nào đó (thường là của Hoàng đế), hoặc sáng tác tức thời, rồi lập thành văn bản dâng lên cho Hoàng đế xem xét, hiệu chỉnh rồi phê duyệt.

Từ đây, căn cứ vào thiết kế, các nhà mỹ thuật hoạch định phong cách bài trí; rồi giao cho các nhà thư pháp bậc nhất trình bày; sau đó giao lại cho các nghệ nhân mộc tài hoa nhất của cung đình hoặc chạm khắc nổi, hoặc chạm khắc chìm (loại này thường được sơn son thếp vàng), hoặc cẩn xà cừ hay cẩn ngà voi... trên các tấm gỗ quý kích cỡ định sẵn, đợi lắp dựng vào công trình, mỗi ô thơ thường đi kèm với một ô họa tạo nên phong cách đặc trưng của mỹ thuật trang trí truyền thống Huế.

Ngọ Môn, cổng vào Hoàng thành Huế, đây không chỉ là một cổng đơn thuần. Tại lầu Ngũ Phụng trên cửa Ngọ Môn làm bằng gỗ 2 tầng với 9 bộ mái có tổng số 8 ô thơ trang trí trên pháp lam. Mỗi ô thơ xen kẽ ô họa với các đề tài hoa lá, bát bửu. Những áng thơ này không nặng về những triết lý cao siêu mà chỉ là những áng thơ tả cảnh thanh bình trong chốn cung đình.

Bảo tồn bằng sơn thếp truyền thống và sơn son vàng thật

Hiện tại, toàn bộ hệ thống tư liệu này đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy đến với di tích, cũng như để hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc.

Khó khăn nhất hiện nay của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là sự bảo tồn các công trình kiến trúc đang chứa đựng di sản tư liệu này.

Tuy mỗi ô thơ là một cổ vật, nhưng vì nằm trên những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm. Hệ thống này vẫn đang chịu đựng thời gian, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm như 200 năm vừa qua chúng đã chịu đựng.

Tất nhiên, việc bảo tồn tính toàn vẹn của một mảng di sản nhân loại này luôn được đặt ra trong công tác trùng tu di tích. Nhiều cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống như vốn có của nó, hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan yếu, nhằm phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan, nghiên cứu...

Có tới 2742 ô thơ

Ngoại trừ một số di tích quan trọng được trang trí rất nhiều thơ văn đã bị phá hủy trong chiến tranh (1947) như Thái Tổ Miếu, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái..., danh mục di tích có văn tự và số lượng ô văn tự hiện còn (chưa tính số ô hộc thơ khảm sành sứ ở lăng Khải Định) thì có tới 2742 ô thơ.


Ô thơ trên lầu Ngũ Phụng, Đại Nội, Huế

Điển hình ở Hoàng Thành: Điện Thái Hòa có 242 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có 679 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có 110 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có 62 ô thơ, sơn son thếp vàng. Các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Quốc Tử Giám - Tân Thơ Viện... cũng được trang trí ô thơ, sơn son thếp vàng với số lượng lớn.

Đây là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá: những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên một loại gỗ quý và bền như sắt thép (lim: thiết mộc) để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế.

Bài và ảnh: Quốc Việt
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm