Điều gì biến làng chài nghèo thành 'xứ cổ tích'?

03/07/2016 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khánh thành vào cuối tháng 6 vừa rồi, chẳng ai ngờ, “làng bích họa” Tam Thanh (Quảng Nam) lại trở thành câu chuyện được cộng đồng chú ý nhiều như vậy.

Không chỉ trên mặt báo, vào các diễn đàn hoặc facebook dành cho dân “phượt”, bạn đều dễ dàng bắt gặp những bức ảnh đầy sắc màu về làng Trung Thành (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam). Thậm chí, có những người hào hứng gọi làng chài ven biển miền Trung này là xứ sở cổ tích, là nơi để du khách “xin một vé về tuổi thơ” khi thấy mình chợt bé lại giữa những nét vẽ trên tường.

Và điều đáng nói hơn, “xứ cổ tích” ấy chỉ cần ba tuần lễ để hình thành, sau một dự án mỹ thuật cộng đồng do Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác. Với sự hỗ trợ của các họa sĩ Hàn Quốc, những mảng sơn đã phủ lên 120 ngôi nhà, tường rào dọc lối đi chính và cả những ngã rẽ ra biển. Đặc biệt, hơn 70 bức tranh khổ lớn vẽ chân dung chủ nhà, tranh cá, tĩnh vật, nhịp điệu sinh hoạt của cư dân làng biển... đã hoàn thành ngay trên các bức tường.


Hơn 100 ngôi nhà ở làng chài nghèo tỉnh Quảng Nam trở thành những bức tranh sinh động. Ảnh: Vietnam+

Những nét vẽ đặc biệt ấy hấp dẫn trước tiên với… cộng đồng cư dân của làng Trung Thành – khi họ (và những gì họ vẫn gặp trong sinh hoạt ngày thường)  bỗng trở thành “nhân vật chính”. Còn với du khách, khi đến thăm làng chài, tấm áo mới” ấy không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ. Đó còn là sự dẫn dắt, để họ có thể khám phá những câu chuyện về từng bức họa, về những con người thật đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Cũng không quá viển vông khi cho rằng những bức bích họa ấy đã mang đến cho cộng đồng ấy một cơ hội mới về phát triển du lịch, nếu như họ biết nắm bắt và khai thác tốt cơ hội từ sự thay đổi này.

Nhưng, cũng cần nói thêm, không phải ngẫu nhiên mà làng chài Trung Thành lại bất ngờ… được quan tâm như vậy. Thử đặt ra một giả thiết: nếu được triển khai ở một cụm phố khác, trong một đô thị bất kỳ, chưa chắc những bức bích họa ấy đã được du khách lẫn… cộng đồng tại đó quan tâm.

Bởi, từ trước khi có dự án, Trung Thành là một làng chài nghèo, với không gian cũ kỹ của những con người vốn quen sống một cuộc sống đơn điệu tới mức nhàm chán trong nghề đi biển. Và, bên cạnh sự tươi mới được tạo ra từ những bức bích họa, thành công của dự án còn đến từ một yếu tố khác: sự trân trọng và hào hứng từ chính cộng đồng.

Không phải ngẫu nhiên, Quảng Nam với trường hợp phố cổ Hội An vẫn luôn được giới chuyên môn coi là một khuôn mẫu “chuẩn” về sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác và bảo tồn di sản. Và cho dù có nhiều cách giải thích được đặt ra, thì cũng không ai có thể phủ nhận: ở một vùng đất nghèo như vậy, di sản không chỉ là niềm tự hào đơn thuần, mà còn là phần “vốn” quan trọng – nếu không nói là lựa chọn khả thi nhất – để người dân nơi đây có thể mang về nguồn lợi kinh tế.

Góc nhìn ấy hẳn cũng đúng với trường hợp của làng chài Trung Thành, khi chúng ta đang tin rằng những bích họa này trong tương lai sẽ không bị đối xử lãng phí mà tiếp tục “bén rễ” để trở thành động lực cho việc phát triển du lịch địa phương.

Những dự án có quy mô nhỏ, nhưng đặt “đúng nơi đúng chỗ” và tương thích với nguyện vọng của cộng đồng phải chăng cũng khiến chúng ta nên suy nghĩ, khi nhìn sang những bài học từng có về cách đầu tư phát triển du lịch theo kiểu vừa hoành tráng, vừa duy ý chí?

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm