Tây Ban Nha và nghệ thuật thi đấu: Tính thống nhất trong sự đa dạng

25/06/2012 17:45 GMT+7

(TT&VH) - Bằng những đội hình ra sân khác nhau và  bằng thứ bóng đá lúc thì trình diễn, lúc có vẻ “nhàm chán” và cứng nhắc nhưng hiệu quả, Tây Ban Nha đang cho thấy họ có rất nhiều phương án thi đấu khác nhau để triển khai trước từng đối thủ cụ thể và điều quan trọng nhất là binh pháp nào cũng đem lại cho họ cái cần nhất là chiến thắng.

Trước tiên, có thể nói sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bóng đá của Tây Ban Nha hiện nay là tư tưởng tấn công, tấn công và tấn công. Đó là đường lối bất di, bất dịch. Trong từ điển bóng đá của những “chú lùn nhưng thắng tất cả” như cách nói của các họa sỹ người Pháp vẽ tranh châm biếm các nhân vật thể thao nổi tiếng của “xứ đấu bò tót” không có khái niệm “phòng ngự phản công” hay “dựng xe buýt hai tầng” trước hàng công của đối phương.

Đặc trưng của tư duy chiến thắng đó là tiqui-taca, là lối chơi không chế trận đấu bằng thời lượng giữ bóng nhiều nhất qua việc tổ chức tấn công ngay từ khung thành của mình: bóng được thủ môn phân phát trước tiên cho một hậu vệ gần nhất, chứ không phải bằng những cú phát bóng ngay lên phía phần sân đối thủ như nhiều đội vẫn làm, tiếp đó là đập-nhả liên tục, di chuyển linh hoạt, chạy chỗ tạo khoảng trống, chọc khe tạo đột biến và sút bóng, hoặc thỉnh thoảng điểm xuyết bằng những đường chuyền vượt tuyến đầy tính ngẫu hứng và bất ngờ. Tấn công và tiqui-taca chính là tính thống nhất, là kim chỉ nam hành động của các đấu thủ áo đỏ. Trận thắng Pháp 2-0 nhàn nhã tại tứ kết EURO 2012 diễn ra vào rạng sáng 24/6 là một trong những minh chứng về “tính thống nhất trong sự đa dạng” của lối chơi mà đoàn quân áo đỏ (La Roja) thực hiện.

Ru ngủ đối phương

Với đội hình xuất phát theo sơ đồ 4-6-0, có thể thấy HLV Vicente del Bosque muốn khống chế khu trung tuyến ngay từ đầu với khả năng cầm bóng của Xavi, Iniesta, Silva, Fabregas, Alonso và Busquet. Và chiến lược gia lão thành có biệt danh “Ngài râu kẽm” đã không gặp khó khăn gì để thực thực hiện ý đồ của mình. Đội bóng xứ bò tót dễ dàng ru ngủ đối phương bằng lối chơi “cù nhầy” khiến các “gà trống gô-loa” chán ngấy với việc cứ phải đuổi theo những cái bóng màu đỏ.

Và Tây Ban Nha chỉ cần có thế. Đúng vào lúc các cầu thủ Pháp bắt đầu cảm thấy bực bội về lối chơi có vẻ rề rà và khó chịu của các cầu thủ áo đỏ, Iniesta đã có một đường chọc khe cực kỳ thông mình cho hậu vệ cánh trái Alba, và cầu thủ nhỏ con này đã dễ dàng vượt qua sự truy cản của hàng phòng ngự Pháp, tiến sát vạch biên để tung ra một cú cứa lòng chân trái tạo hình quả chuối để  Xabi Alonso  đánh đầu “kiểu Ronaldo”, bóng đi đập đất, chéo giò hoàn toàn thủ môn Lloris để bay vào lưới, làm nên bàn thắng đầu tiên cho La Roja ở phút thứ 19 và tỷ số 1-0 được giữ nguyên cho đến hết hiệp một.


 Ai trong số này cũng có thể sắm vai tiền đạo - Ảnh Getty

Sang hiệp hai, thế trận không có gì thay đổi, nhưng cả hai bên đã có những toan tính chiến thuật khác nhau. Ngay sau khi HLV Laurent Blanc  tung các con bài chiến lược   Nasri, Giroud và Menez vào sân để tăng cường sức tân công, HLV Del Bosque cũng đưa Torres, Cazorla và Pedro vào trận, một là để giữ sức cho Silva, Iniesta và Fabregas và hai nữa là đánh đòn phục kích, tận dụng sơ hở của hàng phòng ngự Pháp khi các tiền vệ và tiền đạo của Les Bleus dâng lên. Và trong một pha bứt tốc đột phá vào vòng cấm địa của Pháp, Pedro đã bị phạm lỗi.Trọng tài người Italia đã không ngần ngại chỉ tay vào chấm phạt đền. Và Xabi Alonso đã có một ngày thi đấu hoàn hảo khi không mắc sai lầm nào để dễ dàng đánh bại thủ môn Lloris đem lại thắng lợi chung cuộc 2-0 cho Tây Ban Nha.

Bóng đá tổng lực của xứ bò tót

Có thể dễ dàng nhận thấy, tuy ban đầu Tây Ban Nha không có tiền đạo cắm nào mà chỉ có số 9 ảo,  nhưng La Roja đã có một hàng công cực mạnh tới 6 người bao gồm các tiền vệ Fabregas, Xabi, Iniesta, Xavi, Silva cộng hậu vệ cánh trái Alba, chưa kể sự tham gia của Ramos và Pique mỗi khi có các tình huống đá phạt góc.

Thực tế là hầu như toàn bộ các “đấu sỹ bò tót” đều tham gia vào cuộc tấn công tổng lực cũng như phòng thủ từ xa bằng cách quyết liệt giành giật lại bóng ngay trên phần sân đối phương. Chẳng thế mà trong suốt 90 phút của trận đấu, thủ môn Iker Casillas thực sự chỉ phải thực hiện hai cú bay người để cản phá những đợt tấn công ít ỏi của “ba chàng ngự lâm Pháp” là Ribery, Benzema và Nasri, tất cả đều vật vờ vì đói bóng do hàng tiền vệ cơ bắp nhưng vụng về của Pháp hoàn toàn để mất thế trận vào tuyến giữa của Tây Ban Nha. Chiến lược gia Del Bosque đã chứng minh là ông không cần chơi với tiền đạo cánh hay tiền đạo cắm mà vẫn có thể giành chiến thắng một cách thuyết phục, dẹp tan những sự chỉ trích của một bộ phận công luận “từ nghèo lên giàu nhanh quá nên không biết quý trọng những gì mình có”, theo cách nói của “Ngài râu kẽm”.

Lối chơi tấn công bằng tiqui-taca đầy biến hóa và biểu cảm cộng với những quãng thời gian ru ngủ đối phương, có vẻ máy móc và nhàm chán nhưng đầy sự chắc chắn, an toàn trong đó vẫn chứa đựng những toan tính bùng nổ, chính là sự đa dạng và biến hóa đã cho phép Tây Ban Nha toàn thắng, cùng lắm là hòa, trong 18 trận đấu chính thức gần đây.

Trận thắng 2-0 trước Pháp tại tứ kết, cũng như trận thắng mong mạnh 1-0 trước Croatia ở trận cuối cùng vòng bảng, không phải là những cuộc trình diễn đầy ấn tượng nhưng cho thấy Tây Ban Nha cũng có thể chơi vững chãi và hiệu quả khi cần thiết và Del Bosque có đủ các bài binh pháp để thi thố, tùy thuộc vào tính chất của từng đối thủ.

Sau khi vô địch EURO 2008 và World Cup 2010, việc Tây Ban Nha một lần nữa lọt vào bán kết của một giải đấu lớn và danh giá nhất châu Âu cho thấy nền bóng đá của “xứ đấu bò tót” vẫn đang ở trên đỉnh cao châu lục và thế giới, dựa trên tư tưởng tấn công và lối đá tiqui-taca, theo nguyên tắc “thống nhất trong sự đa dạng”.

Khang Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm