'Điệp vụ 3 lờ': Đột phá táo bạo hay câu khách rẻ tiền?

25/09/2015 06:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từ trước khi phim Điệp vụ 3 lờ bấm máy (ngày 16/9), bộ phim này đã nhận về những lùm xùm, chỉ vì cái tên nghe có vẻ nhạy cảm. Có một vài nơi còn “căng thước đo” với ba cấp độ “nhạy cảm”, “bình thường”, và “ý kiến khác” để xem phản ứng của độc giả. Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng mới tên phim thôi, có gì mà hấp tấp?

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng nếu nhớ lại thời Vũ Trọng Phụng (thập niên 1930) viết tiểu thuyết Làm đĩ (1936), phóng sự Lục xì (1937), thì sự việc cũng bắt đầu từ cái tên.

Lục xì, có khi viết là “lục xi” thời đó chỉ nơi khám chữa bệnh gái mại dâm, bệnh đàn bà. Còn tiếng lóng thì chỉ một bộ phận bệnh tật trên cơ thể phụ nữ. Cho nên ngay sau đó đã nổ ra cuộc tranh luận “long trời” xung quanh vấn đề “dâm hay không dâm”, kéo dài suốt 4 năm. Kết quả Vũ Trọng Phụng bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì tội làm “tổn thương phong hóa”. Điều đó cho thấy rằng dư luận có tác động rất lớn đến các cơ quan quản lý.


Nữ ca sĩ Thủy Tiên và ekip làm phim Điệp vụ 3 lờ đã có buổi mắt tại TP HCM

Hơn 4 thập niên sau đó, nhiều tác phẩm của “ông vua ký sự” (đương nhiên có Làm đĩ, Lục xì) vẫn bị cấm in, cấm đọc, cấm nghiên cứu vì cái tội “tác phẩm suy đồi”, đến cuối thập niên 1980 mới dần được phục hồi.

Còn ngày nay, không chỉ trong nước, mà với quốc tế, Số đỏ, Làm đĩ, Lục xì… là những tác phẩm đáng ngưỡng mộ vì giá trị tiên phong, dự cảm của nó. Nhiều nơi như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã đặt tên đường Vũ Trọng Phụng.

Còn nhớ, năm 2010, đạo diễn Hoàng Vũ và Yến Chi đã cùng nhà văn Trang Hạ chuyển thể tác phẩm Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Tào Đình (Trung Quốc) thành kịch nói, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Với truyền thông rầm rộ, đa phần khán giả biết vở Xin lỗi, em chỉ là… chuyển thể từ Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, nhưng vở không mấy thành công với việc bán vé. Rõ ràng cái tên có góp phần thu hút người xem, nhưng không phải là quyết định sau cùng, và tất cả.

Đây là chưa nói, trước đây các phim muốn ra rạp phải qua mấy lần phép: phép cho kịch bản, phép cho quay phim, phép cho bản dựng phim cuối, nay chỉ còn một lần cấp phép sau cuối. Điều này cho thấy sự vận động của đời sống đang theo hướng cởi mở hơn, mà sự góp sức của báo chí, truyền thông, mạng xã hội, sự hội nhập quốc tế… là không nhỏ.

Trở lại chuyện đặt tên phim Điệp vụ 3 lờ, “3 lờ” làm nhiều người liên tưởng đến một cụm từ không hay ho, có người còn cho là phản cảm. Nếu sau khi phim trình chiếu, nội dung phim không cần một cụm từ “táo bạo” kiểu như “làm đĩ”, “lục xì” của Vũ Trọng Phụng, thì tên phim Điệp vụ 3 lờ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là câu khách “rẻ tiền”.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm