06/04/2023 15:53 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
"Nếu với dàn diễn viên xịn, cứng nghề, thoại tốt thì chẳng việc gì phải lồng tiếng, cứ thu tiếng trực tiếp, nghe rất đời. Lồng tiếng đẹp lỗ tai nhưng nghe bị giả giả, tôi công nhận", diễn viên Trần Trọng Hiếu nói.
"Vạn dặm nhân sinh", "Mặt trời mùa đông"... là hai phim đang chiếu bị chê về phần lồng tiếng. Những bình luận của khán giả một lần nữa lại dấy lên những tranh cãi trong nghề. Thậm chí có khán giả còn bình luận nghe lồng tiếng "hết muốn xem phim".
Xung quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Trọng Hiếu – một diễn viên tiền kỳ và cũng là diễn viên lồng tiếng có uy tín mấy chục năm qua.
Có một bài báo giật tít là khán giả không muốn coi phim lồng tiếng nữa. Anh vừa là một diễn viên tiền kỳ vừa là một diễn viên hậu kỳ lồng tiếng, quan điểm của anh thế nào?
Xung quanh câu chuyện này có 2, 3 luồng ý kiến của những người trong nghề, từ tiền kỳ đến hậu kỳ. Nếu nói khán giả không muốn coi phim lồng tiếng thì quay ngược lại 30 năm trước, khán giả coi phim lồng tiếng thích đến mức không coi thuyết minh được. Ví dụ như các phim bộ của TVB, phim Hàn Quốc chiếu trên VTV3...
Còn lồng tiếng phim Việt thì có nhiều vấn đề lắm, nó đã là vấn nạn từ cả chục năm trước rồi. Chuyện diễn viên đếm số thay vì thoại khi ra hiện trường là chuyện ai cũng biết. Giờ diễn viên không dám làm vậy vì có mạng xã hội, làm thế sẽ mất nghề ngay.
Nếu để nguyên tiếng gốc trong phim, không lồng tiếng thì không thể chấp nhận được. Lổn ngổn và thực sự kinh khủng nhưng diễn viên lồng tiếng vẫn phải chịu đựng. Diễn viên lồng tiếng phải căng đầu, căng tai ra để xem diễn viên thoại cái gì xen lẫn những tiếng ồn hiện trường.
Tôi chưa thấy một diễn viên Việt Nam nào thoại đúng kịch bản hết. Dĩ nhiên là không thể thoại đúng từng chữ vì đó là văn viết, phải sửa thành văn nói nhưng đa số toàn thoại chệch khỏi nội dung luôn. Nhiều lúc, diễn viên thoại những câu rất vô nghĩa, vấp, líu lưỡi... vậy là diễn viên lồng tiếng phải sửa lại.
Với phim thu tiếng trực tiếp, diễn viên bị lỗi thoại, vấp, líu là đạo diễn cắt liền. Tôi từng cứu những phim thu tiếng trực tiếp mà lồng lại 1, 2 vai vì vấp, líu quá nhiều. Lý do là, phân đoạn đó, diễn viên ai cũng làm tốt chỉ riêng anh đó làm chưa tốt. Nếu cắt thì không được nên phải để và phải nhờ hậu kỳ cứu.
Bộ phim "Vạn dặm nhân sinh", phần lồng tiếng của nghệ sĩ Thanh Nam đang bị chê rất nhiều. Cảm nhận của anh ra sao?
Tôi nghe thấy tội vì người lồng tiếng cho anh Thanh Nam là một nhân vật kỳ cựu trong nghề. Khi nghe, tôi không thấy có gì quá dở như khán giả đánh giá.
Có thể là khán giả đã quen nghe giọng thật của anh Thanh Nam nên mới không hài lòng. Giống như khán giả đã yêu thích giọng thật của anh Hoài Linh, anh Thành Lộc, anh Hữu Châu rồi nên khi có một giọng nói khác thì họ không quen, thành ra phản cảm.
Khó khăn của anh chị em lồng tiếng là gì thưa anh?
Các bạn phải vào phòng lồng tiếng mới thấy sự vất vả của anh em lồng tiếng. Làm phim chạy theo tiến độ vì không có kinh phí. Lồng tiếng cũng vậy, vừa giao phim, vài ba ngày đã phải giao file hoàn chỉnh.
Hơn nữa, với những phim lồng tiếng đoạt giải thưởng thì người diễn viên đoạt giải hoặc đạo diễn nên có lời cảm ơn tới người đã lồng tiếng cho mình. Họ thường cảm ơn đạo diễn, cảm ơn ê-kíp, cảm ơn gia đình nhưng chưa từng có một lời cảm ơn tới người đã lồng tiếng để vai diễn của mình thăng hoa hơn.
Một lời cảm ơn chẳng mất gì, người lồng tiếng cũng chẳng được gì nhưng đó là sự trân trọng, sự khích lệ cần thiết cho những anh chị em làm công việc hậu kỳ phía sau.
Ví dụ phim "Tiếng sét trong mưa" là phim lồng tiếng 100%. Phim nhận rất nhiều giải thưởng, tiếc là chưa có ai khi nhận giải và nhớ tới điều đó. Dĩ nhiên, không có lời cảm ơn đó, không có sự tôn vinh đó thì anh em hậu kỳ vẫn làm việc thôi nhưng ít nhiều cho thấy diễn viên lồng tiếng có giá trị.
Cuối cùng, chỉ có 3 người thấu hiểu rõ nhất vấn đề trong câu chuyện này là diễn viên tiền kỳ, diễn viên hậu kỳ lồng tiếng và đạo diễn?
Đúng. Ngay cả nhà sản xuất cũng chưa chắc hiểu, họ chỉ biết đầu tư tiền và dí tiến độ thôi. Thời hoàng kim của TFS, làm hậu kỳ rất quan trọng, đạo diễn phải vào phòng hậu kỳ, chỉnh sửa từng câu với diễn viên lồng tiếng nhưng 10 năm trở lại đây, không còn chuyện đó nữa.
Quay xong là đạo diễn quăng phim cho hậu kỳ làm để chạy show chứ không ai vào phòng lồng tiếng xem thế nào. Diễn viên tự tung tự tác với một người là đạo diễn lồng tiếng.
Đạo diễn lồng tiếng có nghề thì không nói, nếu không có nghề thì sẽ thành ra kiểu diễn viên không có hồn, không có ngữ điệu, truyền cảm. Tôi cho rằng, diễn viên lồng tiếng phải biết diễn nếu không sẽ chỉ là lấp thoại cho đầy miệng diễn viên thôi.
Chưa kể, có nhiều phim diễn viên – đạo diễn đều không có kiến thức ngôn ngữ. Phim xưa mà dùng từ "sốc", "ô tô", "bác sĩ", "tài xế"... là sai.
Những từ đó, sau này mới có còn những năm đầu của thế kỷ 20, bác sĩ là đốc-tờ, ô tô là xe hơi, tài xế là sốp-phơ.... Vậy thì khi lồng tiếng, mình phải nói lại cho đúng kiến thức và chấp nhận là sai khẩu hình dù khán giả không phải ai cũng biết để bắt lỗi.
Báo chí, khán giả thắc mắc là miệng đi trước thoại nhưng chỉ dân trong nghề mới biết, đài phát sai chuẩn là bị thế hết. Khi làm thì đúng hết nhưng chuẩn phát khác nhau là hình và tiếng trượt nhau ngay. Chỉ dân trong nghề mới biết.
Bản thân anh vừa là diễn viên tiền kỳ vừa là diễn viên lồng tiếng lâu năm, khi nghe khán giả chê phim lồng tiếng, anh có thấy mình bị đánh đồng và oan uổng không?
Dĩ nhiên mình làm sản phẩm thì bắt buộc phải nghe khen chê nhưng mình vẫn buồn chứ. Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại, mình không thể giải thích hết được cho mọi người hiểu công việc của mình thế nào, chỉ cần anh em trong nghề hiểu và ai cũng biết khó khăn đó là được. Còn khán giả họ chỉ quan tâm kết quả sau cùng thôi.
Anh có giải pháp nào không?
Bản thân tôi từng nói về vấn đề này rồi. Phim lồng tiếng hay thu tiếng trực tiếp là đề tài kéo dài từ năm này qua năm khác đã hàng chục năm. Các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... họ thu tiếng trực tiếp từ lâu rồi và tiêu chí chọn diễn viên của họ rất gắt.
Ở Việt Nam, diễn viên đẹp thì bị hạn chế về diễn xuất và tiếng nói. Người giỏi diễn xuất, tiếng nói thì thường không đẹp. Còn Hàn Quốc, diễn viên chính chẳng những đẹp mà tiếng nói còn chuẩn.
Nếu với dàn diễn viên xịn, cứng nghề, thoại tốt thì chẳng việc gì phải lồng tiếng, cứ thu tiếng trực tiếp, nghe rất đời. Lồng tiếng đẹp lỗ tai nhưng nghe bị giả giả, tôi công nhận.
Đó là hệ lụy của việc gò cho đẹp tiếng nên mất đi tính đời và tính nhân vật. Thoại là phải đời. Chưa kể thế hệ trẻ lồng tiếng sau này nghề chưa giỏi đã can thiệp máy móc, kỹ thuật xử lý nên không còn muốn trau dồi nữa. Ngày xưa chúng tôi làm là phải khớp 100% thoại.
Diễn viên lồng tiếng phải biết diễn. Tôi từng gặp nhiều người khiếm thị, họ coi phim rất nhiều. Họ nghe thoại mà biết nhân vật đó thế nào, tính cách ra sao, đó là do diễn viên lồng tiếng truyền tải được tính cách nhân vật qua tiếng nói. Còn vấn đề này chắc phải 5-7 năm nữa mới có lối thoát.
Tại sao lại phải 5, 7 năm nữa?
Làm phim còn phụ thuộc vào kinh phí. Đừng có vây cánh, đừng gửi "gà" thì đạo diễn dư biết là chọn diễn viên nào để phim mình thu tiếng trực tiếp OK nhất, ngay cả làm lồng tiếng thì họ cũng biết gửi gắm cho đạo diễn lồng tiếng nào để đạt chất lượng tốt nhất.
Tất cả đều là tiền. Còn hiện tại là làm đại cho xong, cho kịp tiến độ để không phát sinh chi phí, tiết kiệm chi phí. Bên này đổ thừa cho bên kia. Tiền kỳ đổ lỗi cho gần sân bay rồi cạnh phim trường là công trình xây dựng ồn ào nên không thu tiếng trực tiếp được.
Còn hậu kỳ đổ cho diễn viên tiền kỳ không thuộc thoại, diễn viên nhép sai lời kịch bản, tiếng nhắc còn to hơn tiếng diễn viên, hiện trường thì ồn ào...
Có tiền thì mời diễn viên cứng nghề, diễn xuất giỏi, ngoại hình đẹp, tiếng nói chuẩn. Cũng vậy, có tiền thì mời diễn viên lồng tiếng có nghề, chứ tiền rẻ quá thì làm sao họ làm. Giá lồng tiếng hiện nay vẫn bằng 10 năm trước.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất