Thị trường điện ảnh Việt: 'Mồi ngon' cho Hollywood

24/07/2015 05:16 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Hầu hết các đạo diễn, nhà sản xuất nước ngoài đến Việt Nam trong vài năm gần đây đều chung một nhận định: thị trường điện ảnh Việt Nam cực kỳ tiềm năng.

Nhận định này không mang tính ngoại giao, mà căn cứ trên số liệu. Một thị trường 90 triệu dân, dân số trẻ, doanh số điện ảnh tăng mỗi năm 30%, đương nhiên quá hấp dẫn.

Hấp dẫn, nhưng không cho tất cả

Đáng tiếc, Việt Nam cũng không được mấy lợi lộc từ khoản thu này, mà phần lớn đều chảy ra ngoài, cụ thể ở đây là chảy vào túi “đại gia” Hollywood. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, Việt Nam nhập khoảng 150-170 phim/năm, trong đó 70% là phim Hollywood.

Sau Hollywood là Hàn Quốc. Phim Hàn Quốc đang “oanh tạc” trên đủ mọi mặt trận: kinh doanh rạp chiếu, phát hành phim, kinh doanh nội dung truyền hình... Đại diện tiêu biểu là tập đoàn giải trí CJ E&M, với công ty con là CGV hiện đang vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp 64 tỉnh thành Việt Nam. CGV dự kiến đến năm 2017 sẽ có 30 cụm rạp trên toàn quốc.


Người Italy bắt đầu để ý đến thị trường điện ảnh Việt Nam. Lần đầu tiên có một Festival phim Italy tại Việt Nam, mang tên Moviemov. Trong ảnh là đạo diễn và diễn viên Italy đến giao lưu với khán giả Hà Nội

Đi theo con đường hẹp hơn, chủ yếu là quảng bá về văn hóa, nhưng Đức và Pháp vài năm gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động điện ảnh. Viện Goethe tổ chức rất nhiều hoạt động đào tạo điện ảnh, các liên hoan phim... Trung tâm Văn hóa Pháp gần đây đã cải thiện lại phòng chiếu phim và đẩy mạnh hoạt động điện ảnh hơn bao giờ hết.

Mới đây, điện ảnh Italy đã vào Việt Nam, với festival phim Italy Movimov đang diễn ra. Trong cuộc tọa đàm tại Cục Điện ảnh, các thành viên của phái đoàn Italy không dưới 5 lần nhận định: Đông Nam Á là một thị trường tiêu thụ điện ảnh rất lớn, và Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược họ muốn hướng đến.

Tuy nhiên, Italy sẽ gặp rất nhiều khó khăn để xâm nhập thị trường điện ảnh Việt Nam. “Khán giả Việt Nam đã xem phim Mỹ thường xuyên. Họ coi điện ảnh như game giải trí. Những phim châu Âu nói chung, phim Italy nói riêng, đòi hỏi khán giả phải suy ngẫm nhiều hơn, do đó sẽ khó chen chân vào Việt Nam lắm” - một đạo diễn nhận định.  

Vài năm trước A Company của Đức xuất hiện tại Việt Nam với hy vọng sẽ đưa những bộ phim nghệ thuật tới khán giả Việt Nam. Nhưng những phim họ nhập về đều thất bại về doanh thu. Năm nay, A Company chưa có một phim nào ra rạp tại Việt Nam.

* Hạn ngạch với phim Mỹ?

Sau Thế chiến II, Hollywood chiếm 1/2 thời lượng phim chiếu ở các nước châu Âu, buộc chính phủ các nước này phải có biện pháp. Các nước như Pháp, Anh, Italy đều đặt hạn ngạch với phim Mỹ, đánh thuế đặc biệt với các phim Mỹ có doanh thu cao.

Ở Italy, với mỗi phim Mỹ nhập về, có quy định, nhà phát hành phải trích ra một khoản tiền cho các nhà sản xuất phim nội địa vay làm phim. Nhiều chính phủ còn có quy định cho phép đóng băng tài khoản một phần lãi mà Mỹ thu được từ thị trường điện ảnh của họ để giữ lại và đầu tư vào điện ảnh nội địa.

Cho đến nay, các nước này vẫn đang tiếp tục phải “chống đỡ” Hollywood. Một đại diện của Italy trong phái đoàn tới Việt Nam tổ chức liên hoan phim Moviemov cho biết, hiện điện ảnh Italy đang cố gắng giữ được 27% thị phần.

Điện ảnh Hàn Quốc, vài năm trước dưới sức ép của Mỹ đã phải tăng hạn ngạch nhập khẩu phim Mỹ, ngay lập tức nền điện ảnh nội địa bị ảnh hưởng.

Nói như trên để thấy rằng, thị trường điện ảnh Việt Nam đích thực là một “miếng mồi” béo bở cho điện ảnh nước ngoài, khi các doanh nghiệp đến đây kiếm tiền, sau khi đóng thuế, họ mang lợi nhuận về nước sở tại hết sức dễ dàng. Ngay cả số liệu thống kê dưới đây cũng là do các công ty nước ngoài cung cấp, chứ không phải đến từ nhà quản lý của Việt Nam.

Doanh thu của thị trường điện ảnh VN 2013 - 2015

- Năm 2013: 50 triệu USD
- Năm 2014: 80 triệu USD
- Năm 2015: Dự kiến 100 triệu USD

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm