Nhìn lương của ngành điện mà tan nát cõi lòng

23/11/2011 10:46 GMT+7

(TT&VH) - Vừa qua, tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Phạm Lê Thanh cho biết lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng/tháng và chia sẻ “rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó”. 

Ông cũng nêu rõ rằng đó mới là “lương để hạch toán vào giá thành điện” còn cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Là lãnh đạo ngành, ông trăn trở: “Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được.

Là Tổng Giám  đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”.


Ảnh minh họa

Mới nghe qua điều này, nhân viên ngành điện ai cũng mừng bởi nếu vị lãnh đạo nào cũng trăn trở với đời sống cán bộ công nhân viên như vậy, thì dù lương có chưa được cải thiện ngay, nhưng cũng được an ủi phần nào.

Nhưng xin nhớ, tại thời điểm mà mức lương của nhân viên ngành điện khiến ông “đau lòng”, thì tới ngày 1/5/ 2009, mức lương tối thiểu chung mới tăng từ 540 nghìn lên 650 nghìn đồng/tháng. Những người hưởng mức lương tối thiểu ấy là ai? Là các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Còn đối với lao động làm việc trong khối doanh nghiệp trong nước, từ ngày 1/1/2009, lương tối thiểu chia làm 4 vùng mới tăng lần lượt là: 800 nghìn đồng (vùng 1); 740 nghìn đồng (vùng 2); 690 nghìn đồng (vùng 3) và 650 nghìn đồng (vùng 4)/tháng. Mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là: 1,2 triệu đồng; 1,08 triệu đồng; 950 nghìn đồng và 920 nghìn đồng/tháng.

Đến năm 2010, theo công bố của Bộ LĐTB&XH tiền lương bình quân của các loại hình nghiệp là 3,2 triệu đồng/người/tháng. Lương bình quân trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng/tháng và trong khối doanh nghiệp tư nhân khác là 2,7 triệu đồng/tháng. Còn lương bình quân trong khối ngân hàng là 7 đến 7,6 triệu đồng/tháng- tương đương như của ngành điện năm 2009.

Với mức lương ấy, nếu những vị lãnh đạo các ngành khác cũng có tâm như ông, họ sẽ không chỉ đau lòng mà là tan nát cõi lòng.

Tuy lương của người lao động là một loại chi phí cấu thành giá sản phẩm, nhưng cứ theo kiểu tính “lương để hạch toán vào giá thành điện” thì việc  EVN tính mức lương cao như trên và nếu lại kêu lỗ, xin tăng giá, liệu có được người dân chấp nhận? Ví dụ như năm 2010, số lỗ của EVN bằng 95% lương. Như vậy, mức lương “thấp” đến mức “đau lòng”, liệu đã hợp lý? Đó là chưa kể đến khâu điều hành, phân phối, tỷ lệ thất thoát điện năng... mà EVN quản lý đã thực sự hợp lý?

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm