15/09/2017 07:18 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Khi thông tin về phiên đấu giá Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á của nhà Sotheby’s sẽ khai cuộc lúc 10h ngày 1/10/2017 tại Hong Kong (Trung Quốc), bên cạnh niềm vui vì có nhiều đại diện của nghệ thuật Việt, vẫn còn những nghi ngờ về độ thật giả của một vài tác phẩm.
Trong cuốn Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật mà tôi dịch, có một ý rất hay về thế giới nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật là một tập hợp các nhóm đặc thù, được kết nối với nhau bằng “lòng tin”. Có thể hiểu lòng tin ở đây ra sao? Cần hiểu nó là một khái niệm bao quát gồm cả: sự tin cậy (tin tưởng vào nhau), sự tin theo (tin không cần chứng minh), chữ tín (giữ chữ tín, tín tâm và tín ngữ).
Thật vậy, thiếu chất kết nối lòng tin này, chắc chắn thế giới nghệ thuật và thị trường nghệ thuật sẽ sụp đổ lập tức. Bởi dẫu tiền bạc là vẻ ngoài của thế giới ấy, lý thuyết hay các định chế trưng bày là da thịt của thế giới ấy, song chỉ có lòng tin mới là xương cốt.
Xét ví dụ về khoảnh khắc một ai đó quyết định bỏ tiền mua một tác phẩm nghệ thuật cỡ 20.000 USD trở lên chẳng hạn, hành vi mua chắc chắn phải dựa trên một hệ thống gắn kết với nhau do lòng tin tạo ra. Cần phải nói thêm là, theo những gì tôi biết, ở Việt Nam hiện tại, giá 10.000 USD trở xuống cho một bức tranh là quá bình thường và chỉ dừng ở mức độ sở thích vui vẻ, quà tặng bạn bè, từ thiện, hay mua vui.
Tuy nhiên, khi giá tranh bắt đầu từ 20.000 USD trở lên thì vấn đề rất khác. Với mức giá này, người mua tranh dứt khoát phải thuê một cố vấn nghệ thuật. Cần nhớ, thậm chí tỷ phú François Pinault người Pháp - người nắm cổ phần chính của nhà đấu giá Christie’s, và chủ sở hữu Gucci - vẫn phải thuê nhà cố vấn nghệ thuật Phillip Ségalot giúp mua tác phẩm cho bộ sưu tập của mình.
Trở lại với cú mua 20.000 USD trở lên, lòng tin được xây dựng, trước hết từ bản thân người mua tranh. Liệu họ có tự tin rằng mình muốn làm điều đó một cách nghiêm túc không? Liệu họ có tin vào nhà cố vấn của họ không? Và rồi, đến lượt nó, sự mua dựa trên lòng tin này của nhà sưu tập lại tạo nên cơ sở tin cậy tiếp nối cho tác phẩm được mua.
Trong thế giới mua bán nghệ thuật có một quy tắc quan trọng - đó là, không phải giá tiền quyết định giá trị tác phẩm, mà chính người mua hay người sở hữu nó mới quyết định điều ấy. Ví dụ, bất kì khi nào phòng tranh Gagoisian tại New York (Mỹ) mua tác phẩm của nghệ sĩ nào, giá nghệ sĩ đó sẽ tăng gấp đôi ngay lập tức.
Tuy nhiên, bởi dựa trên lòng tin, thế giới nghệ thuật cũng rất dễ sụp đổ khi lòng tin bị sụp đổ. Lòng tin sụp đổ khi có sự lừa đảo xảy ra. Lòng tin sụp đổ khi có sự bất tín xảy ra. Lòng tin sụp đổ khi có sự kém cỏi đội lốt giỏi giang xảy ra.
Một trong các ví dụ nhãn tiền là họa sĩ Bernard Buffet - người từng được thổi phồng là một Picasso mới, có năng lực vẽ tranh tưởng như vô tận, song kết cuộc đã phải tự tử chết vì trầm cảm, mà một trong những nguyên nhân chính là ông rốt cuộc bị coi là có thẩm mỹ quá xoàng. Gần đây có một sự phục hồi nào đó dành cho Bernard Buffet, tuy vậy sự kiện ông được thổi phồng và sau đó bị đánh giá thấp là có thật, nó nói lên tính dễ tổn thương của cái thế giới được kết nối bằng lòng tin này.
Nói tóm lại, tất cả chúng ta, những người tham gia vào thế giới nghệ thuật, từ nghệ sĩ, nhà phê bình, nhà báo, nhà sưu tập, nhà cố vấn nghệ thuật, giám tuyển… đều cần hiểu nguyên tắc quan trọng của lòng tin này. Có lòng tin là có tất cả. Mất lòng tin là mất tất cả. Vậy hãy gắng mà giữ lấy nó.
Nguyễn Như Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất