Tội nghiệp áo dài

15/10/2019 07:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về nữ ca sĩ người Mỹ Kacey Musgrave đang ngày một lan rộng trên không gian mạng, giữa cơn giận dữ của khán giả Việt.

Còn cảm hứng thì sẽ còn áo dài

Còn cảm hứng thì sẽ còn áo dài

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 6 với chủ đề “Tôi yêu dài Việt Nam” kéo dài từ ngày 2 đến 17/3/2019, gồm rất nhiều hoạt động chính thức và bên lề. Chủ đề này cho thấy không chỉ người Việt mới yêu áo dài, mà còn nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam và nhiều nước khác nữa.

Số là vài ngày trước, trong một buổi trình diễn, những hình ảnh ghi lại cho thấy nữ ca sĩ này - vốn dĩ khả nổi tiếng tại Mỹ - sử dụng trang phục áo dài Việt Nam. Chỉ có điều, ngoài phần áo, chiếc quần ống rộng (như thường thấy) lại không được cô sử dụng, mà thay vào đó là… phần nội y rất ngắn.

Cách ăn mặc ấy không chỉ “dị”. Từ những phản ứng gay gắt từ khán giả Việt, có thể thấy, Kacey bị cho là đang xúc phạm tới bộ trang phục vốn được coi là một biểu trưng của văn hóa Việt.

Quả thực, dù chưa được quy định chính thức là “quốc phục” hay “trang phục dân tộc” trong một văn bản nào, áo dài vẫn được người Việt coi là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ và luôn xuất hiện trong những sự kiện trang trọng nhất của một đời người.

Điển hình, vài năm trước, khi ngành văn hóa thử thăm dò dư luận về việc thiết kế mẫu “quốc phục”, 100% người được hỏi đều chọn trang phục áo dài cho phụ nữ - trong khi phần trang phục dành cho nam giới lại có những tranh cãi gay gắt giữa việc chọn veston hay… áo dài nam.

Chú thích ảnh
Trang phục biểu diễn gây tranh cãi của Kacey Musgraves. Ảnh: Internet

Đó là một câu chuyện thú vị nếu chúng ta biết rằng những mẫu áo dài hiện nay mới chỉ ra đời chưa đầy một thế kỷ với cái tên “áo dài tân thời”, dựa trên sự sáng tạo của các họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ vào đầu thập niên 1930. (Tùy theo các quan điểm khác nhau, sáng tạo này được cho là phát triển các mẫu áo tứ thân, ngũ thân hoặc áo của dân tộc ít người trong giai đoạn trước).

Có “tuổi đời” không dài so với nhiều trang phục khác trong lịch sử, vậy tại sao áo dài nữ lại được cộng đồng đón nhận và mặc định coi là một biểu trưng của văn hóa Việt?

Như những gì từng được phân tích, câu trả lời nằm ở sự tương đồng giữa cách tạo hình của loại trang phục này, với nét thẩm mỹ truyền thống của văn hóa Việt khi tôn vinh vẻ đẹp và tinh cách phụ nữ. Theo đó, hình thể phụ nữ trong tà áo dài được thể hiện một cách rất duyên dáng và nền nã: phần áo ôm sát thân làm nổi bật bờ vai nhưng hai vạt buông lại mềm mại để che đi đôi quần ống rộng, tà áo khép mở theo nhịp chân để lộ chút vòng eo, nhưng vẫn đủ kín đáo thay vì phô trương.

Phù hợp với nét thướt tha, yêu kiều cũng như tính cách kín đáo của phụ nữ Việt nên một cách tự nhiên, áo dài được cộng đồng lựa chọn và ngày càng có sức sống mạnh mẽ hơn theo thời gian.

***

Trở lại câu chuyện của Kacey. Sự thực, trước cô, không ít người đẹp Việt Nam cũng đã từng nhận những lời chỉ trích khá gay gắt về những phá cách trong việc sử dụng trang phục áo dài. Điều ấy cho thấy: áo dài không chỉ là câu chuyện của một bộ trang phục, mà là câu chuyện của cả một xã hội, với văn hóa của những người đã tạo ra và sử dụng nó.

Muốn hay không thì điều ấy cũng khó thay đổi - khi mà theo thời gian, có nhiều giá trị từng bị mai một vì không còn phù hợp, nhưng áo dài lại chưa bao giờ thuộc phạm trù này.

Bởi thế, trong những phản ứng về chiếc áo dài mà Kacey Musgraves mặc, người viết đặc biệt quan tâm đến ý kiến của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, khi anh kêu gọi cộng đồng ngừng “ném đá” và có sự góp ý, giải thích nhẹ nhàng về cách sử dụng bộ trang phục truyền thống này. Như lời Sĩ Hoàng, anh sẵn sàng gửi tặng nữ ca sĩ người Mỹ một bộ áo dài đẹp, để cô hiểu hơn về áo dài Việt Nam và có thể tôn vinh nó.

Đó là một ý kiến đáng suy nghĩ: nếu thấy tội nghiệp cho một tà áo dài được sử dụng không hợp lý, thì chúng ta cũng cần học cách hành xử xứng đáng với vị trí của một biểu trưng văn hóa mà nó được mặc định đặt vào.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm