14/06/2019 07:17 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Một tin vui cho những người đam mê đọc sách là đầu tháng 6 vừa qua, một thư viện trên container với tổng chi phí hơn 300 triệu đồng, có hơn 2.000 đầu sách cùng đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đã được một hội doanh nhân trẻ trao tặng cho các em học sinh tại một trường ở Tây Nguyên.
Đây mới là thư viện đầu tiên của chương trình Thư viện container - Mỗi trang sách, vạn ước mơ, dự kiến trong năm nay sẽ trao thêm ít nhất 2 thư viện container nữa cho các trường ở vùng sâu, vùng xa.
Sophia thân mến!
Chúng ta đều biết rằng, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng là việc làm cần thiết đối với bất cứ quốc gia nào. Triết gia Thomas Carlyle cho rằng: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: Đều được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”.
Ấy vậy mà tại Việt Nam chúng tôi, một thống kê cách đây 2-3 năm cho thấy, 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.Quá ít có phải không Sophia?
Tôi nhớ trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - tác giả của các tác phẩm văn học được nhiều người ở Việt Nam biết đến như “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”…đã nói rằng: "Có một con đường khác để có được kiến thức vững chắc mà không cần tới trường lớp - đó là tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc...".
Ông cũng cho rằng nếu người học mà chỉ dựa vào thầy là vứt đi, phải có ý thức tự học.Vậy chúng ta tìm nguồn sách ở đâu? Với những người có điều kiện, may mắn được học tập và làm việc tại các trung tâm văn hóa, các thành phố lớn có thể là dễ đáp ứng được nhu cầu. Còn với những hoàn cảnh khó khăn, nhưng nơi vùng sâu, vùng xa không có đủ kinh phí để mua sách thì đây cũng là một vướng mắc, một vấn đề không đơn giản.
Đáp án của bài toán này chính là thư viện. Vâng chỉ có thư viện thì mới đáp ứng được nhu cầu của số đông những người ham đọc sách, những người có ý thức tự học nhưng không đủ điều kiện để theo học các trường lớp chính khóa.
***
Từ những trải nghiệm của bản thân mình, tôi thấy nếu được tổ chức quản lý tốt, thư viện chính là nơi hình thành văn hóa đọc cộng đồng: Mọi người đến đây ngoài việc được tìm hiểu các kiến thức chuyên môn còn có nhiều cơ hội để trao đổi, chia sẻ những vấn đề mình còn chưa hiểu hết, giúp cho việc tự học hiệu quả hơn. Nói một cách khác thì thư viện là một ngôi trường dành cho những người có ý thức tự học.
Ở Việt Nam chúng tôi hiện nay, nhiều dòng họ, nhiều gia đình đã cùng nhau xây dựng những tủ sách, những thư viện mini, trước là để phục vụ cho chính con em trong dòng họ, sau nữa là tạo điều kiện cho các em trong khu vực chưa đủ điều kiện có sách đọc. Đó là những việc làm rất đáng quý, cần được nhân rộng.
Ở cấp độ quốc gia, mấy ngày vừa qua tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cũng đang thảo luận về Dự thảo Luật Thư viện. Hy vọng rằng khi Luật này được thông qua, người dân sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với văn hóa đọc, hệ thống thư viện sẽ đủ điều kiện phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Nhà nước cũng sẽ có những đầu tư hợp lý cho hệ thống thư viện trên toàn quốc cũng như có các chính sách phù hợp để khuyến khích việc xã hội hóa các hoạt động thư viện.
Người Do Thái có câu: Nếu như không chịu học tập thì cho dù có đi vạn dặm đường cũng chỉ là anh đưa thư. Đúng là như vậy, việc học tập là cả một quá trình không ngừng nghỉ. Công việc này sẽ thuận lợi và có kết quả tốt nếu như có người đồng hành, đó chính là thư viện. Tôi nghĩ như vậy.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất