Thư gửi robot Citizen: Học gì từ 'Hoạt động trải nghiệm'?

18/09/2020 07:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Gần 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2020-2021

Gần 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2020-2021

Sáng 5/9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ khai giảng năm nay có nhiều điểm “đặc biệt” so với những năm học trước.

Năm học mới này, tại Việt Nam chúng tôi, các em học sinh từ lớp 1 sẽ phải học một môn học bắt buộc, đó là “Hoạt động trải nghiệm”. Việc môn học này xuất hiện như là một nội dung mới trong chương trình giáo dục phổ thông, có sách giáo khoa riêng, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Theo những chia sẻ của TS Đinh Thị Kim Thoa - tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm, chương trình Hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc có phân hóa và bao gồm các chương trình như sau:

Một là: Chương trình trải nghiệm hoạt động sinh hoạt hành chính nhà trường (bắt buộc) là giờ sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp, nhà trường tổ chức lồng ghép các chủ đề giáo dục có tính thời sự, tính địa phương bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ trong nhà trường.

Hai là: Chương trình hoạt động trải nghiệm định hướng cá nhân (bắt buộc) sẽ đưa ra hình thức mang tính hướng dẫn hành vi cụ thể đến từng cá nhân thông qua trải nghiệm và hoàn toàn có thể thực hiện trong mọi điều kiện và hoàn cảnh của các nhà trường. Chương trình này sẽ đảm bảo 100% học sinh thực hiện, được rèn luyện, được trải nghiệm và được đánh giá về sự tiến bộ của mình và được thực hiện theo thời khoá biểu.

Chú thích ảnh
Các em thử sức với vòi chữa cháy. Ảnh minh họa

Ba là: Chương trình hoạt động trải nghiệm giáo dục tổng hợp (tự chọn bắt buộc) là những hoạt động mang tính phong trào, hoạt động ngoài nhà trường, tham quan thực tế, định hướng nghề nghiệp, hoạt động phục vụ cộng đồng…Các trường có thể tổ chức hoạt động này ít nhất là 2 hoạt động/học kỳ. Quỹ thời gian lấy từ thời lượng dành cho chương trình địa phương.

Và bốn là: Chương trình hoạt động câu lạc bộ (tự chọn phân hóa) hoạt động câu lạc bộ (CLB) theo sở thích, sở trường của học sinh. Bên cạnh những CLB có tính đặc thù của hoạt động trải nghiệm sáng tạo như CLB kỹ năng sống, CLB phục vụ cộng đồng… học sinh có thể tham gia vào các CLB có tính chuyên môn khác như CLB khoa học, văn học hay nghệ thuật, thể thao… trong nhà trường hoặc ngoài nhà trường.

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ. Tốt quá, con em mình được học thêm kỹ năng sống, có thể tự tin bước vào đời, đó là mơ ước cũng như mong muốn của hầu hết các gia đình.

Sophia thân mến!

“Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được” - Helen Adams Keller một nhà văn, nhà hoạt động chính trị, nhà diễn thuyết được vinh danh trên thế giới đã phát biểu như vậy.

Nhưng chúng ta cần trải nghiệm điều gì và học được gì từ những trải nghiệm thì lại là một câu chuyện dài. Nó phụ thuộc vào từng cá nhân. Với các em học sinh thì tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình và giáo viên hướng dẫn.

Sophia biết không, năm tôi học cấp 2, trong một buổi chào cờ đầu tuần, tất cả giáo viên và học sinh đều tập trung đầy đủ. Hôm ấy trời nắng sớm, rất oi bức. Nhiều giáo viên không chịu được nắng nóng rủ nhau đến chỗ bóng mát để ngồi. Riêng thầy Hiệu trưởng vẫn ngồi nguyên tại vị trí của mình, không có gì che trên đầu, giống như tất cả học sinh. Sau đó, thầy lên phát biểu rất nhanh và cho toàn trường tan buổi chào cờ sớm hơn thường lệ để vào lớp học.

Cuối buổi học hôm ấy, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi kể lại rằng, thầy Hiệu trưởng vào phòng hội đồng và phê bình toàn thể giáo viên đã không gương mẫu, không chịu “trải nghiệm” ngồi dưới trời nắng cùng với học sinh để cảm nhận được cái khổ của học trò, để từ đó có cách giúp đỡ chúng.

Một chuyện khác. Năm tôi làm quản lý nhân sự cho một công ty sản xuất của Nhật Bản. Trong dây chuyền sản xuất của nhà máy có một máy mài vòng bi. Xung quanh máy này nhiệt độ thường là cao hơn rất nhiều so với các vị trí khác.

Trước ngày tuyển dụng công nhân, ông Tổng giám đốc bay sang Việt Nam, xuống công ty họp. Sau đó, tôi và ông trực tiếp xuống vận hành máy này, cùng bấm giờ, đo nhiệt độ và “trải nghiệm” xem thực tế người bình thường sẽ chịu được trong bao lâu? Khi đã có kết quả, chúng tôi vào phòng ngồi tính toán, chọn loại bảo hộ lao động phù hợp, chia lại thời gian đứng máy cho hợp lý, cuối cùng là đưa ra mức lương và xây dựng tiêu chuẩn chọn người cho vị trí này. Ông tổng giám đốc nhắc tôi là mình phải làm trước đi đã, hiểu được mức độ khó khăn vất vả thì mới chia sẻ và hỗ trợ cho người lao động được.

Trở lại với môn học “Hoạt động trải nghiệm”. Sophia cũng biết rồi đấy, thực tế thì cho đến lúc này, các em học sinh mới trải qua 3 tuần của năm học mới cho nên chưa thể kết luận được chính xác nội dung môn học mới này có giúp cho các em thêm được những kỹ năng sống nào không?

Nhưng tôi thì sẽ chia các trải nghiệm ra làm 2loại, đó là “trải nghiệm chủ động” - là những trải nghiệm xuất phát từ mong muốn có thêm kiến thức, từ sự tò mò khám phá cuộc sống xung quanh, ngoài những kiến thức đã được học trong sách vở. Để các em học sinh chủ động tìm đến những trải nghiệm này thì gia đình và nhà trường cần chú ý động viên, khơi gợi và kích thích những thói quen tốt sẵn có trong mỗi em.

Loại thứ hai là những “trải nghiệm bị động” - là những trải nghiệm mà cá nhân không hề mong muốn như là chiến tranh, dịch bệnh, tai nạn… Qua những trải nghiệm này, ta sẽ học được những kỹ năng sinh tồn rất giá trị. Trải qua rồi, chúng ta sẽ dễ dàng mở rộng vòng tay với những mảnh đời tương tự. Những câu chuyện trong đợt dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ cụ thể.

Nhưng chắc là Sophia cũng đồng ý với tôi rằng, tất cả các trải nghiệm trong cuộc đời này đều cần hướng tới một mục tiêu quan trọng, đó là biết cho đi nhiều hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Và những trải nghiệm thông qua lao động hàng ngày thường sẽ nhớ lâu hơn là học trong sách vở.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm