03/08/2018 07:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thảm cảnh sau trùng tu của ngôi đình cổ Lương Xá (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) đang liên tục được nhắc tới trên mặt báo.
Vắn tắt, trong quá trình trùng tu (do chính quyền xã thực hiện), hầu hết những kiến trúc gỗ của đình đã bị tháo gỡ, để thay thế bởi cấu kiện bằng... bê tông. Và, ở thời điểm hiện tại, ngôi đình ấy gần như chỉ còn là một đại công trường ngổn ngang bê tông và sắt thép.
Bây giờ, muốn tìm lại những hình ảnh nguyên bản của ngôi đình này, người ta chỉ có cách vào địa chỉ 360.hncity.org - một trang web được lập ra để giới thiệu và những kiến trúc đẹp nhất của Hà Nội bằng các bức ảnh panorama 360 độ.
Xem ảnh, hẳn chúng ta sẽ tiếc ngẩn người, khi chiêm ngưỡng vẻ cổ kính của ngôi đình được cho là có từ thế kỷ 17 này.
Hẳn chủ nhân của trang web ấy cũng tiếc không kém - khi mà hiện tại, phần giới thiệu về ngôi đình đã được... cập nhật thêm dòng chữ cuối: "Rất tiếc là đầu tháng 7/2018 đình đã bất ngờ bị hạ giải và thay các cột gỗ lim bằng bê tông cốt thép, trở thành "di tích một ngày tuổi". Than ôi!
Nói rằng di tích 300 năm tuổi này bị biến thành "một ngày tuổi", như lời các chuyên gia, cũng không hẳn là ngoa ngôn. Bởi thực tế, chắc chắn không ai chấp nhận nổi việc những kiến trúc gỗ hay các mảng chạm trổ của đình - trong đó có mảng chạm "mèo ăn cá" khá nổi tiếng - được thay thế bằng xi măng "giả cổ".
Thậm chí, hiện tại, dù việc "trùng tu" đình đã bị ngành văn hóa Hà Nội yêu cầu đình chỉ, nhưng giới chuyên môn vẫn tỏ ra bi quan về khả năng sữa chữa để "vớt vát" lại những giá trị từng có cho đình. Như phân tích, khi những cấu kiện gỗ và các mảng chạm đã được hạ giải tùy tiện, mà không hề có những biện pháp chuyên môn để bảo vệ, kiểm kê và đánh giá giá trị, chắc chắn phần quý nhất của đình Lương Xá đã bị thiệt hại nặng về giá trị nguyên bản.
***
Khái niệm "thảm họa trùng tu di tích" không còn xa lạ với dư luận. Ngắn gọn, đó là câu chuyện của những di tích được trùng tu một cách ồ ạt theo kiểu "hiện đại hóa" và hoàn toàn thiếu vắng sự hỗ trợ về chuyên môn. Để rồi, dù đã hoàn thành hay chỉ kịp thực hiện một phần, những di tích ấy bỗng trở nên kệch cỡm, lòe loẹt và hoàn toàn đánh mất lớp giá trị văn hóa - lịch sử từng có.
Chỉ tính dăm bảy năm gần đây, chúng ta đã gặp quá nhiều thảm họa như vậy. Trong đó, nổi bật là vụ trùng tu tại chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) năm 2012, khi phần gác khánh và nhà tổ tại đây gần như bị phá bỏ để xây mới hoàn toàn. Rồi, năm 2014, khi trùng tu lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Hà Nội), một bức bình phong "quái thú" nửa hổ, nửa rồng bất ngờ xuất hiện.
Rồi, cũng năm 2014, đến lượt chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) và đình Quang Húc (Ba Vì) xuất hiện hàng loạt cấu kiện bị sơn mới hoặc thay đổi tùy tiện, như "kịch bản" đang diễn ra ở đình Lương Xá. Hoặc, trong năm 2017 vừa rồi, đài Chiến sĩ trận vong tại cố đô Huế cũng bị tùy tiện phủ lên lớp sơn vàng rất hiện đại và nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều...
Và, cũng như những "thảm họa trùng tu" trong quá khứ, chắc chắn sẽ có rất nhiều bài học được rút ra sau câu chuyện tại đình Lương Xá. Đó là vấn đề về trình độ của quản lý địa phương, là việc tuân thủ Luật Di sản văn hóa, là nỗi buồn về thị hiếu thẩm mỹ và căn bệnh thích lòe loẹt, hoành tráng... đang phổ biến tại những di tích liên quan tới tín ngưỡng, tâm linh...
Tất cả những điều ấy đều đúng. Nhưng với những gì đang diễn ra, chúng ta có dám chắc rằng sẽ không có những kịch bản theo kiểu "bảo tồn biến thành tôn tạo, tôn tạo biến thành... sáng tạo", như lời các chuyên gia nói về di tích, trong tương lai?
Bệnh quá nặng thì cần thuốc đắng. Và liều thuốc đắng ấy, trước hết phải là việc xử lý nghiêm những sai phạm tại đình Lương Xá.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất