22/02/2018 07:06 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa chia tay với chuỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018. Và dù phía trước còn một ngày rằm tháng Giêng theo truyền thống, ai cũng hiểu: Tết Mậu Tuất đã lùi lại, để nhường chỗ cho công việc ngày thường.
Thế nhưng, trong cuộc "chia tay" ấy, không ít người vẫn có chút lưu luyến và tiếc nuối. Chỉ mới mươi ngày trước, chúng ta vẫn còn bận rộn sắm Tết, háo hức đón Giao thừa, rồi sau đó nô nức lên lịch trình du xuân từ ngày mùng 1.
Có mâu thuẫn không, khi mà nhiều năm nay, cứ tới dịp cuối năm, nhiều người vẫn than thở rằng Tết hiện đại ngày càng mệt mỏi, ngày càng nhạt và chán so với một cái Tết xưa trong ký ức – để rồi khi chuỗi ngày Tết chấm dứt, chính những người ấy lại thoáng thấy cảm giác muốn... quay lại đêm 30?
Tâm trạng ấy giống như câu cửa miệng mà giới trẻ hay đùa trong những ngày này, rằng đang yên lành thì Tết đến và đang vui vẻ thì... Tết lại đi.
Nếu chỉ nhìn ở góc độ của một kỳ nghỉ dài ngày, tôi tin cái Tết truyền thống không đủ làm chúng ta nghĩ nhiều và nói nhiều về nó như vậy.
Sự phát triển của xã hội, đặc biệt là ở đời sống đô thị, tất yếu tạo ra những khoảng cách nhất định giữa nông thôn và thành thị - cũng như giữa nếp sống truyền thống và nhu cầu phát triển của hiện tại. Lấp đầy những khoảng cách ấy, tất nhiên, không thể là câu chuyện của một sớm một chiều.
Thế nhưng, cũng có một thực tế: khi cuộc sống càng phức tạp và đặt ra những câu hỏi rất khó phân định đúng – sai về các hệ giá trị của nó, chúng ta lại càng có xu hướng biết trân trọng những giá trị bất biến ở gia đình và dòng tộc.
Lấy cái mốc đón năm mới theo lịch âm, Tết nguyên đán từ xa xưa với người Việt, chính là dịp để cộng đồng quay về, cũng như tìm kiếm sự an ủi tinh thần, từ những giá trị ấy. Bởi thế, dù có tranh cãi về cách ăn Tết thì tự nhiên, cũng tới lúc mà chúng ta cùng ngừng lại, cả khi Tết đến và đi.
Cũng như, dù muốn đi thăm bạn bè, họ hàng hay tận dụng chuỗi ngày Tết để du lịch và nghỉ ngơi, dù muốn ăn Tết theo kiểu truyền thống với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành hay theo kiểu hiện đại để chiều khẩu vị, thì người ta vẫn không thể bỏ qua "hạt nhân" của Tết: mâm cỗ cúng gia tiên trước giao thừa.
***
Trở lại câu chuyện "chán Tết – nhớ Tết", nếu nhìn ở góc độ tích cực, có lẽ Tết Nguyên đán cũng đang dần hoàn thiện hơn trong dòng vận động theo thời gian của mình.
Bởi, trong cuộc tranh luận rất khó có điểm dừng ấy, dường như chúng ta sẽ tự tìm kiếm cho mình những lựa chọn hợp lý để tước bỏ những gì không còn phù hợp, hoặc những phiền hà được "nhân danh" cái Tết.
Rượu uống vừa phải, không sa đà vào chuyện mua sắm cầu kỳ, sớm có kế hoạch thăm bạn bè, họ hàng xa từ sớm.... – đó là những kinh nghiệm được cộng đồng chia sẻ để có một ngày Tết thảnh thơi theo đúng nghĩa.
Rồi, sát kì nghỉ Tết, khi việc dịch chuyển của dòng người từ đô thị về quê quán luôn là một áp lực lớn với giao thông, người ta cũng đã biết có những tính toán chủ động – mà việc những bến xe tại Hà Nội sát Tết năm nay không rơi vào cảnh "vỡ trận" là ví dụ điển hình.
Rồi, trong mùa lễ hội đang bắt đầu từ những ngày này, chúng ta cũng đã bước đầu biết cách hạn chế những biến tướng ở các nghi thức cướp lộc hay chém lợn, đồng thời cũng đã biết nhắc nhau không đổ lỗi cho Tết khi sa đà trong "tháng ăn chơi".
Có nghĩa, cứ hết một vòng quay của 12 tháng âm lịch, chúng ta lại có quyền hi vọng vào một năm mới tốt đẹp và hoàn thiện hơn, đúng như quy luật vận động tất yếu trong cuộc sống.
Có tiếc, thì chúng ta hãy cứ chia tay ngày Tết và đón chuỗi ngày mới bằng sự hào hứng ấy.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất