16/02/2019 07:46 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngô là thức ăn của người nghèo. À mà tại sao rõ ràng xôi được chế biến ra bằng ngô là chính, chỉ thêm vào chút gạo nếp (lúa), lẽ ra, nó là một thứ xôi độn ngô mới phải. Tại sao gọi xôi ngô là xôi lúa? "Bản quyền" xôi lúa rõ ràng là của người Hà Nội rồi. Xôi lúa chính là sản phẩm được sáng tạo ra từ sự nghèo khó. Nghèo mà không hèn.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Người Việt chế biến ra rất nhiều loại xôi khác nhau mà ta có thể phân loại một cách giản đơn như sau: Theo các lối thao tác trong chế biến: Xôi vò, xôi xéo, xôi nén, xôi đóng oản...Theo các vật liệu pha trộn vào hoặc đồ cùng với gạo nếp: Xôi gấc, xôi vừng dừa, xôi đậu xanh, xôi đậu đen, xôi lạc, xôi sắn, xôi củ tím, xôi ngô (xôi lúa); xôi gà, xôi lạp xưởng, xôi trứng kiến...
Trong những dịp cúng tế ở cộng đồng làng xã, một trong những phẩm vật không thể thiếu đó là mâm xôi trắng để cúng trên đình hay trên chùa. Trong những ngày hội làng, người ta bưng lên cúng những mâm xôi trắng lót bên dưới bằng tàu lá chuối tươi kèm theo thủ lợn luộc hay gà luộc. Cúng xong chia phần cho cả làng cùng hưởng.
Trong đám cưới, đám hỏi người ta cũng thường dùng xôi trắng và xôi gấc làm lễ vật và cúng gia tiên. Màu đỏ của xôi gấc được coi là màu của hạnh phúc, may mắn.
Xôi trắng và thịt lợn cũng được sử dụng làm vật cúng tế trong các đám ma.
Có một số loại xôi mà hầu như không bao giờ người ta đem cúng trên bàn thờ đó là xôi đậu đen và xôi ngô (tức xôi lúa). Có người giải thích rằng vì màu đen là màu không may mắn, là màu tượng trưng cho điều xấu, đen đủi nên không được dâng cúng. Lại có người giải thích rằng đậu đen và ngô là hai thứ sản vật trước kia không có ở nước ta.
2. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Với tôi, xôi lúa là một thứ điểm tâm bình dân. Thuở nhỏ đi học, nhà tôi nghèo nên không được theo bố mẹ đi ăn phở, ăn mì vằn thắn, bánh mì thịt... như những đứa bạn con nhà giàu khác. Mẹ tôi phát cho mỗi sáng mấy hào chỉ đủ mua gói xôi lúa. Nếu muốn ăn thứ nào sang hơn hay muốn mua cuốn truyện Kim Đồng mà đọc thì phải nhịn vài bữa và tích cóp lại may ra mới đủ.
Thời bấy giờ, gánh xôi bán rong thật phong phú chứ không đơn điệu như ngày nay. Xôi đựng trong thúng tre sạch sẽ, trên đậy cái vỉ buồm bằng cói giữ cho xôi luôn nóng. Trong thúng có đủ loại: Nào là xôi vừng dừa, xôi xéo, xôi lạc, xôi đậu xanh, xôi đậu đen, xôi sắn, xôi gấc và tất nhiên là xôi lúa, một trong những thứ không thể thiếu vì thứ xôi này vừa rẻ, vừa ngon mà những người lao động vất vả hay học trò nghèo như tôi thì rất ưa chuộng vì nó vừa ngon lại vừa chắc dạ. Ăn một gói xôi lúa có thể no đến tận trưa.
Quê tôi là ở làng Hoàng Mai, xưa kia là ngoại thành Hà Nội, gần làng tôi là Tương Mai. Làng này có nghề làm xôi lúa cổ truyền.
Ngày xưa, chỉ có những nhà khá giả có mới ăn gạo quanh năm, người nghèo thường phải ăn cơm độn ngô, độn sắn. Ngô tẻ màu vàng là thứ ngô rẻ nhất được đem xay nhỏ rồi làm bánh đúc. Bánh đúc chấm tương mà tương cũng làm từ ngô. Ngô được ngâm nước vôi cho nở ra rồi bung nhừ với một nắm đậu đen thành món ngô bung.
Sau này, chiến tranh triền miên, cơm độn ngô đã trở thành quá phổ biến trong cộng đồng người Việt sống ở miền Bắc. Đi mua gạo, kèm theo phần gạo tiêu chuẩn là phần lương thực độn với gạo được gọi tắt là mì màu. Chỉ có những người bị đau dạ dày hay những ai có tiêu chuẩn cung cấp đặc biệt mới được ăn cơm toàn gạo, còn lại đa số đều ăn cơm độn ngô độn mỳ.
Hồi ấy, trên báo khoa học người ta viết những bài ca ngợi giá trị của ngô. Đã có bài viết "Ngô bổ hơn gạo!" Nhờ có những bài viết ấy mà tôi mới biết được rằng cây ngô có nguồn gốc tận Mexico vùng Trung Nam châu Mỹ.
này, tôi có dịp gặp gỡ một số bạn bè người Mexico và cũng được biết đến nhiều món ăn Mexico chính cống cũng như nhiều món ăn khác được chế biến tài tình từ ngô nhưng tôi chưa hề thấy có món nào tương tự như món xôi lúa của Tương Mai, Hà Nội cả.
Tôi tự hỏi: Xôi lúa bắt nguồn từ nơi đâu? Ai là tác giả của xôi lúa? Liệu xôi lúa sẽ tồn tại đến bao giờ? Xôi lúa sẽ đi về đâu?
Như tôi đã nghĩ và chắc cũng đã có nhiều người Việt nghĩ như tôi. Ngô là thức ăn của người nghèo. Xôi ngô là món ăn của người bình dân. Phải chăng cách gọi "xôi lúa" là để làm sang thêm cái món ngô bình dân. Vậy thì bản quyền xôi lúa rõ ràng là của người Hà Nội rồi.
Xôi lúa chính là sản phẩm được sáng tạo ra từ sự nghèo khó. Nghèo mà không hèn. Nghèo nhưng vẫn sang. Sang trong cái khẩu vị tinh tế và trong tư duy sáng tạo của nghệ thuật ẩm thực lưu truyền từ nghìn đời trong dòng máu của một dân tộc quá nghèo nhưng sống có văn hóa, sống đàng hoàng như mọi dân tộc văn minh trên trái đất này.
Xôi lúa sẽ tồn tại đến bao giờ? Ai mà biết được. Trên đời này, vạn vật đều thay đổi. Mãi cho đến tuổi "cổ lai hy", tôi mới được đọc những áng văn bất tuyệt của Thạch Lam viết về văn hóa ẩm thực của 36 phố phường từ những năm 1940.
Đọc xong mới biết ẩm thực của người Hà Nội đã thay đổi nhiều trong vòng nửa thế kỷ qua. Bà già đội thúng xôi lúa rao bán trên đường Yên Phụ với tiếng rao đặc biệt kỳ lạ "E é é... éc, E é é, é éc..."với thứ xôi lúa mà bà bán thời ấy cũng đã khác nhiều với những thứ xôi lúa tôi vẫn ăn hôm nay.
Người ta cũng đã gói xôi lúa trong giấy báo lót lá chuối, buộc chun cao su và cho vào túi ni lông cho khách đem về. Còn đâu những gói xôi lúa bọc trong tàu lá sen thơm dịu và tinh khiết được gói rất cẩn thận bằng chiếc lạt rơm nếp tươi.
Bạn nghĩ gì nếu như mai đây trên đường Hà Nội tiệt bóng xôi lúa mà chỉ toàn những quầy "fast food" với những tủ kính bóng nhoáng. Liệu trong bảo tàng lúc ấy còn có chỗ để bày một gánh xôi lúa mà bà cụ trước cửa nhà tôi đã gắn bó cả đời người với nó?
Vũ Thế Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất