22/12/2018 06:55 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Đi dạo ở Hồ Gươm, chuyện thường xuyên. Ăn kem ở Hồ Gươm, điều chẳng hiếm. Đọc báo ở Hồ Gươm, dường như chỉ người già. Tập thể dục ở Hồ Gươm, xưa nay vẫn thế. Riêng đọc sách ở Hồ Gươm thì vô cùng hiếm.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Vui chơi ở Hồ Gươm ngày càng nhiều lên, kể từ khi phố đi bộ được khoanh vùng. Chụp ảnh ở Hồ Gươm, không còn là mốt nhưng cũng vẫn được yêu thích. Bán bóng bay ở Hồ Gươm, chơi ô ăn quan ở Hồ Gươm, nhảy dây ở Hồ Gươm, trình diễn thời trang ở Hồ Gươm, dắt chó đi dạo, ăn bỏng ngô, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, thậm chí “bĩnh” bậy ở Hồ Gươm đều có hết.
Riêng đọc sách ở Hồ Gươm thì quả thực vô cùng hiếm.
Điều này nghe có vẻ nghịch nhĩ. Chả gì thì từ cái phố sách Đinh Lễ bước ra đến Hồ Gươm cũng chỉ vài bước chân. Chả gì thì cái phố sách Đinh Lễ tuy nhỏ nhắn khiêm nhường nhưng cũng đã bày bán thứ hàng hóa đặc biệt này từ rất lâu trước khi có Phố sách Hà Nội ở phố 19/12 và trước cả các hội sách kích cầu văn hóa đọc ở Công viên Thống Nhất, Hoàng thành Thăng Long hay ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến hẹn lại lên mỗi năm vài bận.
Xem ra, người Việt ta, với bản tính Á Đông khiêm nhường, chuyện tình cảm quen giấu chặt sau cánh cửa phòng đã đành, mà sự thâu nạp kiến thức cũng rất ít khi thấy thực hiện ở nơi công cộng.
2. Nhiều bậc trí giả, nhiều nhà văn hóa, cả những nhà văn, nhà thơ, người có trách nhiệm với văn hóa đọc của cộng đồng từng lên tiếng về niềm ao ước được trông thấy người Việt đọc sách ở nhà ga, bến chờ xe bus, sân bay, công viên… Thực ra thì sắp tới còn có cả bến tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao nữa, nhưng đành mạn phép không kê ra cái thứ mà tương lai mới có.
Nhưng có lẽ, niềm mong mỏi từ thế kỷ 20, vắt sang thế kỷ 21 được mười mấy năm vẫn chỉ giậm chân tại chỗ.
Rồi người ta lại than thở về số sách tiêu thụ mỗi năm, số sách tiêu thụ “bổ” theo đầu người. Cứ nhìn vào những con số ấy chả thà đừng nhìn còn hơn. Nhìn vào lại thấy sục sôi trào dâng một niềm ao ước khác. Ước sao người Việt đọc nhiều sách hơn.
Đọc bất cứ nơi đâu cũng được, sao cứ phải là Hồ Gươm?
Vì Hồ Gươm được ví như trái tim thiêng liêng của Hà Nội, trong đó Hà Nội lại là trái tim thiêng liêng của cả nước.Vậy khơi thông văn hóa đọc, vực dậy tinh thần yêu sách nhẽ chăng bắt đầu từ Hồ Gươm là phải nhất. Bởi hầu hết hoạt động tinh thần của người Hà Nội dường như đều hướng về Hồ Gươm.
Từ thuở Hòa bình lập lại, giải phóng Thủ đô cho đến ngày ăn mừng vô địch AFF Cup, chẳng có sự kiện lớn nào của đất nước mà nỗi vui mừng không khiến nhân dân đồng loạt kéo nhau biểu thị tình đoàn kết, nhân lên sự hân hoan gấp bội lần khi đổ về Bờ Hồ.
Hà Nội những đêm bom B52 ngừng bắn phá, đèn điện lung linh quanh Hồ Gươm và Tháp Rùa vẫn lấp lánh trong ký ức bao người. Hà Nội với những cô gái ôm hoa, mặc áo dài, khăn bông bay bay phất phơ trong gió Hồ Gươm như những thước phim quay chậm còn mãi trong tâm trí những người lính chinh chiến xa nhà.
Những năm tháng hòa bình bây giờ, Giao thừa năm nào Hồ Gươm không đông chật người. Có thể nói, Hồ Gươm chính là vị trí đắc địa, nơi chốn truyền thống để thể hiện tinh thần người Hà Nội. Hồ Gươm cũng có đầy đủ không gian, điều kiện để người dân Hà Nội thể hiện tình yêu với sách.
3. Có lần, một chàng trai sau khi xếp hàng từ 6h sáng, được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng cuốn sách mới nhất, hồi hộp vội vàng mang ra ghế đá bên hồ hé mở những trang đầu tiên đọc ngấu nghiến rồi thỏa mãn nhìn dòng người vẫn đang xếp hàng cả mấy trăm mét chờ đến lượt.
Có lần, một ông bố trẻ đưa vợ con ra giữa đường Đinh Tiên Hoàng, bình thản cho đứa con lẫm chẫm tập đi cho vợ trông, yên tâm tuyệt đối vì chẳng có bóng dáng chiếc xe máy xe đạp ô tô nào được bén mảng vào ngày cuối tuần. Mấy trang sách mở ra rồi phải đóng vội lại vì những “ông kễnh” phi xe điện tự cân bằng, xe hình thú chạy nhông nhông, xe tăng mô hình, xe ô tô đồ chơi do người lớn điều khiển từ xa chở trẻ em ngoằn ngoèo lướt đâm tán loạn.
Còn ghế đá thì hầu hết đã bị các đôi tình nhân hoặc người già hoặc người chẳng già chẳng trẻ ngồi dai chiếm lĩnh khá lâu.
Cũng có thể một ai đó đã thử ngồi bệt xuống gần các gốc cây nhưng có khi chỉ 5 phút là phải bật dậy lủi đi thật nhanh nếu như không muốn nhăn mũi bởi mùi xú uế chẳng biết phát ra từ chất thải của người hay chó chình ĩnh ngay gần đó.
4. Ai cũng biết đọc sách ở nơi yên tĩnh thì tốt hơn là chốn ồn ào. Nhưng người nước ngoài đó, ở nhà ga, bến xe, bến tàu, tàu điện ngầm đó, trên xe bus đó, họ có đổ lỗi tại hoàn cảnh hay không?
Cái chính là mình có muốn đọc sách, có chọn mang theo những cuốn sách có thể đọc ở chốn đông người hay gạt bỏ được những ồn ào ở xung quanh để tập trung vào đọc sách hay không?
Và tôi thì vẫn mong một ngày nào đó được trông thấy dù chỉ vài người đọc sách quanh Hồ Gươm thôi.
Bên những tán cây đổ xỏa ra hồ, bên những tơ liễu rủ mềm, xa xa là Tháp Rùa trầm mặc, nhìn dáng người cắm cúi đọc sách, hẳn hình ảnh ấy cũng khiến Hà Nội trở nên đẹp hơn nhiều lắm.
Hà Ngân Xuân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất