12/05/2016 20:09 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Đến 22h35 đêm qua, báo điện tử của VTV đã chính thức đăng Công văn của VTV3 về vụ “Cây chổi quét rau”, thừa nhận phóng viên “dàn dựng một số cảnh quay” . Nhưng xem ra vụ việc chưa thể khép lại. Còn hôm nay, một ngôi trường ở Biên Hòa trùng tên với một chương trình nổi tiếng một thời của VTV “Những bông hoa nhỏ”, đã vào bán kết của một giải thưởng kiến trúc lớn.
* Cây chổi vẫn chỉ để quét nhà
Sau khoảng 10 tiếng ầm ĩ trên dư luận, lúc 22h35 đêm qua, 11/5, báo điện tử của VTV đã phát đi bản tin được chờ đợi nhất trong ngày. Đó là nội dung công văn của VTV3 gửi UBND huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa và UBND xã Vĩnh Thành sau phóng sự "Cây chổi quét rau".
Công văn thừa nhận: phóng viên Phạm Thị Phương (người thực hiện phóng sự) đã tự tìm hiểu đề tài bằng quan sát cá nhân thiếu sự kiểm chứng, vi phạm qui trình tác nghiệp báo chí, phản ánh không trung thực sự việc và có dàn dựng một số cảnh quay trong phóng sự. Đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo". Lãnh đạo Ban biên tập VTV3 cũng nhận lỗi sơ suất trong khâu kiểm duyệt nội dung trước khi lên sóng. Kèm theo đó là lời xin lỗi đến các các nhân, tổ chức liên quan.
VTV thừa nhận phóng sự "Cây chổi quét rau" là dàn dựng, phản ánh không trung thực
Phải thừa nhận, cách xử lý vụ việc của VTV3 là rốt ráo và cầu thị. Tuy nhiên, hậu quả mà những thông tin sai sự thật trong phóng sự nêu trên gây ra là không hề nhỏ. Bởi thế, vụ việc có lẽ chưa thể khép lại.
Báo Tuổi trẻ trích đăng ý kiến của một người dân xã Vĩnh Thành cho rằng “chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng của huyện vào cuộc, để định giá thiệt hại khi rau không tiêu thụ được, để giúp người nông dân yêu cầu cá nhân, tập thể gây thiệt hại này phải đền bù theo quy định của pháp luật”.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu VTV phải giải trình về phóng sự này.
Còn nhớ, trong chương trình “Cà phê sáng” sau khi xem xong phóng sự “Cây chổi quét rau”, người dẫn chương trình còn nhấn nhá rằng, hóa ra cái chổi ngoài công dụng để quét nhà, còn có “công dụng” như phóng sự nêu...
Sự thực thì cây chổi vẫn chỉ dùng để quét nhà thôi. Xin đừng nói oan cho cái công cụ này.
* "Những bông hoa nhỏ" mang thông điệp lớn
Vẫn là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. Công trình thiết kế Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ ở Biên Hòa, Đồng Nai của anh cùng các cộng sự đã lọt vào bán kết giải thưởng quốc tế RIBA của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoàng gia Anh. Giải thưởng sẽ được công bố trong tháng 12 tới.
Nhìn vào sự đồ sộ, hoành tráng của 29 công trình cùng lọt vào bán kết, nhiều người lo lắng cho “Những bông hoa nhỏ” của KTS Võ Trọng Nghĩa. Ấy thế nhưng, từ “Cà phê gió và nước” đến một loạt các công trình kiến trúc “tranh tre nứa lá” sau này, đều cho thấy “chất” tiên phong của Võ Trọng Nghĩa trong việc theo đuổi khuynh hướng kiến trúc sinh thái đang được cả thế giới ưa chuộng. Nhờ đó, anh đã có cả một bộ sưu tập các giải thưởng kiến trúc danh giá cả trong nước và quốc tế.
Trường mầm non Những bông hoa nhỏ với tên tiếng Anh “Farming Kindergarten" có sức chứa 500 học sinh. Điểm nổi bật của công trình này đáng để cả thế giới biết đến chính là đem sự hài hòa của thiên nhiên trong lành vào môi trường giáo dục. Mái nhà cây xanh mướt cùng quan cảnh xung quanh vừa là nơi sinh hoạt an toàn, vừa cung cấp thực phẩm nông sản cũng như đem lại nhiều bài học kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cho trẻ em Việt Nam.
Công trình hoàn thành vào tháng 10 năm 2013.
* Nhiếp ảnh Việt Nam cần sự... cô độc
Cũng tham dự và đoạt giải quốc tế, nhưng trong lĩnh vực nhiếp ảnh, việc bức ảnh Buổi sáng mùa đông của Nguyễn Trọng Nghĩa đoạt HCV cuộc thi ảnh Arbella lần 6 (Thổ Nhĩ Kỳ) “giống như đúc” tác phẩm Vó đánh cá của Lý Hoàng Long lại khiến người ta lo lắng.
Đây hoàn toàn không phải sự sao chép tác phẩm của nhau, nhưng lại là một xu hướng đáng quan ngại trong nhiếp ảnh, khi các nghệ sĩ đi sáng tác cùng nhau và cho ra đời những tác phẩm na ná.
Bức ảnh Buổi sáng mùa đông của Nguyễn Trọng Nghĩa
Trên báo Tuổi trẻ, nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long lý giải về sự na ná nhau này: “Tôi với Nghĩa vốn dĩ khá thân với nhau, cuối tuần thường la cà đi chụp đâu đó. Đầu năm 2014 tôi có rủ Nghĩa thực hiện bộ ảnh vó cá tại hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt. Tôi khá am tường khu vực này vì bắt đầu chụp những chiếc vó đầu tiên từ năm 2011. Suốt một tuần chúng tôi thực hiện cả buổi sáng và chiều, nên việc trùng lặp ảnh là đương nhiên”.
Vó đánh cá của Lý Hoàng Long
Cũng trên báo Tuổi trẻ, Lý Hoàng Long còn cho biết năm 2014, khi bức ảnh của anh đoạt HCV cuộc thi Trophy Gipuzkoa ở Tây Ban Nha thì ảnh Buổi sáng mùa đông của Nguyễn Trọng Nghĩa cũng tham gia triển lãm Liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc, giải khuyến khích cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam.
Có lẽ sau những vụ việc như thế này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh nên xem lại hình thức đi thực tế sáng tác. Người ta thường nói đến sự cô độc của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tác. Đối với nhiếp ảnh, sự cô độc này có lẽ còn cần phải thể hiện một cách thực tế hơn: không đi thành hội, thành đoàn, và nếu có đi, xin đừng đứng cùng một chỗ để bấm máy.
Chim Lạc bay như thế nào?
Theo báo Thanh niên, nhiều người dân ở TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) phản ánh, trên tháp giao thông Đông A - QL10 ở cửa ngõ TP này có hình ảnh chim Lạc lao đầu xuống đất.
Hình ảnh chim Lạc trên tháp giao thông ở Nam Định. Ảnh: Thanhnien
Báo Thanh niên cũng dẫn lời ông Phạm Xuân Thụ, Chánh văn phòng UBND TP cho rằng, về hình chim Lạc hướng xuống đất, ông Thụ cho rằng đây là lỗi của đơn vị tư vấn thiết kế. Ông Thụ cũng thừa nhận UBND TP đã tiếp nhận một số ý kiến cho rằng hình chim Lạc bay xuống là phản cảm và sẽ tiếp thu để xem xét, lấy ý kiến của nhân dân rồi điều chỉnh cho phù hợp.
Ai cũng biết, Trống đồng, chim Lạc là biểu tượng văn hóa của người Việt. Cho dù giới nghiên cứu vẫn còn đang đau đầu giải mã biểu tượng đó (nhất là chim Lạc), nhưng về mặt hình thức, thì chỉ cần một cú click vào google thôi, chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng vô vàn mẫu chim Lạc quý giá.
Trên tang trống đồng, chim Lạc được thể hiện bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, tức từ phải sang trái. Có nghiên cứu cho rằng đó là hướng "thuận thiên, hợp địa".
Thật ra, trên một vành trống hình tròn như dưới đây, thì vấn đề quan trọng là chiều bay.
Hướng của chim Lạc trên Trống đồng
Việc thiết kế hình chim Lạc hướng xuống đất (còn về chiều bay thì quan sát qua bức ảnh, tôi không rõ nhìn từ mặt bên kia ra sao) là một sự lựa chọn lạ lùng, hãy khoan suy diễn về mặt ý nghĩa, xét về mặt hình họa thôi cũng đã làm giảm đi vẻ đẹp thanh thoát của đàn chim bay lượn trên vành trống đồng rồi.
Hình ảnh chim Lạc thanh thoát trên trống đồng
Qua vụ việc này, rất mong những người sử dụng các biểu tượng văn hóa cao quý của cha ông phải hết sức thận trọng. Không cứng nhắc đến mức phải sao y bản chính, nhưng sử dụng như thế nào cũng phải tôn lên vẻ đẹp của biểu tượng đó và nhân lên ý nghĩa của nó.
* Biển hiệu quảng cáo: Quy chuẩn không có nghĩa là “đồng phục”
Có những quy định đúng hướng, nhưng lại gây tranh cãi. Đó là việc thiết kế các biển quảng cáo trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn vừa mới khánh thành tại Hà Nội.
Theo một số hộ kinh doanh, các biển quảng cáo ở đây được “áp” tiêu mẫu thiết kế với kích thước biển nhỏ, địa chỉ nhỏ, màu sắc giống nhau và đơn điệu (chỉ có màu đỏ và xanh dương) khiến khách hàng không thể nhận biết được cửa hàng của họ.
Biển hiệu quảng cáo trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn gây tranh cãi vì "đồng phục"
Băn khoăn của của những người bán hàng như vậy là có cơ sở. Chúng ta biết rằng, quảng cáo là lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao cả về nội dung và hình thức, để có thể gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng và qua đó giúp “nhận diện thương hiệu”. Do vậy, việc “đồng phục hóa” các biển hiệu, biển quảng cáo làm giảm đi ý nghĩa của hoạt động này.
Tuy nhiên, với mỹ quan đô thị, thì biển hiệu, biển quảng cáo không thể trăm hoa đua nở, loạn cào cào, ai muốn thiết kế thế nào thì thiết kế. Cũng như kiến trúc – một môn nghệ thuật đề cao tính sáng tạo – nhưng không phải cứ nhân danh sáng tạo mà muốn xây nhà như thế nào thì xây. Trong kiến trúc có hẳn lĩnh vực “thiết kế đô thị” để làm cho đô thị trở nên hài hòa và đẹp mắt hơn nhờ sự hài hòa của các sáng tạo kiến trúc đơn lẻ.
Hiểu như vậy, sẽ thấy rằng việc thiết kế một “chuẩn” biển hiệu, quảng cáo cho các tuyến phố và cho cả đô thị nói chung là cần thiết. Nhưng đó là một cái chuẩn chung, để từng hộ kinh doanh có thể tự do sáng tạo trong khuôn khổ của cái chuẩn đó, chứ không phải là đưa ra một hai cái mẫu rồi áp tất cả các biển quảng cáo vào.
Rất mong rằng từ những khúc mắc trong biển hiệu quảng cáo ở tuyến phố kiểu mẫu, sẽ có thêm những ý kiến từ các nhà chuyên môn, đưa ra các tiêu chuẩn hợp lý, để việc quản lý biển hiệu, biển quảng cáo tại các đô thị của chúng ta trở nên có nề nếp hơn. Và chỉ riêng làm được việc đó thôi, chúng ta cũng sẽ thay đổi được khá căn bản diện mạo của đô thị.
* Quách Ngọc Ngoan làm thơ
Chuyển sang tin tức giải trí. Nam diễn viên nổi tiếng đẹp trai Quách Ngọc Ngoan bỗng dưng nổi máu làm thơ sau khi công khai mối quan hệ với nữ doanh nhân giàu có lớn tuổi hơn là Phượng Chanel.
Cặp đôi Quách Ngọc Ngoan và Phượng Chanel. Ảnh ngoisao.net
Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp người yêu của chàng diễn viên họ Quách như sau (được đăng tải trên ngoisao.net):
"Em người đàn bà có đôi mắt to và luôn nhìn thẳng/ Không thích quanh co bao biện sự đã rồi/ Nhưng sẽ khóc vì một con chim đã chết/ Hay chạnh lòng vì chiếc lá rơi/ Nắc nẻ cười khi thực sự an vui/ Đau khổ trước điều khiến mình thất vọng/ Gặp bất bình sẽ nói lời phản kháng/ Biết dịu dàng trước cây cỏ bướm, hoa/ Em - đàn bà đơn giản được sinh ra/ Để sống đúng bản chất người lương thiện/ Biết trân trọng sinh mạng từ con sâu, cái kiến/ Mơ vẫn làm người nếu có kiếp đầu thai!/ Em - đàn bà đơn giản chỉ thế thôi".
Người ta nói, tình yêu biến mọi người thành thi sĩ quả thực không sai. Bài thơ không cho thấy tài năng thơ phú của chàng trai họ Quách vì nó quá bình thường, nhưng nó cho thấy một góc chân dung của người đàn bà quyền lực trong showbiz mà giờ đang là “sở hữu” của anh.
* Rối nước 2.0 tại Trung Đông
Cuối cùng là một tin quốc tế, Vở diễn rối nước "Isis và Osiris" sẽ được công diễn tại thủ đô Cairo vào 20h (giờ địa phương) ngày 12/5, trước khi tiếp tục đi lưu diễn ở nhiều địa phương trên khắp đất nước Kim Tự Tháp.
Isis và Osiris không phải một vở rối nước của Việt Nam được mang đi lưu diễn nước ngoài như thường thấy (thực tế thì rối nước Việt Nam đã đi khắp thế giới rồi), mà đây là một vở rối nước do các nghệ sĩ nước ngoài thực hiện (dĩ nhiên có sự hợp tác với Việt Nam).
Có lẽ đây là lần đầu tiên, nghệ thuật rối nước được “xuất khẩu” sang nước bạn. Một vở rối nước 2.0.
Đáng tiếc rằng, cho đến nay nghệ thuật rối nước Việt Nam vẫn chưa được lập hồ sơ để được công nhận là di sản thế giớ.
Đông Kinh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất