Phía sau câu chuyện 'nước mắm thạch tín'

24/10/2016 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện 'nước mắm thạch tín' đang từng bước đi tới hồi kết. Theo kết luận mới nhất của Bộ Y tế, 100% các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm đều không có lượng asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép. Và như vậy, nỗi ám ảnh về lượng nước mắm có pha hóa chất hoặc “nhiễm thạch tín” trên thị trường đã được giải tỏa bước đầu.

Người tiêu dùng đã có thể tạm thời thở phào sau gần một tuần hốt hoảng và âu lo, kể từ  ngày 18/10 - thời điểm mà Vinastas (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) đưa ra kết quả khảo sát cho thấy 67% mẫu nước mắm trên thị trường có lượng asen “vượt chuẩn”.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công an cho biết: các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc để kiểm tra, xử lý vụ việc quanh thông tin gây hoang mang dư luận này. Và như lời khẳng định được đưa ra, nếu đây là vụ việc xuất phát từ việc tung tin gây dư luận xấu để cạnh tranh thương mại thiếu lành mạnh, những đối tượng có liên quan sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Nghĩa là, rất có thể, những thông tin chưa đầy đủ (thậm chí là sai lệch) lại đến từ những tính toán có chủ đích và chủ ý.

Thực tế, chưa bao giờ thông tin về thực phẩm bẩn, cũng như những hệ lụy của nó, lại xuất hiện dày đặc trong đời sống của chúng ta như những năm vừa qua. Gần như mỗi tháng, mỗi tuần, bạn đọc đều có thể tiếp xúc với những câu chuyện ấy qua báo chí hoặc internet.

Đó có thể là thực tế từ sự mất cân bằng tạm thời trong một xã hội đang phát triển quá nhanh và quá nóng về công nghiệp. Nhưng ở một góc độ khác, điều ấy cũng cho thấy rõ: khi đời sống phát triển tới mức cao hơn, chúng ta ngày càng quan tâm tới những vấn đề thiết thân trong sinh hoạt hàng ngày - mà ở đây là độ sạch/bẩn của thực phẩm.

Và trong dòng thông tin ấy, bên cạnh những phản ánh có tính chính xác cao, thì cũng không ít lần, chúng ta gặp phải những câu chuyện vô lý hoặc chưa chuẩn xác. Ví dụ như những thông tin về việc bưởi Việt Nam gây ung thư từng xảy ra từ chục năm trước. Hoặc lời đồn thổi khoai lang Việt bị nhiễm chất độc da cam, tới mức có thể chuyển từ màu đỏ nâu sang màu xanh. Hoặc thông tin những hạt gạo bằng… nhựa từ Trung Quốc, những quả xoài có hạt bằng ni lông đang tràn ngập thị trường…

Cứ mỗi lần có những câu chuyện như vậy, ngành quản lý thị trường (và cả báo giới) lại hì hục vào cuộc để xác minh, cho tới khi xác định rằng đó là câu chuyện không có thực.

Nhưng, dù bắt nguồn từ sự “nhanh nhảu” của báo giới, sự hiểu lầm tại thị trường quốc tế (như trường hợp khoai lang), hay đơn giản là tâm lý thích tạo chuyện “giật gân” của một vài người trên mạng, thì chắc chắn người tiêu dùng vẫn chịu hậu quả từ tâm trạng mệt mỏi, băn khoăn trước những luồng thông tin ấy.

Và xa hơn, người nông dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng là người chịu thiệt thòi nhất từ những luồng tin đồn kiểu này. Đơn cử, gần chục năm trước, với câu chuyện “bưởi gây ung thư”, thông tin từ báo giới cho biết: giá bưởi tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị “rớt” từ 8.000 -10.000/kg xuống còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm, nhiều người dân đã phải đốn bỏ cây bưởi vì hiệu quả kinh tế.

Còn bây giờ, với vụ việc “nước mắm thạch tín”, các hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống trên toàn quốc cũng đã chính thức kêu cứu. Và chắc chắn, cho dù sự thật có được cải chính thế nào, họ cũng sẽ phải mất một thời gian dài để vượt qua tâm lý “bán tín bán nghi” vốn phổ biến ở người tiêu dùng.

Cũng cần nói thêm, trước đó, nhiều chuyên gia đã phân tích và chỉ rõ những điểm chưa hợp lý trong cách thông tin của Vinastas về kết quả khảo sát của mình. Ở đó, sự khác biệt giữa asen hữu cơ (thường có trong nước mắm) và asen vô cơ (gây hại cho sức khỏe) đã bị “lướt” qua, dẫn tới cách hiểu đồng nhất khái niệm asen với thạch tín - vốn được coi là “vua” độc hại.

Và, trong thời điểm thông tin về “nước mắm thạch tín” đang gieo rắc kinh hoàng trong dư luận, lời quảng cáo về nước mắm đạt chuẩn “an toàn thạch tín” của một tập đoàn lớn lại được đưa ra một cách không thể nhanh hơn. Nhanh tới mức, người ta phải đặt câu hỏi về sự “kịp thời” như vậy. Tuy mọi chuyện vẫn đang dừng ở giả thiết, trước khi có kết luận cuối cùng. Nhưng chắc chắn, với những gì đã diễn ra, có lẽ chúng ta cũng không thể thờ ơ và bỏ qua việc ngăn chặn những thông tin thất thiệt (dù là vô tình hay cố ý) về thực phẩm bẩn.

Bởi, thực phẩm bẩn nguy hiểm, nhưng sự nhiễu loạn thông tin về nó, lại càng khiến câu chuyện trở nên trầm trọng hơn so với bản chất của nó.

Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm