12/05/2018 21:51 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng, sau những lùm xùm kéo dài vài tuần lễ, ca sĩ Phạm Anh Khoa đã chính thức nói lời xin lỗi.
Lời xin lỗi ấy được nói ra trong cuộc đối thoại giữa Khoa và một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
Khoa, trong những ngày vừa rồi, là tâm điểm của những lời tố “gạ tình” từ vũ công Phạm Lịch và các cô gái khác. Liên tiếp, những lời tố cáo ấy khiến dư luận bất bình trước sự im lặng của anh.
Để rồi, bây giờ thì Khoa xin lỗi, trong một cuộc tọa đàm được tổ chức khá công phu, với thông cáo báo chí được biên soạn rất nhanh sau sự kiện.
Khoa, trong lời xin lỗi ấy, không nêu đích danh một cô gái nào, và cũng không thừa nhận ý định gạ tình. Anh chỉ thừa nhận một số hành vi, lời nói đã nêu đối với bạn diễn, xuất phát từ tính cách bỗ bã, bản năng của cá nhân cũng như môi trường hoạt động khá đặc thù của giới văn nghệ sĩ.
“Nếu tôi có chọc ghẹo, có bất cứ hành động, hành vi nào mà làm tổn thương các bạn thì cho tôi xin lỗi” – đó là thông tin quan trọng nhất từ Khoa, trong cuộc đối thoại ấy.
Và, dù cho chuyên gia của tổ chức này cho rằng những hành động như “vỗ vai, vỗ mông” không phải là bình thường, mà chính là hành vi quấy rối tình dục, thì cuộc đối thoại vẫn đi tới một cái kết rằng: Khoa tự nguyện tuyên bố sẽ tham gia nhiệt tình các hoạt động vì bình đẳng giới, chống quấy rối tình dục do trung tâm này tổ chức.
***
Thực tế, Khoa có cố ý gạ tình “đến nơi đến chốn” hay chỉ chọc ghẹo phụ nữ một cách bỗ bã, thì đó vẫn là câu chuyện về quấy rối tình dục, theo đúng nghĩa của từ này.
Nhưng, ai cũng hiểu: chuyện “bỗ bã” ấy vẫn có một khoảng cách lớn so với việc cố tình tìm cách cưỡng ép người khác quan hệ tình dục – điều mà các "đương sự" đang nói về Khoa.
Và thẳng thắn, dù không hay ho gì, thì sự “bỗ bã” ấy vẫn có thể được dư luận coi nhẹ hơn rất nhiều so với cáo buộc “gạ tình”. Bởi, không chỉ là khoảng cách giữa vô tình và cố ý, đó còn là một thực tế: rất nhiều người đàn ông đã dễ dàng phạm phải cái lỗi khiếm nhã ấy, trong một phút bốc đồng và cao hứng.
Bởi thế, lời xin lỗi của Khoa, cũng là một lời xin lỗi mang tính biện hộ. Và, người ta có quyền băn khoăn: tại sao, Khoa không thể tự nói lời xin lỗi – biện hộ ấy một cách sớm hơn, trong vài tuần lễ trước?
Nếu chỉ là vô tình, thì dù không hay ho gì, câu chuyện của Khoa cũng đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhưng bây giờ, với sức ép mà Khoa gánh chịu, lời xin lỗi - biên hộ ấy bỗng khiến nhiều người trở nên thêm hoài nghi vào những gì anh nói. Hoài nghi và sự chân thành, thẳng thắn và dám đối diện với sự thật nhất. Không phải "nói giảm, nói tránh".
Thậm chí, việc Khoa tự nguyện tuyên bố sẽ tham gia nhiệt tình các hoạt động vì bình đẳng giới, chống quấy rối tình dục cũng chưa chắc có thêm giá trị. Bởi, dư luận có thể dễ dàng chấp nhận một người đàn ông "vô tình khiếm nhã" với phụ nữ, nhưng lại không dễ đặt niềm tin vào một người mà họ chưa đủ tin tưởng vào sự trung thực ở anh ta.
3 chữ “Tôi xin lỗi” có thể sử dụng để xoa dịu ngay cả những lỗi lầm lớn. Nhưng chắc chắn, không phải mọi lời xin lỗi đều có giá trị ngang nhau.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất