Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng: Hãy đi lễ hội theo cách... 50 năm trước

10/02/2017 20:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân gian, PGS.TS Bùi Quang Thắng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về sự lựa chọn trong những chuyến tham dự lễ hội đầu năm của mình.

Đầu năm mới, dư luận sôi sục về những hình ảnh không đẹp về lễ hội. Những hình ảnh đó hầu hết không nằm ở bản chất của lễ hội, mà chủ yếu là do người đời - những người thực hành hay trẩy hội gây ra. Đi lễ hội như thế nào cho đúng, cho văn hóa, văn minh? Cùng báo Điện tử TT&VH chia sẻ cách trẩy hội của một số nhân vật đáng chú ý.

Nhà nghiên cứu, PGS.TS Bùi Quang Thắng nói:

Với tôi, đi lễ đầu năm không phải chỉ để cúng bái. Và thẳng thắn, một lễ hội không thể gọi là giàu văn hóa, nếu chỉ có cảnh người tứ xứ đổ về, nườm nượp đặt lễ, sau đó ăn nhậu rồi... rút lui. Đáng buồn, đa phần du khách bây giờ đều tới lễ hội theo cách ấy.

Vài chục năm trước, chúng tôi đi hội bằng xe đạp. Đến nơi, chuyện cúng bái đôi khi lại không quan trọng bằng việc thong thả vãn cảnh chùa chiền đền miếu, rồi tiếp đó là trải nghiệm các trò chơi dân gian. Xa hơn nữa, từ nửa thế kỷ trước, thế hệ  của các cụ lớp trước còn "biết chơi" hơn. Họ thong thả lên hội từ hôm trước, thuê thuyền đi chơi, ngủ đêm rồi hôm sau mới vào khấn.


PGS.TS Bùi Quang Thắng
Sự thảnh thơi ấy không thể còn ở các lễ hội bây giờ, trước cảnh hàng chục vạn du khách chen chúc đổ về. Bởi vậy, chục năm qua, tôi và bạn bè gần như rất ít khi tới các lễ hội lớn tại miền Bắc như chùa Hương, hội Lim, Yên Tử.

Bây giờ, đi hội xuân, tôi thích tìm tới những nơi mà du khách không quá đông, và các tục hèm, diễn xướng dân gian phần nào còn được bảo tồn. Đặc biệt, những lễ hội diễn ra muộn vào tầm tháng tư âm lịch luôn mang tính chất của lễ hội cầu mưa và có nhiều tục hèm độc đáo.


Theo ông Thắng, Hội Gióng Phù Đổng là một trong những
lễ hội còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa độc đáo


Những lễ hội tôi thường đi là hội Ná Nhèm (Bắc Sơn, Lạng Sơn, ngày rằm tháng Giêng) với tục rước sinh thực khí đẽo từ gỗ; hội Quang Lang (Thái Thụy, Thái Bình, ngày 14/4 âm) với nghi thức rước hình nộm ông Đùng bà Đà; hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội, 13/4 âm) rất đặc sắc , hội làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang, 22/4 âm) với trò vật cầu nước. Hoặc, nếu để chiêm ngưỡng những điệu múa dân gian vô cùng nổi tiếng, chúng ta có thể về Xuân Phả (Thọ Xuân, Thanh Hóa) vào ngày 10/2 âm hàng năm.

Chỉ riêng việc được trải nghiệm không khí tại những lễ hội dân gian này đã đủ mang lại cho những du khách bình thường nhất (chứ không chỉ với những nhà nghiên cứu như tôi) ấn tượng về nét đẹp của văn hóa truyền thống. Chúng ta nên trải nghiệm, để đừng giữ trong đầu ấn tượng rằng hội Xuân chỉ có cách hương khói nghi ngút và chen lấn giẫm đạp nhau...

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm