(Thethaovanhoa.vn) - Mới nghe tin nghề làm tranh Đông Hồ vừa được Bộ VH,TT&DL trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể lập hồ sơ trình UNESCO, tôi vừa mừng vừa buồn.
Mừng vì thêm một di sản quý báu được để tâm, và buồn vì nhớ lại chuyến đi Đông Hồ cuối năm vừa rồi. Tôi sống tại TP.HCM, chưa từng đến làng Hồ trước đây, chỉ xem tranh và đọc về dòng tranh này qua sách. Đi theo bản đồ của Google trên iPad, vòng vèo khá lâu tôi mới đến được con đê vào làng tranh. Con đường dẫn đến làng Hồ quả giống như trong bài thơ Bên kia sông Đuống của thi sĩ Hoàng Cầm, một bên là dòng sông Đuống mùa nước cạn, một bên là cánh đồng hoa cải vàng rực, trên bãi cỏ xanh mướt dọc triền đê là những con bò đang nhàn tản nằm phơi nắng…, đẹp như một bức tranh.
Đông Hồ còn quá ít người giữ nghề làm tranh truyền thống. Ảnh: V.C
Thế rồi tôi cũng đến được đầu làng Hồ. Biển chỉ dẫn rõ ràng. Đầu làng là một ngôi chợ đã hết phiên họp, chỏng chơ lán chõng và rác. Bước thêm vài bước, một bức tường đỏ ghi dòng chữ “Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế”. Cạnh đó là cổng dẫn vào ngôi nhà với cái sân rất rộng của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Trong nhà ông, vài người phụ nữ đang sắp những bức tranh thành xấp. Qua gian nhà chính vào phía sau, một gian bày bán tranh được làm thành các ấn phẩm như tranh treo tường, lịch…; rồi khu in tranh.
Ông Nguyễn Đăng Chế và các con ông đã rất thành công với phương pháp bảo tồn, phát huy dòng tranh gia truyền này khi ông không chỉ tiếp tục làm ra những bức tranh, tạo điều kiện cho người làng vừa có việc làm, vừa gìn giữ nghề truyền thống và bản thân gia đình ông thì hưng vượng. Ông có một phòng trưng bày và bán tranh ở phố Chân Cầm, Hà Nội. Ông còn làm việc với các công ty lữ hành để cung cấp sản phẩm cho khách du lịch nước ngoài. Sản phẩm là một tour xem - làm tranh với giá 300.000 đồng/khách. Khách sẽ được nghe ông giới thiệu về tranh, lịch sử nghề làm tranh, hướng dẫn cách làm và được tự in một bức tranh rồi sở hữu luôn bức tranh đó. Ông còn bán “sản phẩm” này cho sinh viên các trường mỹ thuật với giá hữu nghị hơn, 200.000 đồng…
Cạnh nhà ông Chế là nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Căn nhà khiêm tốn hơn với lối kiến trúc nhà ống cửa kính như nhà trong phố ở Hà Nội. Tranh treo khắp nơi nhưng không có người làm. Tiếp tôi là cháu nội ông Sam, một thanh niên tuổi khoảng đôi mươi. Ông cụ đang nghỉ trưa. Thấy tôi có ý đi tiếp vào làng, chàng thanh niên bảo: “Trong làng không còn ai làm tranh đâu ạ”.
Đúng thật. Làng đã như phố, nhà ống san sát, hàng quán trải khắp, rác rến. Đúng là không còn cửa hàng hay xưởng tranh nào nữa. Thứ tôi thấy nhiều nhất ở đây là những cửa hàng bán đồ hàng mã. 90% dân làng Hồ đang làm nghề hàng mã.
Về Hà Nội, tôi lên mạng tìm thông tin về làng tranh Đông Hồ. Tất thảy chỉ thấy 2 nhân vật: nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Làng Hồ chỉ còn là thế. Nghề tranh chỉ có bấy nhiêu người gìn giữ.
Nếu được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hay trình lên tận UNESCO, thì nghề tranh sẽ được giúp đỡ như thế nào để thực sự trở thành một “làng tranh”?
Thiên Bình (doanh nhân)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần