Ngẫm ngợi cuối tuần: Nợ một lời cám ơn

14/12/2013 10:04 GMT+7

(Thethaovanho.vn) - Mấy chục năm qua rồi, hình ảnh duy nhất của anh để lại chỉ là cái dáng thấp, mập, tạo cho anh có cái tên kép “Chí  lùn” để khỏi lẫn với vài ba ông chí choét khác.

Anh người Hà Nam lên khai hoang phá rậm vào những năm 1960, khi có những chiến dịch di dân từng làng từ miền xuôi lên miền núi.

Anh Chí là ủy viên thường trực của ủy ban - cái thời còn con triện hình chữ nhật, đóng dấu bằng mực dầu đen, triện làm bằng gỗ thừng mực - là người trong số dân di cư lên đó.

Khi tốt ngiệp phổ thông thi đại học trượt tôi trở về nhà với cái cày. Ngày ngày theo đuôi  trâu, đánh vật với đất ruộng. Lại bắt đầu làm quen với đủ thứ việc nhà nông: đan lát, câu cá, đánh lươn, bắt cua  bắt ếch. Nông dân là thế,  suốt ngày mò mẫm trên đồng. Tối về đi ngủ gót chân còn dính bùn.

Thỉnh thoảng tôi làm thơ con cóc, châm chích những thói xấu ở quanh xóm làng rồi gửi cho báo, gọi là thơ phê bình. Đôi khi cũng được in, được nhận báo biếu và nhuận bút. 


Mỗi lần bưu điện gửi đến cho cái giấy lĩnh tiền thì phải lóc cóc lên gặp anh Chí xin anh ký và đóng cho con triện chứng nhận để xuống bưu điện nhận nhuận bút.

Mỗi lần như thế, anh Chí ngó mặt tôi, anh để ý bài thơ biếm, bức tranh vui có in tên tôi với cặp mắt tò mò, như để đối chiếu xem tên có đúng là tên của cái thằng đứng trước mặt anh không.

Một lần vừa đóng mộc, nhìn sang tôi, anh bảo: Chú mày thế mà có tài. Tôi chả biết nói gì.

Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, tôi trình anh tờ giấy báo đỗ, anh mừng ra mặt, nói nhanh: Làm hồ sơ lý lịch rồi đưa đây anh chứng nhận cho mà đi. Đừng có nói gì với ai đấy. Nhớ nghe không.

Tôi láng máng biết rằng trong giảm tô cải cách, gia đình tôi chỉ là tá điền mà bị nâng thành phú nông, thuộc tầng lớp bóc lột, là lý lịch có vết đen. Sau hai năm sửa sai hạ xuống trung nông nhưng cái án phú nông vẫn chưa tẩy hết trong đầu mấy ông  ở xã. Nếu họ biết, dễ bị gây khó khăn!

Tôi làm theo anh.

Buổi áp con dấu xác nhận vào hồ sơ cho tôi đi học, gương mặt anh rất thư giãn: Đi đi, tài như chú ở quê cũng phí.

Tôi thầm biết ơn anh, nhưng chả biết nói gì.

Ra trường, nhận công tác. Mấy năm bom đạn liên miên, mỗi lần có việc đảo qua nhà chỉ chốc lát. Hôm nhớ ra anh Chí, thu xếp được thời gian định đến thăm thì cô em gái bảo: Bác Chí mất 2 năm nay rồi. Giờ anh mới biết à. Tôi sững cả người.

Đến hôm nay trong đầu tôi vẫn canh cánh nhớ anh Chí mỗi khi nhìn về quê hương. Tôi vẫn nợ anh một lời cảm ơn mà không biết nói vào lúc nào nữa.

Bài và ảnh: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm