14/05/2016 12:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nối Thái Nguyên và Tuyên Quang là đèo Khế. Dưới chân đèo có xã Yên Lãng, có người đùa bảo tên đó nghĩa là nơi yên bình nhưng đã bị lãng quên.
1. Tôi được bố cho biết Yên Lãng xưa là vùng ma thiêng nước độc. Ma Yên Lãng nhiều và dữ dằn vì toàn ma trẻ chết đói chết khát. Còn nước suối Trà thì độc, ai không biết, lội qua thìlông chân rụng hết…
Cầu Trà được bắc trên con suối Trà rộng vài mét. Cầu gỗ, những thanh gỗ loại tứ thiết dày to như thanh tà vẹt. Đến giờ thì được xây bằng bê tông.
Hai đặc điểm ấy hình thành câu thành ngữ “Nước cầu Trà, ma Yên Lãng”. Chỉ nghe tên đất là người ta liên hệ ngay đến câu thành ngữ với đầy sự lo ngại.
Tìm hiểu ngọn ngành mới biết, trên đầu ngưồn suối Trà trước đây có một rừng lim cổ thụ. Lim nằm trong nhóm tứ thiết mộc (đinh-lim-sến-táu) nhưng thân lá nó chứa nhiều chất độc. Lá lim rụng xuống suối đầu nguồn, thải ra chất độc nên dòng suối vắng bóng tôm cá phù du, chẳng con gì sống được kể cả đến con cua con ếch. Bởi vậy mà dòng nước luôn trong vắt, ban ngày nhìn thấu tận đáy vì không có sinh vật gì khuấy đảo. Cái đẹp của sự chết chóc cũng đặc trưng lắm!
Nhiều người chết nghe bảo cũng vì lẽ đó, nước độc. Khi xưa có đâu bệnh viện, ốm đau quá lắm thì dùng nam dược,được chăng hay chớ chứ biết bấu víu vào đâu?
Câu “Nước cầu Trà, ma Yên Lãng”…cho hay rằng từ xưa, ông cha mình đã nhờn nhợn nhận ra cái độc hại của môi trường, và báo động trong xã hội bằng câu thành ngữ dễ nhớ cho mọi người đề phòng.
Bây giờ, rừng lim không còn, cầu Trà trên đường quốc lộ được xây xi măng vững chắc, không ai phải lội suối. Nhưng nước suối giờ không độc,có lội qua cũng không rụng lông chân.
2. Tôi hỏi lại người đương thời tuổi trên dưới bốn mươi bây giờ thì câu thành ngữ hầu như ít người biế .
Câu thành ngữ mờ dần trong dân gian, nhưng cái độc hại ở môi trường thì không bao giờ hết. Nó như sự cân bằng giữa sống và chết, như quy luật ngày và đêm…Hóa ra chẳng bao giờ hết được.
Cuộc sống cứ luôn trôi về phía trước. Bây giờ người dân lại phát hiện đầu nguồn suối Trà có mỏ quặng.
Như kiến đánh hơi thấy mùi đường sữa. Chẳng bao lâu người tứ xứ kéo đến như mối. Người ta khoét sâu vào lòng đất, người ta nghe ngóng tăm tia tìm kiếm…
Suối Trà không trong xanh như xưa nữa. Giờ nó đục ngầuvì đầu nguồn người ta rửa đãi quặng. Ma thiêng còn không thì không biết, nhưng nước độc thì lại trở về. Thiên nhiên không tự gây ra thì con người tự gây ra trong hành trình kiếm sống.
Cuộc sống cứ nợ đồng lần nhau như thế.
Thành ra câu “Nước cầu Trà, ma Yên Lãng” giờ lại trở về giá trị cũ khi nguồn nước dùng cho đào đãi quặng xả ra bao nhiêu chất phụ gia độc hại cho vùng đất chẳng khác lá lim xưa.
Trước nước trong độc, giờ đục nước cũng độc. Trước do thiên nhiên, giờ do con người. Khi ta khai thác tài nguyên thì cũng là lúc gây ngộ độc cho thiên nhiên.
Lại nhớ về một thành ngữ khác: “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.
Cuộc sống là thế đấy.
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất