03/01/2012 14:48 GMT+7
(TT&VH) - Nhớ tuổi nhỏ, trong những ngày gần Tết, tôi cùng lũ bạn rủ nhau kéo tới nhà ông giáo Bảy. Đó là một ngôi nhà tranh vách đất nằm lẻ loi giữa đồng ruộng xanh rờn.
Phàm nhiều trẻ nhỏ kéo tới, ắt phải có cái gì đặc biệt hấp dẫn ở đó. Đúng vậy. Đó, chính là đoạn đường vàng bông vạn thọ từ cổng vào nhà ông giáo Bảy. Đoạn đường ngoằn ngoèo dài cả trăm mét. Đứng xa nhìn cứ như một con rồng màu vàng lốm đốm vảy xanh đang bay lượn.
1. Mục đích chúng tôi tới là để được đi và được đi. Nghĩa là bước qua bước lại và bước mãi không ngừng trên đoạn đường có vô vàn bông vạn thọ cao ngang đầu, vàng đến nhức cả mắt.
Còn nhớ có lần ông giáo Bảy thấy bọn tôi đi qua lại như thế, ông ngừng đọc sách, nhưng thấy bọn tôi không phá bông, ông yên tâm đọc sách tiếp. Một chặp sau, ông ra cửa, hỏi to: “Các cháu không ngủ trưa à?”.
Nghe thế, bọn tôi nhìn ông và cười sặc sặc. Những cái cười của bọn tôi như muốn trả lời rằng: “Quả là một câu hỏi kém cỏi. Trẻ nhỏ có bao giờ ngủ trưa đâu mà hỏi”.
Thấy bọn tôi cười lạ lùng, ông giáo cũng cười lạ lùng: “Các cháu nhởn nhơ giữa rừng bông vạn thọ, thấy có sướng trong người không?”.
Bọn tôi đồng loạt hít hít mạnh lỗ mũi, ríu rít trả lời: “Sướng... Hai mắt thấy vàng vàng. Mũi nghe thơm mùi thuốc Nam”.
Ông giáo như được tiếp lửa trẻ thơ: “Đây, đây - ông đứng dậy đi vội vào nhà lấy mấy thỏi cốm to bằng viên gạch - chia ra mỗi đứa một miếng. Nhai chậm chậm cho khỏi bị nghẹn. Chưa Tết nhưng ông phải lì xì trước, để bông vạn thọ của ông được vàng rực rỡ”.
Thế là bọn tôi vừa ăn cốm vừa tiếp tục nhởn nhơ qua lại trên con đường vàng bông vạn thọ.
2. Sau này tôi mới biết, bông vạn thọ của ông giáo Bảy là loại bông thuần chủng vạn thọ "xôi in".
Xôi in là sao? Xin thưa, người ta bới đầy hai chén xôi ụp vào nhau, nén và xoay, rồi lấy ra một chén không. Chén còn lại, xôi nhô lên cao rất tròn trịa, đẹp mắt vô cùng. Chén xôi in là chén đặc biệt dùng để cúng Phật.
Những tia bông nhỏ xíu cứ như hạt xôi chen chúc nén chặt vào nhau, trông như chén xôi in. Người trong xóm cũng trồng bông vạn thọ nhưng không thuần chủng xôi in như của ông giáo Bảy.
Ông giáo Bảy thường bảo: “Bông vạn thọ xôi in là loại bông toàn sắc vàng rực và tròn trịa. Vạn thọ là giống bông nhà nghèo, phúc hậu, lâu tàn, không khoe sắc. Đó là lý do người ta thường dùng để cúng Phật”.
3. Nay, ông giáo Bảy đã theo người thiên cổ, đoạn đường vàng bông vạn thọ không còn nữa. Giờ đây, đoạn đường vào nhà ông giáo đã bị cắt lô, con cháu cất nhà san sát. Chẳng thấy bông vạn thọ đâu cả, chỉ thấy hàng rào kẽm gai, trụ xi-măng và xe máy. Tết họ mua bông Đà Lạt đẹp sặc sỡ để cắm bình. Phong cách quê hương dân dã và đằm thắm của ông giáo đã không còn.
Tôi nhớ đến đoạn đường bông vạn thọ của ông giáo Bảy. Tôi nhớ con rồng vàng bay lượn ở nhà ông giáo, nơi tuổi thơ tôi cứ tha thẩn ở đấy.
Các bạn thơ ấu của tôi ngày trước, nay đã phiêu bạt nhiều nơi, nhưng chắc chắn cũng như tôi, con đường vàng bông vạn thọ vẫn sống mãi trong tâm thức. Con rồng vàng vảy xanh, thơm mùi thuốc thuốc Nam ấy vẫn cứ tiềm sinh lâu dài trong ký ức...
Nhà văn Ngô Phan Lưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất