Khi phượt thủ 'phá' nhiều hơn 'khám'

27/09/2017 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, khi báo chí đưa tin vụ các phượt thủ (du lịch tự khám phá) đập chóp tọa độ của núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, trên mạng đã có những lên án kiểu như: “Dân phượt - nghĩ mà sợ!”. Đây không chỉ là giọt nước làm tràn ly một vài lần, bởi “chuỗi thành tích” phá hoại của các phượt thủ dài hơn cả một tờ sớ và trải dọc từ Nam chí Bắc.

Vụ phá chóp tọa độ trên đỉnh Bà Đen không là việc hiếm gặp. Nhìn ngược lại trước đây, có thể thấy những vụ tương tự như phá hủy xác xơ những cánh đồng tam giác mạch ở tỉnh Hà Giang; nhổ cờ, bứng chóp tọa độ trên đỉnh Fansipan đem đi giấu; khắc vẽ “lưu niệm” lên những viên gạch cổ ngàn năm ở các tháp Chăm tại Bình Định… Thường xuyên hơn là ở Đà Lạt gần đây, các phượt thủ trẻ trẻ đến chụp hình lưu niệm tại các vườn hoa cẩm tú cầu xong thì nhìn lại chỉ còn vườn mà không còn hoa.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi họ đi xong thì thường để lại sau lưng mình những rác thải sinh hoạt. Điều này khiến dân bản địa khi nghĩ tới hai chữ “phượt thủ” là lại rùng mình và lắc đầu ngao ngán.

Chú thích ảnh
Chóp núi Bà Đen bị đập móp. Ảnh: Hoàng Mến - báo Tuổi Trẻ

Vì đâu nên nỗi này? Trước hết có thể thấy các bạn trẻ dường như đi phượt ngoài đời thật nhưng lại có tư duy sống ảo nhiều hơn. Họ đến những nơi nổi tiếng hoặc đặc sắc về phong cảnh, văn hóa để chụp hình, check-in sống ảo trên mạng xã hội nhằm khoe với bạn bè nhiều hơn là nhu cầu khám phá cái hay, cái đẹp thật sự ở nơi mình đến.

Họ đến vì sự ích kỷ của bản thân chứ không vì say mê cái đẹp nơi mình đang đến. Phượt, nếu thật sự đúng nghĩa chẳng những giúp quảng bá tốt cho hình ảnh quê hương đất nước, mà hơn hết, nó còn làm cho chính tâm hồn, văn hóa của những người đi phượt được giàu lên sau mỗi chuyến đi, sau mỗi nơi mà họ dừng chân.

Tuy nhiên chính sự sống ảo kèm sự đua đòi “xuất hiện” cho bằng bạn, bằng bè mà lại thiếu sự tôn trọng, thiếu những kỹ năng hành xử văn hóa căn bản đã biến những chuyến đi bổ ích của các bạn trở thành những chuyến đi nhức đầu cho dân địa phương. Còn có những phượt thủ muốn điều mà mình nhìn thấy, chạm đến sẽ là độc nhất vô nhị, nên muốn thay đổi hiện trạng bằng cách tẩy xóa, đập phá, thậm chí thủ tiêu.

Nữ tiến sĩ, phượt thủ và chuyện ‘đàn bà thì phù phiếm’

Nữ tiến sĩ, phượt thủ và chuyện ‘đàn bà thì phù phiếm’

Sáng 15/7 tại Đường sách TP.HCM, có buổi giao lưu và ra mắt sách ‘Đàn bà thì phù phiếm’ (Saigon Books và NXB Phụ nữ ấn hành) của nữ tiến sĩ Hà Thanh Vân.

Thật ra, từ phượt dùng chỉ những người đi du lịch tự túc và ngẫu hứng, họ thích khám phá vùng đất mà mình tới một cách tự do và thoải mái nhất. Đó là cái ngưỡng mà việc tham quan, du lịch theo tour không thể hoặc khó có thể đạt đến được. Và theo đúng như nghĩa này thì những người đi phượt (thường là người trẻ) sẽ chính là những người hiểu sâu hơn về phong cảnh, văn hóa… những cái đẹp từ lộng lẫy đến bình dị nhất của quê hương, đất nước mình. Chính vì ý nghĩa đẹp đẽ này mà hơn 10 năm qua đã có nhiều người trẻ đua nhau đi phượt. Từ những chuyến đi đó đã có những hình ảnh, những cuốn sách tích cực về quê hương, đất nước, ngành du lịch cũng thêm hưởng lợi từ những quảng bá vô tư, khách quan đó.

Nhiều bạn trẻ cho rằng nên đi phượt khi còn có thể, nếu không sẽ phí nửa đời người. Đúng, nhưng với điều kiện mỗi chuyến đi phải làm cho mình trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều điều thú vị hơn và đặc biệt là phải tôn vinh, quảng bá được cái đẹp nơi mình khám phá. Còn nếu đi như nhiều trường hợp đáng phê phán như báo chí, mạng xã hội đã nêu thì chẳng những bạn phí mất nửa đời tuổi trẻ, mà còn đánh mất luôn nửa suy nghĩ và ứng xử lành mạnh trong lối sống của chính mình.

Tiểu Mục Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm