12/03/2018 07:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tất nhiên, đó không phải là những chuyến tàu điện từ thời Pháp, đã từng bị dỡ bỏ tại Hồ Gươm từ thập niên 1990, cho dù thực tế, trong tương lai, một mô hình tàu điện này (kết hợp với quán cà phê) cũng đang được nghiên cứu dựng lại ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để phục vụ những người hoài cổ.
Tàu điện ở đây là loại “tàu điện hiện đại”, nhanh hơn và và chạy ngầm hoàn toàn ở độ sâu 17 mét so với mặt đường. Loại phương tiện (vẫn được gọi là metro) ấy chưa từng có ở Việt Nam, dù đã khá phổ biến ở một số đô thị lớn trên thế giới.
Nhưng bây giờ, thì Hồ Gươm sắp có metro. Đúng hơn, sắp có một nhà ga ngầm trên hành trình của tuyến metro chạy qua đây.
Tuyến metro, như dự kiến, sẽ kéo dài hơn 40 km từ sân bay Nội Bài, qua Hồ Gươm và khu phố cổ rồi vòng về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Nghĩa là, trong tương lai, khách du lịch và những người dân ở phía Nam Hà Nội đều có thể tới đây chỉ với thời gian trên dưới nửa tiếng đồng hồ.
Và sáng 9/3, bản thiết kế nhà ga metro C9 tại Hồ Gươm cũng đã được trưng bày để lấy ý kiến nhân dân, trước khi tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt. Theo bản thiết kế ấy, nhà ga này sẽ ở sát cạnh Hồ Gươm, gần tới mức chỉ cần bước khỏi ga theo 4 cửa lên xuống là chúng ta lập tức nhìn thấy cầu Thê Húc và Tháp Rùa.
Dù biết trước, rằng một công trình hiện đại và đòi hỏi kỹ thuật cao như metro không thể hoàn thiện chỉ trong một sớm một chiều, vậy nhưng người dân Hà Nội vẫn thấy khấp khởi và hy vọng về viễn cảnh tương lai ấy.
***
Nhưng, nếu bình tĩnh để suy nghĩ, câu chuyện về ga metro tại Hồ Gươm vẫn còn những chuyện để bàn tiếp.
Ít người biết, ý tưởng về một ga metro đã từng được nhắc đến cách đây tròn 10 năm, lúc đó Hà Nội phối hợp cùng phía tư vấn JICA (Nhật Bản) lập quy hoạch cho tuyến đường sắt đô thị này. Rải rác từ đó tới nay, khá nhiều tranh luận đã diễn ra, quanh vị trí đặt và thiết kế của nhà ga.
Nhiều người đã lên tiếng lo ngại về khả năng việc xây dựng nhà ga sẽ gây ảnh hưởng tới hệ thống cây xanh, cũng như các kiến trúc hiện có quanh không gian văn hóa - lịch sử này. Để rồi, tiếp thu những phản biện, vị trí đặt nhà ga ngầm đã được đặt lùi xuống vài trăm mét, thay vì nằm trước cửa đền Ngọc Sơn như đề xuất cũ.
Thế nhưng, nếu vấn đề này được giải quyết, thì một lo ngại khác vẫn tồn tại ở bản quy hoạch đang trưng bày: khả năng gây… ùn tắc giao thông và phá vỡ không gian tĩnh lặng quanh Hồ Gươm từ một lượng hành khách khổng lồ lên xuống mỗi ngày.
Bởi, dù có tới hàng chục ga khác, chắc chắn vị trí tại Hồ Gươm vẫn là “tâm điểm” của tuyến metro này - vốn có sức tải dự kiến là hơn 500.000 người/ngày trong giai đoạn 1 và hơn 750.000 người/ngày trong giai đoạn sau.
Do vậy, nhiều nhà quy hoạch và kiến trúc sư đã cảnh báo: ga C9 nên được tính toán để “lùi xa” Hồ Gươm khoảng 200, 300 mét. Và thực chất, tại cuộc trưng bày vừa qua, phía dự án cũng đã trưng bày cả phương án 2 mà JICA từng tư vấn. Theo đó, thay vì đi xuyên khu phố cổ qua Hồ Gươm, tuyến metro sẽ vòng ra đường Trần Nhật Duật, qua Nguyễn Hữu Huân và đặt ga tại vị trí vườn hoa Con Cóc.
Có mặt tại buổi trưng bày, một số chuyên gia tỏ ý tiếc nuối về việc phía dự án đã không duyệt phương án này. Như lời của KTS Trần Huy Ánh, ga tàu điện không cần “tiện dụng” tới mức… áp sát Hồ Gươm như thế. Thay vào đó, khoảng cách 200, 300 mét đi bộ không phải là trở ngại với du khách, nhưng lại là đủ để giữ được sự yên tĩnh, trầm mặc của hồ, vừa có đủ khoảng lùi để phân tán hành khách từ ga ra những hướng không gian khác nhau.
Vẫn biết, phía dự án có những lý do để chọn phương án hiện tại. Nhưng, khi tất cả mới chỉ đang trong quá trình chuẩn bị, chúng ta vẫn có quyền cân nhắc, bàn thảo về một lựa chọn sáng suốt nhất, trong khi Hồ Gươm chờ tàu điện.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất