Học để có nghề có nghiệp

29/06/2016 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  Vài ngày nữa, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra. Theo thông tin vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố, một phần ba số học sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, tức là nhiều em chủ động từ chối cơ hội thi vào các trường đại học, cao đẳng để đi học nghề.

1. Không thể chụp mũ rằng do trình độ chung của các em thấp hơn những năm trước nên các em không dám bước tới ngưỡng cửa đại học. Mà điều này chứng tỏ rằng cha mẹ và chính bản thân các em học sinh đã thực tế hơn với tương lai của mình. Quan niệm học chữ quan trọng hơn học nghề đã dần trở nên lỗi thời.

Có thể nói, dằng dai rất nhiều năm, nền giáo dục chúng ta rơi vào khủng hoảng với muôn vàn vấn đề đặt ra khi đất nước hội nhập. Giáo dục chạy theo thành tích, học vấn giả tạo, chạy trường, chạy thầy, chạy điểm, chạy tuyển sinh... khiến toàn dân mệt mỏi.

Cả tri thức và kỹ năng đều bất cập với quá tải giáo điều, nhồi nhét lý thuyết, đọc chép sách vở, kỹ năng thì qua loa, thực hành chỉ hình thức... Chất lượng học sinh, sinh viên ra trường, những sản phẩm của công nghệ giáo dục không đáp ứng được nhu cầu xã hội dẫn đến thất nghiệp, không làm được việc.


Các thí sinh trong phòng thi tốt ngiệp Trung học phổ thông. Ảnh: TTXVN

Trải nghiệm của hàng triệu học sinh, sinh viên hóa thành những lo âu và tương lai và chủ yếu do người lớn hoạch định, đầy rủi ro.

Nhiều nguyên nhân tác động đến quyết định của các em ở kỳ thi này, không thể không kể đến thực trạng của đất nước hiện nay khi hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Đó là những đợt tinh giản biên chế dồn dập từ bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh với không ít người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Thị trường đang cần những người thợ lành nghề, để không rơi vào cảnh thất nghiệp, lối ra chính là trường nghề.

Các em “làm thợ”, trở thành một công nhân tốt trong guồng máy xã hội công nghiệp vận hành hối hả còn hơn là hy vọng “làm thầy” với một tương lai bất định, cơ hội hạn hẹp. Vì thế việc ngày càng nhiều học sinh phổ thông không lao vào thi đại học là thay đổi vô cùng tích cực với bất cứ nền giáo dục nào.

2. Nền giáo dục chúng ta cần trở nên thực tế hơn. Không nói cao xa, chỉ cần chiếu theo bốn trụ cột của UNESCO về Giáo dục cho thế kỷ XXI là: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để sinh tồn, chúng ta đủ hiểu giáo dục gần gũi thế nào.

Nó đơn giản là dạy và học những gì mà cuộc sống cần, xã hội cần chứ không phải những gì mà người thầy có.

Nỗi buồn cử nhân

Nỗi buồn cử nhân

Một năm học nữa khép lại, phần lớn các em học sinh bắt đầu nghỉ hè trước khi bước vào những khóa học thêm. Còn với những em học sinh cuối cấp THPT, họ chuẩn bị cho một lựa chọn bước ngoặt cuộc đời vào đại học, đi học nghề...


Chẳng nói thế giới, ngay ở Việt Nam từng có câu “Học là học có nghề có nghiệp” trong Bài ca cổ động thực học của trường Đông Kinh nghĩa thục từ trăm năm trước. Các sĩ phu cấp tiến đã mạnh dạn gạt bỏ con đường tiến thân duy nhất nhờ khoa cử, theo lối tầm chương trích cú để đoạt bảng vàng, thăng tiến trên hoạn lộ. Những người Đông Kinh nghĩa thục đã nhìn ra một con đường giáo dục tiên tiến, hợp xu hướng thời đại mới: “Học là học có nghề có nghiệp”. Nhưng tiếc rằng, Đông Kinh nghĩa thục tồn tại chưa được 1 năm.

“Thực học” đối với các nước tiên tiến từ lâu đã trở thành lẽ đương nhiên không cần đề xướng. Nhưng đối với Việt Nam, nơi mà truyền thống học để thi đỗ làm quan cùng với tệ nạn dạy giả, học giả để đạt những giá trị giả mà lấy bằng cấp thật thì việc nhấn mạnh thuộc tính này là rất cần thiết.

Những bức bách có thể nói là trầm kha, không thể “chịu đựng” được nữa đã đưa tới các nghị quyết về cải cách, đổi mới giáo dục đào tạo với ba cụm từ nổi bật là Căn bản - Toàn diện - Triệt để. Và chúng ta có quyền hy vọng những thay đổi, để không lặp lại điệp khúc đau lòng: Tốt nghiệp = Thất nghiệp với hàng trăm nghìn bạn trẻ.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm