Hố tự kỷ trong 'Bố ơi mình đi đâu thế?' và sự vô tâm của truyền hình thực tế

17/10/2015 05:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi truyền thông đưa tin về việc Mạng lưới Người tự kỉ Việt Nam (VAN) lên tiếng phản ánh về nội dung chương trình truyền hình thực tế Bố ơi mình đi đâu thế? có nội dung gây ảnh hưởng đến người tự kỉ, sau 2 ngày VFC vẫn chưa có câu trả lời.

Liên lạc với anh Hoàng Dương, phụ trách truyền thông của VFC, anh cho biết hiện Giám đốc VFC là đạo diễn Đỗ Thanh Hải đang đi công tác, nên VFC vẫn chưa thể có câu trả lời chính thức về vụ việc này.

Trong tập 18 phát sóng ngày 10/10/2015, khám phá đảo Kim Cương, các cặp bố con tham gia phần thi “Vòng xoay kim cương”. Trong vòng xoay kim cương, có các ô “Hên xui”, “Thư giãn”, “Tấn công”, “Hố tự kỷ”… Nếu cặp bố con nào xoay vòng trúng phải ô Hố tự kỷ thì sẽ phải xuống đứng dưới một cái hố do chương trình đào.

Trong tập 18, có lúc cả người lớn và trẻ con cùng nhảy lên hô “hố tự kỷ, hố tự kỷ” với mong muốn một gia đình nào đó quay trúng ô này. Vì chương trình thiết kế trò chơi như vậy, nên người chơi không thể không nhắc đến "hố tự kỷ". Mật độ từ “tự kỷ” xuất hiện dày đặc trong tập này.


"Hố tự kỷ" trong chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?"

Bên cạnh câu chuyện này, thời gian vừa qua, video “Bài diễn thuyết tâm đắc nhất của Quách Tuấn Khanh – tình yêu” của diễn giả Quách Tuấn Khanh được đăng tải trên mạng Youtube đã bị cộng đồng người khuyết tật lên tiếng phản đối.

Diễn giả này sau đó đã gỡ video và đăng thông tin trên facebook để giải thích: "Trong bài đăng và video về tình yêu tôi có nói: "Ai tin đi tìm người mình yêu tức là đi tìm nửa còn lại của mình đâu giơ tay lên? Bạn là người "khuyết tật'". Bạn chưa bao giờ nguyên vẹn cả". Ý tôi trong bối cảnh bài nói chuyện này là nói tới người "khuyết tật về tâm hồn". Hoặc có lẽ nếu tôi dùng từ "khiếm khuyết" về tâm hồn thì sẽ dễ đón nhận hơn".

Còn nhớ, trong chương trình Vietnam Idol 2010, giám khảo Siu Black vì “vạ miệng” đã rơi vào scandal không đáng có. Sau phần trình diễn của thí sinh Sơn Lâm, Siu Black nói: “Cuộc thi này nó có một cái gì đó phải đòi hỏi em phải nhiều hơn. Nếu như em tham gia một chương trình nào đó mà dành cho các bạn khuyết tật thì chị nghĩ rằng là mọi người sẽ rất là thích em”. Dù Siu Black không có ý gì, nhưng cách nói của chị vô tình đã làm tổn thương Sơn Lâm và gây bức xúc lớn cho thí sinh này.

Trên thực tế, trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người Việt có thói quen dùng những ngôn từ ít nhiều ảnh hưởng đến người khuyết tật, người tự kỷ, những người khiếm thị, khiếm thính. Đó là thói quen chưa đẹp trong văn hóa ứng xử.

Những vụ việc như của diễn giả Quách Tuấn Khanh, hay Siu Black là những vụ việc liên quan đến phát ngôn, ngay cả những người có kinh nghiệm giao tiếp như những diễn giả, người nổi tiếng khi phát ngôn khó tránh khỏi sai sót. Bố ơi mình đi đâu thế? là một chương trình truyền hình thực tế phát lại, những người làm chương trình có đủ thời gian để tư duy, thiết kế chương trình, biên tập. Thật đáng tiếc, khi một chương trình được đánh giá là có ý nghĩa giáo dục, nhân văn lại thiết kế một sự cố vô tâm đến vậy.

Trích thư ngỏ của mạng lưới "Người tự kỷ Việt Nam" (VAN) gửi tới ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, đơn vị sản xuất chương trình Bố ơi mình đi đâu thế?.

“Nội dung của chương trình đã vô tình tạo ra nhận thức sai về tự kỷ, cổ vũ cách dùng từ tự kỷ để chỉ trạng thái cô độc, lập dị, và cũng vô tình tạo ra định kiến không hay về khuyết tật tự kỷ. Điều này không phù hợp với với những giá trị nhân văn mà tất cả chúng ta đều hướng tới, nó cũng trái với khuyến nghị nói trên của Liên hợp quốc”.

“Đồng thời, chúng tôi băn khoăn về giá trị giáo dục của chương trình, vì qua đây con trẻ không được giáo dục về ý thức cảm thông và chia sẻ vời người khuyết tật".

Linh Lan


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm