21/09/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tết Trung thu của năm 2021 đã đến với chúng ta trong giai đoạn căng thẳng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Từ 2 tháng qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước bắt buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Để rồi, trong những ngày qua, khi các biện pháp phòng dịch tại một số khu vực thuộc Hà Nội và TP.HCM được nới lỏng, chúng ta bỗng thấy lại một cảnh tượng vốn phổ biến trong những năm trước: những dòng người rồng rắn xếp hàng trước một vài hiệu bánh Trung thu lớn. Cảnh tượng này để lại những lo lắng nhất định về sự an toàn mùa dịch...
So với những năm trước, cảnh “trảy hội” tấp nập trên phố phường, cũng như những lễ hội trông trăng đầy màu sắc, đã không còn diễn ra ở nhiều đô thị. Năm nay, với rất nhiều gia đình, Tết Trung thu hẳn sẽ được “gói gọn” vào mâm cỗ trông trăng. Và một cách tự nhiên, hẳn ai cũng muốn sở hữu vài cặp bánh ngon để cả gia đình cùng thưởng thức trong cái Tết Trung thu trầm lắng. Dầu vậy, việc hạn chế tập trung đông người và đảm bảo nghiêm túc thông điệp 5K cùng các quy định phòng chống dịch khi mua bánh thì vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Song khi chứng kiến nhu cầu mua bánh Trung thu rất lớn thể hiện qua cảnh xếp hàng ấy, chúng ta không khỏi nghĩ về sự thay đổi của loại vật phẩm đặc trưng cho rằm tháng 8 này.
Đầu những năm 2000, bánh Trung thu không có sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã và cả giá bán như bây giờ. Những loại bánh cơ bản mà chúng ta ăn vẫn là bánh nướng và bánh dẻo “truyền thống” với nhân thập cẩm hoặc ngũ vị - nếu không tính đến loại bánh nhân trứng muối vốn phát triển dần từ các tỉnh phía Nam vào giữa thập niên 1990.
Để rồi, khi chất lượng đời sống dần thay đổi, bánh Trung thu cũng được cải biến dần để chiều theo sở thích của người dùng. Ở đó, bên cạnh những thay đổi về mẫu mã, nhiều loại bánh Trung thu mới cũng được “thử nghiệm” để tìm kiếm sự mới lạ về khẩu vị, với đủ những gà quay, trà xanh, cốm, vi cá - và có cả những thứ bánh nướng, bánh dẻo nhân sữa dừa, chocolate từng một thời gây tranh cãi.
Thậm chí, như một tất yếu, thị trường bánh Trung thu từ năm ngoái còn rộ lên mốt bánh Trung thu “Healthy” có lợi cho sức khỏe, với vị ít ngọt và sử dụng đường không năng lượng isomalt. Hoặc, gắn với mốt bánh ngọt nhân lava chảy có xuất xứ từ Thái Lan, những cặp bánh nướng, bánh dẻo nhân lava chảy trong năm nay cũng đang dần “đắt khách” trên thị trường.
Như thế, vô tình, chiếc bánh Trung thu trong rằm tháng 8 cũng là minh chứng cho những thay đổi về kinh tế và xã hội của Việt Nam trong vài chục năm qua.
Nó cũng giống như những thay đổi đang diễn ra ở cách mà cộng đồng đón tết Trung thu - khi đồ chơi hiện đại đang dần đẩy lùi những món đồ chơi truyền thống trên thị trường, còn việc rước đèn của trẻ nhỏ cũng bắt đầu được thay bằng việc đi dạo phố, với hàng loạt dịch vụ hoặc lễ hội trông trăng được tổ chức rất chuyên nghiệp.
***
Nhưng, dù có thay đổi về hình thức, tôi tin, bản chất của Tết Trung thu vẫn sẽ là bất biến trong lòng mỗi người, như nó đã tồn tại hàng trăm năm qua.
Không phải ngẫu nhiên, cái Tết được cho là có từ thời Lý này vẫn mang cái tên Tết Đoàn viên. Tổ chức vào rằm tháng 8 Âm lịch, gắn với vụ mùa bội thu, với sự viên mãn của ánh trăng rằm, ngày Tết đặc biệt ấy luôn rộn rã tiếng cười của trẻ thơ và người lớn - những người luôn muốn có mặt đầy đủ trong một phút giây sum họp đáng quý.
Còn bây giờ, sau một chuỗi ngày bất an và không ít mất mát vì bệnh dịch, hẳn chúng ta lại càng thấm thía cảm giác vẹn toàn của sự đoàn viên ấy. So với nó, chắc chắn mọi thứ khác bỗng trở nên không còn quan trọng.
Có bánh “xịn” hay chỉ là những chiếc bánh “đại trà” mua vội không quan trọng. Cũng như, thiếu ánh lấp lánh rực rỡ của lồng đèn, thiếu không khí náo nức rộn ràng khi xuống phố cũng chẳng sao, khi chúng ta ngồi cùng nhau trong sự yêu thương, ấm áp của mỗi gia đình.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất