Góc nhìn 365: Trong nỗi nhớ phố đi bộ

05/03/2020 07:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến ngày hôm nay 5/3, phố đi bộ Hồ Gươm đã có tròn 1 tháng tạm dừng hoạt động. Quãng thời gian ấy bắt đầu từ 4/2 – thời điểm lãnh đạo Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đưa ra giải pháp này, như một lựa chọn bất khả kháng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ.

Hình ảnh khó quên về phố đi bộ Hồ Gươm trong đêm khai trương

Hình ảnh khó quên về phố đi bộ Hồ Gươm trong đêm khai trương

Tối 1/9, 16 tuyến phố quanh Hồ Hoàn Kiếm chính thức được thí điểm trở thành phố đi bộ. Để đảm bảo trật tự cho đêm khai trương, các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực.

Đó cũng là quãng thời gian ngừng hoạt động lâu nhất của phố đi bộ Hồ Gươm, kể từ khi không gian này bắt đầu đi vào vận hành từ tháng 9/2016. Trong suốt hơn 3 năm ấy, dù là mô hình thí điểm (trong những năm đầu) hay chính thức ra mắt (từ đầu năm nay), ít khi nó được đặt ở “chế độ nghỉ” tới 2 tuần.

Đa phần vào những dịp lễ Tết, thời gian hoạt động của không gian này vẫn được điều chỉnh để kéo dài và tương thích với chuỗi ngày nghỉ của cộng đồng. Hoặc, từng bước, từng bước, các không gian đi bộ ở khu vực phố cổ cạnh đó cũng dần được mở thêm để nối thông với phần quanh hồ và tạo thành một quần thể.

Đến giờ, thống kê cho thấy: Trong mỗi dịp hoạt động vào cuối tuần, khu vực này đón lượng người trung bình vào khoảng 20.000 - 25.000 ngàn lượt người/ngày. Thậm chí, như ghi nhận vào những ngày đầu tiên ngừng hoạt động từ 4/2, nhiều du khách và người dân Hà Nội vẫn giữ thói quen tới Hồ Gươm vào cuối tuần để... lững thững đi bộ trên vỉa hè. Như một quán tính.

Chú thích ảnh
Phố đi bộ Hồ Gươm luôn nhộn nhịp người dân tới vui chơi giải trí. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Đáng nói, bên cạnh việc tới đây để vãn cảnh, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, người dân và du khách còn có một nhu cầu rất lớn (mà phần nào chưa được chú ý): Nhu cầu được gặp gỡ và giao tiếp. Nhịp sống hiện tại đang đặt ra nhu cầu ấy, và phần nào, khu vực Hồ Gươm đã đáp ứng được.

Giống như, một cách vô thức, khi chọn điểm đến vào dịp cuối tuần, nhiều gia đình vẫn hướng về không gian đi bộ này - dù cũng khó để trả lời một cách thật tường nếu có câu hỏi tiếp theo: Định làm gì khi tới đó?

***

Phố đi bộ Hồ Gươm “tạm dừng” trong mùa dịch là cần thiết và tất yếu. Nhưng, để quãng nghỉ này không vô ích, Hà Nội có sự khảo sát, chuẩn bị nhằm giúp không gian đi bộ lớn nhất thành phố mang một diện mạo tươi mới và hoàn thiện hơn khi trở lại.

Sự thực, trong hơn 3 năm hoạt động vừa qua, khu vực phố đi bộ Hồ Gươm cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm của mình trong lúc vận hành. Đó là sự thiếu cân đối về không gian - khi du khách chủ yếu tập trung ở phần phía Đông hồ (trục đường Đinh Tiên Hoàng) nhưng khá mỏng ở phần Tây (trục Lê Thái Tổ) vốn có diện tích nhỏ hẹp và khó triển khai các hoạt động. Quá nhiều hoạt động giải trí, văn nghệ được dồn về đây và thiếu những tiêu chí khắt khe về chất lượng. Là việc về tổng thể, khu vực này vẫn thiếu những tiện ích về cây xanh, ghế nghỉ hay những điểm nhấn đặc biệt để du khách dừng chân lâu hơn, thay vì bị cuốn đi theo dòng người quanh hồ.

Chú thích ảnh
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Giải pháp để khắc phục những nhược điểm ấy thật ra cũng đã được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc tọa đàm, hội thảo về phố đi bộ Hồ Gươm. Và ở một góc độ khác, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã lên tiếng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ hoặc tổ chức hoạt động một cách tình nguyện, để có thể giúp không gian đi bộ này được hoàn thiện theo đúng nghĩa. Vấn đề còn lại, chỉ là một cơ chế và lộ trình phù hợp để khảo sát và đi vào thực hiện.

Cần nhớ, như chia sẻ của nhiều chuyên gia, phố đi bộ Hồ Gươm trong tương lai sẽ không chỉ dừng lại ở những gì đang có. Nó xứng đáng là một phố đi bộ vĩnh viễn suốt 365 ngày, và phát huy được tất cả những lớp giá trị còn tiềm ẩn, để trở thành không gian đại diện cho chiều sâu của Hà Nội.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm