Giao thừa: mua mía hay hái lộc?

26/01/2017 09:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cảnh những dãy mía sắp hàng chờ giờ bán trước giao thừa tại công viên, vườn hoa, điểm công cộng... đã trở nên vô cùng phổ biến trong ngày 30 Tết. Nhưng với một số người, việc bỏ tiền ra mua mía lấy may dường như vẫn có gì đó không "hấp dẫn" bằng tự tay trảy một cành lộc cho mình?

Sự thực, như trí nhớ của người viết, việc các gánh hàng rong bán mía vào đêm giao thừa mới chỉ phát triển mạnh vào cuối thập niên 1990. Thậm chí, trong những năm mới xuất hiện, nhiều người còn ngơ ngác vì một... tin đồn:  Công ty cây xanh Hà Nội tổ chức phát tặng mía vào giao thừa cho người dân tại các điểm quanh Bờ Hồ để tránh nạn người người trèo lên bẻ cây lấy lộc.

Tin đồn ít nhiều cũng xuất phát từ một sự thật: trong những năm trước đó, dư luận rất nhiều lần lên tiếng về cảnh "thảm sát" các cành cây quanh Bờ Hồ. Gần như, sau giao thừa mỗi năm, những hàng cây này luôn bơ phờ, xơ xác, vì bị hàng chục người đu lên, bẻ hết các cành và chồi non.

Ít nhiều, sự phát triển của những hàng bán mía vào giao thừa cũng đến từ sự ủng hộ của cộng đồng trước những lời kêu gọi nói không với nạn bẻ cây, hái lộc trong dịp Tết. Nhưng, dù vậy, nạn "trảy lộc" bừa bãi chưa hẳn đã chấm dứt, thậm chí lại có xu hướng phát triển mạnh hơn trong vài năm gần đây.


Một cảnh trèo cây bẻ lộc tại giao thừa

"Điều này đến từ tâm lý a dua, thiếu hiểu biết của đám đông. Và, phần nào, chuyện hái lộc cũng có chút tương đồng với các nghi thức cướp phết, xin lộc trong hội Tết"- GS Ngô Đức Thịnh (nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN). " Nghĩa là thấy người khác hái lộc, mình cũng muốn hái lộc, thậm chí là phải làm sau để kiếm được cành lộc to hơn, hoành tráng hơn".

GS Thịnh cũng cho biết: trong văn hóa người Việt, những cành lộc non mới nhú của cây xanh có nét tương đồng với biểu trưng về sự sinh sôi,nảy nở, phát triển của mùa xuân. Nói cách khác, xin lộc là nhận về những điều tốt đẹp mà tạo hóa hoặc các lực lượng siêu nhiên mang lại cho con người.

Chính bởi vậy, theo vị GS này, người Việt khi xưa không hái lộc với tâm thế ào ạt, "hoành tráng" như bây giờ. Việc hái lộc không nhất thiết phải thực hiện ngay sau giao thừa, mà có thể trong ba ngày Tết. Thậm chí, với ý nghĩa khá rộng của từ "lộc", rất nhiều người "xin lộc" bằng cách lên chùa thắp một nén hương,cầu những điều may mắn tốt lành cho bản thân – chứ không nhất thiết phải tìm một chồi non về treo tại nhà.


Những dãy mía được xếp bên vỉa hè chờ bán trước mỗi giao thừa - nguồn Internet

Thực chất, nói về tục hái lộc của Việt Nam đầu thế kỷ XX, học giả Phan Kế Bình trong "Việt Nam phong tục" cũng cho biết: việc hái lộc thường chỉ xuất hiện nhiều sau mùng một Tết,và cũng chỉ là một lựa chọn trong rất nhiều lựa chọn để cầu may cho năm mới của mọi người.

Cụ thể, ông viết: "Từ ngày mồng hai Tết trở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì hái cành hoa về cài vào cửa, gọi là đi hái lộc. Người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở cửa hàng..."

Hoặc, theo một số tư liệu khác, khi xuất hành đi lễ đầu xuân, thay vì hái lộc tại cành cây, nhiều người  lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên trong nhà.

Với ngần ấy câu chuyện, dường như chúng ta đã có câu trả lời rõ ràng cho việc "mua mía hay hái lộc": may mắn không phụ thuộc vào cách thức "xin lộc". Điều quan trọng, cộng đồng cần thực hiện nghi thức ấy với sự chân thành, hiểu biết, đồng thời gìn giữ nét văn hóa chung cho cộng đồng.

Cúc Đường - Mỹ Mỹ

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm