Đừng mượn danh 'phong tục'

09/02/2017 07:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu xuân 2007, các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ clip của một nhóm thanh niên "bắt vợ" tại Nghệ An. Theo tìm hiểu, do cô gái mình thầm yêu sắp vào Nam lập nghiệp, một nam thanh niên địa phương đã nhờ bạn bè trợ giúp để thực hành tục "bắt vợ" này.

Tôi cố xem clip dài gần 3 phút về chuyện "bắt vợ" tại Nghệ An, một cách khá kiên nhẫn. Cô gái gần như bất lực trước sự khống chế của nhiều chàng trai, trước sự chứng kiến của nhiều người xung quanh. Càng vùng vẫy, nhóm thanh niên càng mạnh mẽ siết chặt cô hơn khi chiếc xe máy bắt đầu chạy. Kèm theo đó, những câu tán gẫu lọt vào clip về việc cô đã trốn trong nhà suốt nhiều ngày.

Cuối clip, những tiếng nói phản đối bắt đầu nhiều hơn. Cô gái bất giác lộn nhào khỏi chiếc xe cùng một thanh niên nữa. Cuộc giằng co chóng vánh và cô gái chạy thoát.

"Xem đến đoạn cô gái chạy thoát mà thở phào"- Một bình luận được khá nhiều người like phía dưới clip. Quả thực, đó là tâm trạng của nhiều người khi xem màn bắt người giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân.


Cô gái bị nhóm thanh niên đưa lên xe liên tục cầu cứu người xung quanh nhưng không ai giúp đỡ. Ảnh: Tân Kỳ/ Báo Nghệ An

Chưa hết, ngay khi xem xong clip này, YouTube chạy chế độ tự động gợi ý thêm rất nhiều clip "bắt vợ" khác đã đăng từ lâu. Độ giằng co của các clip này cũng không kém các clip trước. Sự thờ ơ của những người chứng kiến cũng lạnh lùng như vậy.

Gần nhất, một clip tương tự được quay tại Mộc Châu, với cảnh vừa co kéo, vừa nài nỉ của một chàng trai... dưới xuôi. Dù "nhân vật chính" sau đó đã lên mạng giải thích là anh chỉ đùa cho vui, tôi vẫn thấy chạnh lòng.

Bởi, nếu clip ấy chỉ là đùa vui như người ta giải thích, thì  câu chuyện ở Nghệ An không phải là câu chuyện riêng lẻ. Nó là thực tế đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Và, rất nhiều trong số đó là câu chuyện của những con người thật, đang bị xúc phạm nhân phẩm giữa thanh thiên bạch nhật bằng vũ lực.

***

Khi nói về phong tục, tập quán khác lạ của những cộng đồng dân tộc khác, chúng ta thường đối mặt với một câu hỏi: những gì đang được thấy là phong tục hay biến tướng? Và chúng ta có quyền lên tiếng về văn hóa của nhóm cộng đồng khác không?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, người nhiều năm nghiên cứu các tục lệ cổ của đồng bào thiểu số, clip ở Nghệ An là "biến tướng" của tục "kéo vợ". Cụ thể, "kéo vợ" là tục đẹp của một số đồng bào các dân tộc khác. Đôi lứa yêu nhau có những hẹn ước trước và thực hiện tục này để tránh tình trạng ép hôn, thách cưới cao. Nghĩa là, clip tại Nghệ An là câu chuyện  ít nhiều mượn cớ phong tục cho mục đích riêng.

Và bên cạnh đó, chúng ta có quyền lên tiếng về phong tục văn hóa của cộng đồng khác nếu nó vi phạm tới phẩm giá con người. Một nguyên tắc của chính UNESCO vẫn được nhắc tới: Các phong tục, truyền thống văn hóa của từng cộng đồng đều có sự bình đẳng, miễn là không xâm phạm quyền con người.

Tức là, chúng ta có thể đồng tình với nhau về sự tôn trọng bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, khi văn hóa đó bị biến tướng, ảnh hưởng tới quyền con người, chúng ta cần lên tiếng. Hơn thế, bên cạnh tiếng nói của dư luận, chúng ta cần hơn nữa những hành động trừng trị thích đáng của pháp luật!

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm