27/03/2020 11:48 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội của đất nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên, chính quyền địa phương đang ngày đêm căng mình chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch COVID-19. Về các biện pháp cấp bách, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa tụ tập đông người, nhất là các dịch vụ như nhà hàng, quán karaoke. Các đám cưới, đám tang cũng phải hạn chế tụ tập đông người.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người; giao nhiệm vụ cho các địa phương theo dõi, nhắc nhở vấn đề này để đảm bảo sức khỏe người dân. Tránh tụ tập, tiếp xúc những nơi đông người cũng là một nội dung quan trọng được Bộ Y tế khuyến cáo để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngay từ những ngày đầu chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không cần thiết để hạn chế sự lây lan của dịch.
Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị lãnh đạo Giáo hội hướng dẫn các tổ chức tôn giáo và các cơ sở thờ tự không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; dừng tổ chức các đại hội, hội nghị, lễ hội tôn giáo thường niên như: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành, lễ Phật đản trong Phật giáo, Tết Chôl Chnăm Thmây trong đồng bào Khmer, đại hội nhiệm kỳ của các Hội thánh Cao Đài, hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Không cử người tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh ở địa phương và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tăng cường các hình thức sinh hoạt tôn giáo, giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến qua internet, tránh tập trung đông người.
Đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo giáo hội của 43 tổ chức tôn giáo đã yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc giảm các cuộc lễ cầu nguyện tập trung đông người, không mời, đón giáo sỹ tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là ở các quốc gia có dịch (Italia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản). Nhiều cơ sở thờ tự thực hiện đóng cửa ngay sau Tết nguyên đán.
Ấy vậy mà, trong cộng đồng vẫn còn những tập thể, cá nhân có những hành động trái ngược với các quy định phòng chống dịch bệnh, làm cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 có nguy cơ đổ sông, đổ bể.
Bất chấp yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế, tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) sáng sớm 24/3 (mùng 1/3 âm lịch), hàng trăm người dân đã tụ tập ở cổng Phủ, đứng tràn ra đường để vái vọng dù Ban Quản lý di tích đã dán thông báo đóng cửa đến 31/3. Hầu hết những người này đều đeo khẩu trang nhưng khi khấn vái lại tháo khẩu trang ra với quan niệm "thể hiện sự tôn kính khi đi lễ chùa". Sau khi vái vọng, họ còn thả tiền và lễ qua rào chắn để người ở Phủ mang vào lễ hộ.
Tại Gia Lai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh này đã ký 4 quyết định tổ chức sát hạch lái xe cho 1.945 thí sinh. Sáng 25/3, tại Trung tâm sát hạch lái xe loại 3 thuộc Trung tâm Đào tạo nghề tỉnh Gia Lai, hàng trăm thí sinh đã tập trung, tiến hành thi lý thuyết và thực hành. Các thí sinh này hầu hết ở các huyện lân cận thành phố Pleiku, được các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cấp huyện tập trung lại, vận chuyển về địa điểm thi tại thành phố Pleiku, mỗi chuyến xe chở khoảng 30-40 người. Riêng trong ngày 25/3, Trung tâm Đào tạo nghề tại Gia Lai tiến hành sát hạch cho 500 thí sinh.
Việc tụ tập đông người, tiệc tùng, ăn uống, bất chấp khuyến cáo đã dẫn đến hậu quả khôn lường. Sau buổi tiệc Patrick Day’s ngày 14/3 tại quán Bar Buddha (phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh), một phi công người Anh có biểu hiện sốt, ho và kết quả xét nghiệm cho thấy anh này dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân thứ 91 của Việt Nam. Từ bệnh nhân này, đến tối 26/3, số người mắc COVID-19 có liên quan đến quán Bar Buddha đã lên tới 9 người. Đáng lo nhất là những người này không nhớ đầy đủ quãng thời gian từ tối 14/3 đến khi phát hiện mắc COVID-19 đã tiếp xúc với ai, ở đâu, khiến việc khoanh vùng, hạn chế lây lan dịch vô cùng khó khăn. Lực lượng chức năng đã xác định được 155 người tham dự buổi tiệc tại quán Bar Buddha và vẫn tiếp tục điều tra.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, ý thức của một số công dân trong công tác phòng, chống dịch còn chưa nghiêm túc, một biện pháp quyết liệt hơn đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sáng 26/3: Bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/3 và trong vòng hai tuần, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người.
Thủ tướng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra tụ tập trên 20 người, đồng thời nêu rõ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cần đóng cửa toàn bộ các hoạt động dịch vụ không cần thiết, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm. Đồng thời, tạm dừng hoặc tổ chức lại với số lượng hạn chế các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế bay từ hai thành phố lớn đến các thành phố, địa phương khác. Người dân được yêu cầu ở trong nhà, trừ trường hợp thật cần thiết mới ra ngoài.
Chung tay cùng Chính phủ, các địa phương đã có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ căn cứ vào Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế), để xử lý với mức phạt lên tới 30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội có thông báo: Người dân phát hiện các cơ sở còn mở cửa hoặc có dấu hiệu tụ tập đông người, có thể chụp ảnh và gửi thông tin vào app Hanoi Smart city. Ban Chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung- Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã yêu cầu các quán bar, karaoke, cà phê, nhà hàng, phòng tập gym… phải dừng hoạt động toàn bộ, bất kể nội hay ngoại thành. Trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, dược phẩm, thức ăn, còn lại tất cả các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa đến ngày 5/4.
Khi ý thức công dân còn chưa tốt, các chế tài xử phạt sẽ là liều thuốc hữu hiệu chữa được căn bệnh chủ quan, coi thường dịch bệnh, để không vì một bộ phận người dân lơ là khuyến cáo của lực lượng chức năng mà nỗ lực phòng, chống dịch của biết bao con người bị uổng phí. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng lòng, đồng sức cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 bằng việc tuân thủ nghiêm túc những quy định phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam nhất định giành thắng lợi trong cuộc chiến này.
Thu Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất