Điểm thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang: Cái giá của sự trung thực

17/07/2018 00:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về điểm thi tốt nghiệp THPT có dấu hiệu “bất thường” tại Hà Giang đang đốt nóng dư luận mấy ngày qua. Vắn tắt, địa phương này có tới 36 thí sinh đạt 27 điểm trở lên (cho khối A1), chiếm hơn 47 % số thí sinh đạt ngưỡng điểm này trên toàn quốc (76 em). Trong khi đó, lượng thí sinh dự thi tại Hà Giang chỉ chiếm tỷ lệ 1/170 trên tổng số thí sinh toàn quốc.

Cộng cùng nhiều so sánh khác, mức điểm thi này đang mở ra hàng loạt nghi vấn. Để rồi, khi áp lực từ dư luận dâng cao, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc để xác minh sự thực.

Bài thi khối A1 của các em học sinh năm nay được thực hiện theo hình thức thi trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm ai cũng biết, kết quả thi sau khi thí sinh nộp bài được đưa về cho máy chấm điểm, nhưng khâu đưa bài cho máy chấm và giám sát công việc đó thì lại do… con người. Những nghi vấn cũng bắt đầu từ đây.

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Báo Thanh Niên

  ***

Nhân đây, tôi bất chợt nhớ về một câu chuyện cũ, khi còn trong quân ngũ.

Năm đầu tiên trong đời bộ đội, khi đơn vị tổ chức bắn đạn thật súng tiểu liên AK47, cự ly 100m, chúng tôi ai nào cũng lo sốt vó. Lo là vì thành tích kém thì chỉ có mà đi hót phân, tưới rau cả tháng. Mặc dù ròng rã cả tháng trời nằm phơi lưng học ngắm bắn đấy thế nhưng làm gì có ông nào dám tự tin khẳng định mình sẽ bắn trúng ba vòng 10.

Ngày kiểm tra đến, đơn vị hành quân ra trường bắn từ sáng sớm, tôi để ý thấy chỉ huy Đại đội gọi tổ báo bia lên giao nhiệm vụ và …đưa cho anh em một cái dùi tròn, đường kính bằng đầu đũa chả hiểu để làm gì cả. Và trong buổi kiểm tra đó, mặc dù có đầy đủ các ban bệ từ bên sư đoàn, đến bên quân khí, rồi ban thi đua khen thưởng, kiểm tra giám sát, ghi biên bản đầy đủ nhưng cuối cùng đơn vị cũng đạt được thành tích đã đăng ký trước đó.

Kết thúc buổi kiểm tra, tổ báo bia được nghỉ phép trước cả anh em có thành tích cao, thế mới lạ. Anh em trong đơn vị cũng bàn tán kiểu thằng A tập kém mà sao điểm cao thế? cậu B ngắm bắn khi tập luyện toàn lên trời thế mà đạt loại giỏi…?

Về sau này vụ việc vỡ lở tôi mới hiểu rằng, quy trình thì là như thế thôi chứ quyết định chính là ở tổ báo bia, vũ khí chính là cái dùi sắt và họ “được bật đèn xanh” bởi chỉ huy đơn vị. Không thế thì có mà chết cả lũ.

Nhưng sau đó trong một lần tuyển chọn đội bắn súng đi hội thao toàn quân thì những ông bắn giỏi hôm kiểm tra đều không có tên. Tiểu đoàn trưởng biết việc đó, ông tổ chức sinh hoạt và nói rằng: Các anh có thế qua mắt mọi người trong buổi kiểm tra, nhưng ra chiến trường thì khó qua mặt kẻ thù được…

Đó là một câu nói ngắn gọn, đầy đủ và trở thành bài học khi đó cho chúng tôi - những thanh niên 18, 19 tuổi: Người ta có thể vượt qua những trở ngại trước mặt bằng sự gian dối, nhưng không thể dùng sự gian dối làm phao cứu sinh trong những thời khắc quyết định của cuộc đời.

Bởi, gian dối cũng đồng nghĩa với việc tước bỏ ở chúng ta một điều vô cùng quan trọng: Cơ hội để người khác đặt lòng tin vào mình.

***

Trở lại câu chuyện điểm thi “cao bất thường” tại tỉnh Hà Giang. Có những tình huống được đặt ra như sau:

Nếu những nghi vấn là sự thật, dù có chứng minh được hay không, thì mức điểm cao mà các em có được chỉ là một trận thắng tạm thời, còn về sau thì chưa chắc. Bởi, chỉ khi nào kiến thức thực sự thuộc quyền “sở hữu” của các em thì khi đó các em mới có sự tự tin đích thực trong cuộc sống.

Còn nếu những nghi vấn ấy được kết luận là sai, thì sẽ phải làm sao đây? "Minh oan" bằng kết luận thanh kiểm tra, có lẽ mới chỉ là bước đi đầu tiên, trong hành trình để các em nỗ lực lấy lại niềm tin từ dư luận. Bởi, với những khái niệm về trung thực – đặc biệt là trong bối cảnh của nền giáo dục hiện nay – người ta không có xu hướng dễ dàng bị thuyết phục ngay vào những kết luận được đưa ra.

Nói rằng cái giá của sự trung thực là vô cùng đắt là vì thế.

Thông tin mới cập nhật sáng 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết, đã xác định được đối tượng gây sai phạm về điểm thi cao bất thường ở Hà Giang. Cơ quan chức năng đang điều tra chứng cứ để củng cố và khi có kết quả sẽ xử lý đúng theo quy chế hiện hành và pháp luật.

 Quốc Khánh

Hà Giang rà soát khâu coi thi và chấm thi THPT quốc gia sau nghi vấn 'điểm cao bất thường'

Hà Giang rà soát khâu coi thi và chấm thi THPT quốc gia sau nghi vấn 'điểm cao bất thường'

Sau khi Phổ điểm thi THPT Quốc gia 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đã có những ý kiến xung quanh vấn đề học sinh ở Hà Giang đạt điểm cao bất thường ở một số môn thi.

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm