22/09/2017 07:57 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cảm giác đầu tiên của bạn là gì, khi xem bức tranh ấy? Đấy là hình của một chiếc bóng điện chìm dưới nước, được buộc vào một chiếc thuyền giấy nổi trên mặt nước. Tất cả chỉ có thế, nhưng nó được đưa vào đề thi văn, học sinh giỏi của tỉnh Bắc Giang, và người ra đề yêu cầu các thí sinh phải “viết một bài văn nghị luận để trình bày quan điểm về vấn đề được gợi ý” từ bức tranh trên.
Đề thi ấy đã gây ra không ít tranh cãi trong những ngày qua, trên các báo mạng, trên các mạng xã hội. Rất nhiều người nói rằng, họ không hiểu gì hết, vì đề như thế là đánh đố, trừu tượng, có thể khiến học sinh hiểu theo nhiều cách không đúng.
Nhưng không ít giáo viên và cả những người tham gia bình luận trên các báo mạng đều khẳng định rằng, đề mở như thế là hay, là kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của thí sinh, là đòi hỏi học sinh phải động não qua việc quan sát, từ đó phân tích và bàn luận.
Ai cũng có lý của họ và theo các quan điểm ấy, thật khó có thể nói về chuyện đúng hay sai, vì cách lý giải vấn đề từ một bức tranh phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tưởng tượng của học sinh, do đó sẽ khó có một đáp án cố định nào. Sẽ rất tuyệt vời nếu những người đưa ra đề bài này rộng lượng với cách đưa ra các luận điểm khác nhau của học sinh.
Bản thân người viết bài này cũng đã quan sát ngắm nghía bức tranh, từ đó đưa ra khá nhiều đáp án và cách giải nghĩa khác nhau, tự nhiên nhận ra rằng, đã khá lâu rồi, người ta ít có những cuộc tranh luận về tư duy giáo dục liên quan đến một chủ đề thú vị nào đó.
Thường thì họ bị cuốn theo những chỉ trích về các vấn đề nặng nề đang diễn ra trong ngành giáo dục, những câu chuyện liên quan đến học hành của con cái họ, những bình luận nhiều chiều về thái độ của giáo viên hoặc nhà trường… Tóm lại là những câu chuyện sát sườn đối với số đông.
Nhưng việc không ít người, cả học sinh lẫn phụ huynh cùng động não về một bức tranh thì rõ là đáng bàn, và sẽ thật tuyệt vời nếu từ một đề văn cho học sinh giỏi cấp tỉnh này, người ta mở rộng hơn lên và phổ biến mạnh mẽ hơn cách học và dạy theo kiểu động não, tranh luận, tăng cường tư duy phản biện từ cấp tiểu học trên nhiều môn học đòi hỏi khả năng cảm thụ, tức là áp dụng vào những học sinh rất bình thường, chứ không chỉ áp dụng cho các học sinh kiểu “gà nòi”.
Đã bao nhiêu năm nay, việc người ta dạy và học theo những khuôn mẫu, những barem cố định, những bài tập làm văn mẫu, những gợi ý giải các môn học khác đã dần giết chết sự sáng tạo và tư duy nhìn nhận một vấn đề theo nhiều chiều ở cả giáo viên lẫn học sinh.
Những môn học về xã hội lại càng đòi hỏi tư duy sự sáng tạo và đào sâu suy nghĩ hơn nữa, khi biên độ cho sự sáng tạo là rất rộng. Một nhân vật trong một tác phẩm được đưa ra bình luận và mổ xẻ hoàn toàn có thể được nhìn dưới nhiều góc độ. Một chủ đề xã hội cũng không thể chỉ có một cách phân tích và nhìn nhận theo một khuôn mẫu nhất định, khi bản thân khả năng tổng hợp và phân tích vấn đề của các học sinh là khác nhau.
Tôi tin rằng, nhiều giáo viên thừa hiểu là trong nhiều môn học đòi hỏi khả năng cảm thụ ở mình, đa phần các học sinh chỉ biết tập chép những gì đã có sẵn. Trước các bài kiểm tra cũng như các bài thi, học sinh nào cũng được bạn bè hoặc giáo viên luyện thi phổ biến trước rằng, cứ viết bao nhiêu trang và phải đủ những ý nào thì sẽ không bị dưới điểm trung bình.
Cứ thế, qua bao nhiêu năm, chúng ta đã tạo ra không biết bao nhiêu những con robot vô cảm hoặc đơn giản là không biết hoặc không thích cảm nhận về nghệ thuật, không biết tranh luận và có tư duy phản biện. Đấy là những cái máy rất nghèo nàn về tâm hồn và rất ngại nói ra quan điểm của mình.
Đến bao giờ những điều đáng buồn ấy mới kết thúc?
Trương Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất