Đạo thầy trò giữa những nỗi lo toan

19/11/2016 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gần kề trong niềm háo hức của các em học sinh và niềm tự hào của các thầy cô giáo. Khắp nơi, các em lại đang chộn rộn chuẩn bị đi thăm thầy cô với những lời chúc, lời tri ân trân trọng nhất. 20/11, với thầy cô và các thế hệ học sinh luôn là ngày của những tình cảm hồn nhiên, trong sáng, đáng lưu giữ suốt cuộc đời.

Nhưng giáo dục nước ta chưa bao giờ hết những lo toan của riêng mình và thầy cô giáo cũng vậy. Đó là câu chuyện của hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường lâm cảnh thất nghiệp vì không xin được việc làm, phải kiếm sống bằng nghề khác...

Đó là câu chuyện lương không đủ sống và giáo viên phải làm nghề tay trái, vốn đã quá cũ đến độ người trong cuộc không còn dám than thở nữa. Đơn giản vì lương tối thiểu giáo viên mới ra trường hệ số 2,34, chưa trừ bảo hiểm và các khoản phí phải đóng là khoảng 2,8 triệu đồng. Đến nỗi một thầy giáo hiệu trưởng đã phải bật khóc tại hội nghị phổ biến quy định “cấm giáo viên dạy thêm”.


Lễ tuyên dương các nhà giáo trẻ tiêu biểu bậc THPT tại TP. HCM. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Mới đây, quy định này đã được điều chỉnh. Hay câu chuyện nhiều năm lặp lại với những cái Tết giáo viên ngậm ngùi nhận thưởng tết gói mỳ chính, chai nước mắm, thậm chí là không có gì.

Nhưng cái đáng lo hơn là sự ngổn ngang về cơ chế, triết lý giáo dục. Trong dòng chảy của kinh tế thị trường, sự tôn kính người thầy như một sự mặc định ấy dường như cũng bắt đầu gặp những trục trặc, khi học sinh và phụ huynh bắt dầu nhìn người thầy, nhìn nhà trường từ cặp mắt của… “người tiêu dùng”.

Giữa cơ chế thị trường, thầy giáo đơn thuần là phía cung cấp dịch vụ giáo dục cho người tiêu dùng là học sinh và người trả tiền là phụ huynh. Và, tất nhiên, nền tảng của mối quan hệ là các ràng buộc về kinh tế.

Hiện nay, chúng ta đang có sự thay đổi theo hưởng đổi mới rất nhiều trong giáo dục, từ xã hội hóa đến tự chủ... trong trường học. Dẫn đến hệ quả nhiều môi trường sư phạm không thể phân biệt rạch ròi là phúc lợi hay dịch vụ. Nghĩa là, theo một cách nào đó, xã hội đẩy nhau tới một cuộc tranh cãi giữa 2 quan điểm: sự kính trọng mặc định dành cho nghề giáo trong quá khứ, và tư duy sòng phẳng, nhìn thầy cô giáo như một nghề cung cấp dịch vụ bình thường.

Đôi khi, sự cởi mở đổi mớikết hợp với bối cảnh cơ chế thị trường bên ngoài khiến một số học sinh “quá đà” bỏ hoàn toàn những tư tưởng cũ. Các em lập luận đơn giản, xã hội cơ chế thị trường tức là có người mua - người bán. Giáo dục cũng là một ngành dịch vụ mà ở đó, thầy cô là người cung cấp dịch vụ còn học sinh là khách hàng sử dụng dịch vụ. Sự quý mến thầy cô vì thế cũng khác xưa.

Ngày 20/11, có học sinh tặng quà cho giáo viên cũng mang tính thực dụng chứ không còn là tình cảm chân thành nữa. Dù thầy cô, khi nào cũng vậy, mong muốn lớn nhất là được làm việc trong một môi trường giáo dục trong sáng, và các em học sinh cũng không bị áp đặt những tư tưởng về hàng hóa thị trường, về bệnh thành tích, tiêu cực vì chính những suy nghĩ của người lớn để trả lại tình cảm thầy - trò đúng nghĩa của nó.

***

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh”. Cái “nguyên khí” ấy của quốc gia là do người thầy tạo dựng, vun trồng. Trong lịch sử nước ta không thiếu những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về truyền thống tôn sư trọng đạo. Lịch sử phát triển, cũng như đặc điểm văn hóa Việt Nam, luôn dành cho người giáo viên một vị trí trang trọng và cao quý trong đời sống xã hội.

Một ngày 20/11 nữa lại đến và các thầy cô giáo vẫn luôn là hình tượng xã hội soi vào. Dù vẫn còn đó nỗi lo lắng bất tận của một nền giáo dục thiếu triết lý. Nhưng đó không phải là lỗi của những thầy cô giáo.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm